"Tôi muốn cảnh
báo để Quốc hội không bị ru ngủ vì câu chữ"
Cập nhật lúc 08:30
(GDVN) - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã chỉ rõ, báo cáo đánh
giá tác động đề án chương trình - SGK mới nhất của Bộ GD & ĐT là sự tưởng
tượng của người viết.
Tiếp tục cuộc trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt
Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,
Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra nhiều điểm thiếu
luận cứ khoa học trong dự thảo đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (GDPT)
và biên soạn SGK mới.
Đổi mới một phần hay toàn bộ?
Theo dự thảo đề án, một trong những đặc điểm quan trọng
nhất của chương trình mới là “chuyển căn bản từ tập trung vào trang bị kiến
thức, kĩ năng sang phát triển năng lực và phẩm chất người học, đảm bảo hài hòa
giữa dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp”. Chính vì vậy mà chương
trình mới này được gọi là chương trình tiếp cận theo định hướng phát triển
năng lực.
GS Thuyết nhấn mạnh: “Tôi muốn cảnh báo để Quốc hội, các
đại biểu Quốc hội và cả cơ quan trình đề án không bị “ru ngủ” vì câu chữ.
Chương trình giáo dục nào cũng phải xác định trang bị cho người học những
kiến thức gì, hình thành và phát triển ở họ những kĩ năng và thái độ như thế nào.
Liệu kiến thức, kĩ năng và thái độ có phải là những yếu tố cấu thành năng lực
và phẩm chất không? Hay năng lực, phẩm chất mà chương trình GDPT mới hướng
tới không dựa trên những yếu tố đó? Đề án không giải thích, cho nên khó có
thể hình dung tính chất cải cách, đột phá của chương trình GDPT mới như thế
nào”.
Bàn về phương pháp triển khai công việc, GS Nguyễn Minh
Thuyết chỉ rõ 3 câu hỏi cần trả lời:
Thứ nhất, đổi mới toàn bộ hay bộ phận? Đề án của Bộ GD-ĐT
cũng xác định tinh thần “kế thừa” chương trình, SGK hiện hành. Nhưng phương
án nêu ra trên thực tế là “xóa đi, làm lại từ đầu”. Đây là kiểu tư duy đồng loạt
không phù hợp trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. E rằng nó khó có thể
đem lại kết quả mong muốn, nhất là khi được thực hiện trong một thời gian rất
gấp với điều kiện đánh giá chất lượng khó đảm bảo khách quan.
Bộ GD-ĐT có thể chọn một phương án khác là trên cơ sở đánh
giá kết quả thực hiện chương trình, SGK hiện hành một cách cụ thể hơn, giữ
lại những bộ SGK phù hợp, chỉ thực hiện thay đổi ở những cấp, những môn không
phù hợp. Ưu điểm của phương án này là đỡ tốn kém cho ngân sách nhà nước.
Thứ hai, đổi mới tức thì hay có lộ trình? Phương án của Bộ
GD-ĐT là thay đổi tất cả cùng một lúc; trước mắt thay toàn bộ SGK các môn học
ở cả 3 lớp đầu 3 cấp học. E rằng phương án này khó có thể đem lại kết quả mong
muốn, vì nó giống như xây 3 tầng nhà cùng lúc và xây trong một thời gian rất
gấp gáp.
GS Thuyết chia sẻ: "Theo tôi, trong hoàn cảnh hiện
nay, phương án tốt nhất là đổi mới theo lộ trình 3 bước như sau: Điều chỉnh,
bổ sung chương trình GDPT hiện hành theo hướng làm cho nó cụ thể hơn, cập
nhật hơn, có tính thực hành cao hơn, và nhẹ hơn; Đổi mới phương pháp dạy học để
phát huy tính tích cực của người học, làm cho chương trình tác động mạnh hơn
đến sự hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học; Tạo điều
kiện để các tổ chức, cá nhân biên soạn dần từng quyển hoặc từng bộ SGK thay
thế SGK hiện hành. Không đặt vấn đề thay đổi toàn bộ SGK ngay một lúc vì làm
gấp như vậy vừa khó đảm bảo chất lượng, vừa tốn kém.
Ưu điểm của phương án này là có đủ thời gian thực hiện
công việc đổi mới một cách có chất lượng trên cơ sở đảm bảo sự tham gia của
xã hội, và không có những lứa học sinh phải học theo chương trình cắt khúc
lúc cũ lúc mới".
Thứ ba, có xã hội hóa toàn bộ việc viết SGK? Phương án của
Bộ GD-ĐT nêu trong đề án là thực hiện xã hội hóa đối với toàn bộ công việc
viết SGK, nhưng Bộ GD-ĐT (Nhà nước) có 1 bộ SGK làm căn bản. Phương án này
vẫn thể hiện lối tư duy “đồng loạt” và tư duy “dân doanh, quốc doanh” trong kinh
tế.
"Theo tôi, trong giáo dục, nên nhận rõ sự khác nhau
giữa các môn khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ, giáo dục thể
chất với các môn khoa học xã hội và nhân văn. Bộ GD-ĐT chỉ nên làm SGK một số
môn khoa học xã hội và nhân văn, còn việc viết SGK các môn khác nên xã hội hóa.
Thậm chí, có thể mua bản quyền và dịch SGK nước ngoài để dạy. Đây cũng là
kinh nghiệm mà Hàn Quốc đã áp dụng. Ưu điểm của phương án này là ít tốn kém
cho ngân sách nhà nước; đồng thời hạn chế khả năng xảy ra những sai sót bất
lợi về chính trị, ngoại giao, những kiến giải không đúng về lịch sử, những
thông tin thiếu chính xác về địa lý...", GS Thuyết bày tỏ.
Báo cáo đánh giá tác động là sản phẩm
của trí tưởng tượng
Theo GS Thuyết, bản báo cáo đánh giá tác động của chương
trình giáo dục phổ thông 16 trang thì ngoài 4,5 trang nhắc lại nội dung đổi
mới chương trình -SGK, còn lại 12 trang trình bày tác động của chương trình mới
đối với học sinh, nhà giáo và chuyên gia giáo dục, hệ thống giáo dục quốc
dân, công tác quản lý của ngành, kinh tế - xã hội và văn bản pháp luật.
Ở mỗi mặt tác động, báo cáo đều nêu tác động tích cực, khó
khăn - thách thức và giải pháp. Thí dụ: “Do chương trình chú trọng phát triển
năng lực nên nội dung học sẽ được tinh giản, từ đó khắc phục hiện tượng quá
tải, học sinh không phải học thêm, tiến tới khắc phục được nạn dạy thêm học
thêm tràn alan và bệnh thành tích, nạn thiếu trung thực trong học tập và thi
cử”; “Giáo viên sẽ chủ động, sáng tạo hơn và có trách nhiệm cao hơn […] Giáo
viên thay đổi căn bản cách dạy theo hướng từ chỗ giáo viên là người truyền
thụ kiến thức sang tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu”; “Để
tạo điều kiện cho việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng và
hiệu quả giáo dục, số lượng học sinh trên lớp sẽ giảm (không phải 50 – 60 học
sinh trên lớp ở một số nơi như hiện nay)”.
GS Thuyết chỉ rõ: “Xét về hình thức, đây là một báo cáo
khá chỉn chu, nhưng đọc kỹ nội dung thì có thể thấy hầu hết các tác động,
nhất là tác động tích cực, đều là tưởng tượng của người viết báo cáo, không
dựa trên cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn hay số liệu điều tra, thử nghiệm, khảo
sát nào. Đặc biệt, báo cáo đánh giá tác động không hề đề cập đến tác động của
đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông đối với ngân sách nhà nước là điều
mà báo cáo đánh giá tác động của bất cứ dự án, đề án nào cũng phải có”.
Báo cáo cũng không đề cập đến khó khăn và nêu giải pháp
khắc phục khó khăn khi đề án kéo dài thời gian học THCS thêm 1 năm sẽ tạo
thêm khó khăn về tài chính đối với những gia đình thu nhập thấp chỉ mong con
kết thúc sớm THCS để đi học nghề hoặc tham gia lao động giúp gia đình.
Việc huy động lực lượng xã hội tham gia biên soạn để có
nhiều bộ SGK phổ thông sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng sách có lợi cho
người học và người dạy. Tuy nhiên, không thể không nhìn thấy những khó khăn
từ việc này, chẳng hạn: Khả năng hạn chế sai sót, nhất là trong SGK các môn
học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân thế nào?
"Ở Hàn Quốc, tư nhân không được biên soạn SGK tiểu
học và SGK các môn học này. Cơ chế lựa chọn, sử dụng SGK, nhất là trong tình
hình quyết định của những người có thẩm quyền dễ bị chi phối vì lợi ích nhóm.
Cần có giải pháp để lựa chọn được những bộ sách tốt và tương đối ổn định để phù
hợp với điều kiện tài chính có hạn của các gia đình Việt
(Theo Giáo dục VN) Ngọc Quang
Cái hay của công chức VN là viết báo
cáo, đề án… rất hay.
Cái dở của công chức VN là năng lực
thực hành… rất dở.
Cái hay là họ tiêu tiền… rất tốt.
Cái dở là họ tiêu tiền… rất tốn!
Thương Giang
|
Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét