Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Ăn thịt thú rừng, cẩn thận virus Ebola 'ăn' lại bạn

Cập nhật lúc 14:00

(VTC News) – Nhiều người ăn thịt thú rừng để khẳng định đẳng cấp mà không biết có thể bị nhiễm Ebola từ món khoái khẩu này.

Tại sao ăn thịt thú rừng lại nhiễm Ebola?

Thịt thú rừng là một món ăn được coi là đẳng cấp nhưng nó cũng chính là mối đe dọa, vì có thể làm chết người. Từ năm 2007, các chuyên gia nông nghiệp Mỹ đã lưu ý rằng, thịt thú rừng là nguyên nhân gây một số bệnh như Ebola, SARS và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.

 Ăn thịt thú rừng, cẩn thận virus Ebola 'ăn' lại bạn
Ăn thịt thú rừng có nguy cơ bị nhiễm virus Ebola.
Tại Tây Phi - ổ của bệnh dịch Ebola đang phải hứng chịu hậu quả từ việc dùng thịt thú rừng. Ở những nước này, ăn thịt thú rừng là truyền thống lâu đời. Khắp nơi có thịt thú rừng, đây là món ăn hàng ngày của dân ở những nước này.

Bản thân nước Mỹ đã rất lo ngại về việc thịt thú rừng được nhập khẩu vào nước này. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ năm 2009-2013, cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ đã tịch thu hơn 69.000 mặt hàng thịt thú rừng khác nhau trong đó có cả dơi khô và khỉ. Thịt thú rừng được vận chuyển trong những va li. Thịt có thể được hun khói hoặc làm mát để vận chuyển trên máy bay.

Tại Mỹ, 4 cơ quan có trách nhiệm thực thi hạn chế nhập khẩu loại thịt này là Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm; Trung tâm kiểm soát dịch bệnh; Bộ Nông nghiệp Mỹ và Hải quan.

Vậy tại sao thịt thú rừng lại có thể làm người mắc virus Ebola? Các nhà nghiên cứu cho rằng virus Ebola có nguồn gốc từ dơi ăn quả và linh trưởng. Con dơi ăn quả được cho là "hồ chứa tự nhiên" của Ebola. Virus Ebola có thể sống trong dơi nhiều năm mà không làm hại gì loài này.

Dơi ăn quả và bỏ dở sẽ để lại virus trong nước bọt nó ở trên quả. Linh trưởng hay các loài khác ăn trái cây này sẽ nhiễm virus và bị bệnh.Khi con người ăn thịt những con thú được chế biến không đúng cách, sẽ bị lây bệnh.

Một kịch bản được các nhà khoa học đưa ra là, một con vật bị nhiễm bệnh được xẻ thịt và máu thấm vào vết cắt trên bàn tay của thợ săn. Người này mắc bệnh và truyền virus sang cộng đồng. 

Một cách lây khác là lây trực tiếp virus Ebola từ dơi và linh trưởng. Hai loài này là thức ăn phổ biến ăn hàng ngày ở châu Phi. Khả năng nữa khi virus Ebola lây sang người là dơi được nhốt gần cầy hương.  Cầy hương lây virus từ dơi, sau đó, con người ăn thịt cầy hương nên mắc bệnh.

Ebola nguy hiểm hơn HIV

Tại Việt Nam, thịt thú rừng được coi là món đặc sản. Dân sành điệu thường là khách quen của những quán chuyên bán thịt thú rừng ở Hòa Bình.

Một ông chủ cửa hàng chuyên bán thịt động vật hoang dã tại Thái Nguyên khẳng định, ở quán ông chuyên cung cấp thịt cầy vòi hương, kỳ nhông, nhím, dúi, chim quý. Không chỉ ở Thái Nguyên, mà ngay ở Hà Nội cũng có những quán bán thịt thú rừng vẫn ngang nhiên hoạt động.
 Ăn thịt thú rừng, cẩn thận virus Ebola 'ăn' lại bạn
Cầy hương được thịt sẵn chờ dân nhậu. 
Mỗi năm, có hàng tấn thịt động vật hoang dã được mang đi tiêu thụ, thậm chí những loài có nguy cơ tuyệt chủng vẫn được buôn bán. Vì động vật hoang dã mang lại siêu lợi nhuận nên đối thượng buôn bán này sẵn sàng làm bất kể bị cấm.

Về nguồn gốc virus Ebola, một điều cần cảnh báo là tại Việt Nam có 112 loài dơi, trong đó có khoảng 13 loài dơi ăn quả phân bố rộng khắp ở cả đồng bằng và miền núi. Mà dơi ăn quả như phân tích ở trên chính là ‘cội nguồn’ của virus Ebola.

Điều đáng lo ngại với căn bệnh này, theo PGS.TS.BS Bùi Vũ Huy – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, virus Ebola gây bệnh còn kinh khủng hơn virus HIV, vì tốc độ lây lan của Ebola rất nhanh và mạnh.

Tỷ lệ tử vong do bệnh cao từ 60-90% tùy khu vực. Ngoài ra, việc khống chế nó rất khó. Diễn biến bệnh nhanh có thể tử vong trong vòng 15 ngày.

Trên thế giới, các nhà khoa học đã nghiên cứu được 700/3000 virus từ động vật. Như vậy, còn nhiều virus mà chúng ta chưa biết đến. Do đó, khi ăn thịt hay tiếp xúc với thú rừng, nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm rất cao.

Còn Tiến sĩ Tuấn Bendixen, Trưởng đại diện tổ chức Động vật Châu Á - AAF tại Việt Nam cảnh báo: ‘Chúng ta tiếp xúc với động vật hoang dã là tạo điều kiện cho virus Ebola lây sang con người. Vì vậy, chúng ta phải có hành động không ăn động vật hoang dã và tiếp xúc động vật hoang dã’.

Khi chế biến thịt động vật hoang dã, vì phải làm giấu giếm nên có thể chế biến mất an toàn vệ sinh. Vì vậy, không nên ăn động vật hoang dã vì vừa mất tiền vừa dễ bị bệnh, ông Tuấn khuyến cáo.
 Ăn thịt thú rừng, cẩn thận virus Ebola 'ăn' lại bạn
Một người bị nhiễm virus Ebola. 
Về tình hình dịch bệnh Ebola, cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Trong 2 ngày từ 19 - 20/8/2014 có 142 trường hợp mắc mới được ghi nhận tại 4 quốc gia Tây Phi, trong đó có 142 tử vong.

Tích lũy từ đầu vụ dịch đến ngày 22/8, tại 4 quốc gia Tây phi ghi nhận tổng cộng có 2.615 trường hợp mắc bệnh do virus Ebola, trong đó có 1.427 tử vong.

Cụ thể tại Guinea có 607 trường hợp, 406 tử vong; Liberia là 1082 trường hợp, 624 tử vong; Nigeria: 16 mắc, 5 tử vong; Sierra Leone: 910 trường hợp, 392 tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới WHO nhận định: Trong vụ dịch này, phần lớn các trường hợp mắc bệnh là do lây truyền trực tiếp từ người sang người. Tỉ lệ khỏi bệnh khi mắc trong vụ dịch này cao hơn những vụ dịch trước đó là 47%.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola là một bệnh nhiễm virus cấp tính nặng được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam.

Dấu hiệu bị nhiễm virus Ebola gồm các triệu chứng đau đầu, đau cơ bắp, đau họng, tiêu chảy, nôn mửa và sẽ tử vong trong vòng từ 7 đến 16 ngày.

Bệnh được nghi nhận đầu tiên trên người vào năm 1976 tại Công Gô và Sudan.

Virus Ebola lây sang người thông qua tiếp xúc với máu, chất tiết, bộ phận cơ thể hoặc dịch thể khác của động vật bị nhiễm bệnh. Ở Châu Phi, sự lây nhiễm đã được chứng minh thông qua việc tiếp xúc với hắc tinh tinh, khỉ đột, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím bị bệnh hoặc chết.

Trong cộng đồng, virus Ebola lây truyền từ người này sang người khác khi người lành tiếp xúc trực tiếp (qua da hoặc niêm mạc bị phá vỡ) với máu, chất tiết, bộ phận cơ thể hoặc dịch cơ thể khác của người bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp với môi trường bị ô nhiễm bởi các dịch tương tự.

(Theo VTCnews) Nguyễn Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét