Phi vụ ma mãnh 870 triệu USD
của METRO:
Kiểm tra tính hợp
pháp của việc chuyển nhượng
Cập nhật lúc 07:44
Các cơ quan
quản lý nhà nước cần nhanh chóng vào cuộc để làm rõ thương vụ mua bán
của METRO
và nghi án chuyển giá, ngăn chặn ngay hành vi trục lợi trên những ưu đãi của
VN.
Năm 2010, Thanh Niên từng đề cập đến vụ trốn thuế
xảy ra tại khách sạn Equatorial (Q.5, TP.HCM) bị Cơ quan An ninh điều tra -
Bộ Công an khởi tố hình sự. Khi tiến hành thanh tra về thuế tại khách sạn này,
cơ quan thuế phát hiện hàng loạt sai phạm và nhận thấy khách sạn có dấu hiệu
của tội “trốn thuế” nên Cục Thuế TP.HCM dừng các thủ tục xử lý hành chính,
chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Theo TS Phạm Văn Chắt, chuyên gia kinh tế quốc tế, đối với
trường hợp của METRO, Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc để xác định METRO có
“lãi thật, lỗ giả” hay không. Cơ quan này cần phải kiểm toán toàn bộ METRO trên
cơ sở đó kết luận nghi án chuyển giá né thuế. Nếu lỗ giả, lãi thiệt thì có
thể tiến hành truy thu thuế.
Siết quy trình bán dự án cho nước ngoài
Đối với việc chuyển nhượng dự án, theo TS Chắt, trong thẩm
quyền của Bộ KH-ĐT cần phải can thiệp vào việc mua bán dự án của METRO ở VN.
Vì METRO là dự án thuộc nhóm A do Chính phủ cấp phép sau khi được Bộ KH-ĐT đề
xuất nên Bộ KH-ĐT có trách nhiệm xem xét lại tính hợp pháp của việc bán METRO
ở VN cho Thái Lan.
TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản thống kê
của Liên Hiệp Quốc cho biết: “Ở Mỹ khi bán công ty cho một thực thể nước
ngoài (ở tỷ lệ cổ phần có quyền kiểm soát) thì phải xin phép Ủy ban Đầu tư
nước ngoài của Mỹ (Committee on Foreign Investment in the US) thuộc Bộ Tài chính.
Đồng thời, doanh nghiệp (DN) sẽ phải nộp thông tin theo yêu cầu của Cục Tình
báo Mỹ (CIA) và Cảnh sát liên bang (FBI) để điều tra, mất khoảng 30 - 45
ngày. Cũng có thể bị đem ra quốc hội truy hỏi. Bán công ty cho ai là quyền
của DN, trừ trường hợp có liên quan đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ở một
vài trường hợp đặc biệt, chẳng hạn phía Mỹ sẽ xét duyệt việc công ty Trung
Quốc mua công ty hoặc cổ phần kiểm soát của DN Mỹ, có thể không được mua hoặc
phải tự ý rút lui”.
Ở VN, TS Việt cho rằng, để hoạt động minh bạch, tất cả các
công ty đều phải bảo đảm các quy trình thủ tục. Thứ nhất, từng quý phải nộp
báo cáo tài chính để nộp thuế và hằng năm phải nộp báo cáo tài chính đã được kiểm
toán bởi một công ty kiểm toán độc lập (thuộc Bộ Tài chính). Thứ hai, khi
bán, người bán phải trả capital gain tax (thuế trên lãi từ chênh lệch giá trị
tài sản mà công ty sở hữu)... Đây cũng là dịp để xem lại sổ sách từ ngày
thành lập. Đối với METRO, nếu thực hiện hết các quy định trên, chắc chắn sẽ
không có chuyện lỗ 11/12 năm và khi bán sẽ phải thực hiện hết các nghĩa vụ
với VN.
TS Việt khẳng định tất cả các vụ buôn bán liên quan đến
nước ngoài đều nên qua một trình tự nhất định. Trình tự này nhằm kiểm toán để
đánh thuế cho đúng, thuế thu nhập công ty (lợi nhuận) trước đây và thuế lãi do
tăng giá trị tài sản (giá cổ phiếu...). Đặc biệt, kiểm soát mua bán bằng một
trình tự đã định sẵn còn bảo đảm an ninh quốc gia, không để một nước nào đó
kiểm soát.
Ưu tiên bán cho người Việt trước
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng
hiện các DN có nhiều nghi vấn xoay quanh câu chuyện kinh doanh thua lỗ và bán
cho Thái Lan của METRO. Do đó các cơ quan quản lý, đặc biệt là Tổng cục Thuế
phải làm rõ những nghi vấn này trước khi METRO hoàn tất thủ tục chuyển nhượng
và rút khỏi VN. “Nếu không làm rõ những nghi vấn đang đặt ra thì bản thân các
cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm trước người dân. Bản thân DN trong nước
chỉ mong muốn được bình đẳng như METRO, chẳng hạn được ưu đãi về thuế hay tìm
các mặt bằng khi muốn mở siêu thị bán lẻ... ”, ông Phú nói.
Từ sự vụ của METRO, các chuyên gia một lần nữa đề cập đến
chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có phần “nặng ngoại, nhẹ
nội” của VN. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, mặt bằng ở Bình Phú (Q.6,
TP.HCM) của METRO ban đầu thuộc quy hoạch dành xây dựng công viên giải trí
nhưng sau đó công ty vẫn thuê được. Rõ ràng có nhiều dấu hiệu bất thường. “VN
đã thu lại được lợi ích gì khi cấp phép cho METRO vào hoạt động đến nay? Hay
chỉ là việc tạo thêm áp lực cạnh tranh cho các DN trong nước. Bao nhiêu đất
đai được khai thác mà chính ông chủ sở hữu là VN lại không nhận lại được lợi
ích gì? Vì thế, cần phải xem lại chính sách thu hút và ưu đãi FDI, nhất là
trong lĩnh vực phân phối. Đáng lẽ trong những năm qua, các cơ quan quản lý từ
địa phương đến trung ương phải kiểm tra để xác định nguyên nhân thua lỗ của
METRO. Để sự việc này kéo dài nhiều năm và đến nay có thể hạ cánh an toàn là
lỗi của các cơ quan quản lý”, ông Thành chỉ trích.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích:
Khi DN Thái Lan tiếp quản METRO thì chắc chắn nền kinh tế VN sẽ bị tác động
lớn. Thậm chí cả ngành nông nghiệp trong nước cũng sẽ bị bóp chết khi hàng nông
sản Thái Lan dễ dàng có mặt ở thị trường VN. Điều quan trọng hiện nay là phải
tập trung và kiểm tra kỹ càng những nghi vấn trong hoạt động kinh doanh của
METRO tại VN. Đặc biệt, việc cho phép chuyển nhượng toàn bộ hợp đồng, trong
đó có quyền sử dụng đất ở những mặt bằng lớn như METRO hiện nay là một lỗ
hổng trong việc quản lý và thu hút vốn FDI trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ.
Vì vậy cần xem xét rà soát lại toàn bộ quy định và có thêm những điều kiện
ràng buộc chặt chẽ hơn. Thậm chí có thể yêu cầu DN nước ngoài phải ưu tiên
bán lại hệ thống kinh doanh cho người VN trước khi tìm đối tác ở nước ngoài.
(Theo
Thanh niên) N.Trần Tâm - Mai Phương
|
Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét