Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Tái khởi động đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Băn khoăn chính đáng

 Cập nhật lúc 09:15
(Tin tức thời sự) - Bộ GTVT cần trả lời rõ ràng tất cả các câu hỏi thời điểm này đã cần làm hay chưa, nguồn vốn 60 tỷ USD ở đâu, tính hiệu quả thế nào. 
Phải thích hợp và đúng lúc
Ngày 12/9, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã khẳng định toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam sẽ hoàn thành vào năm 2050.
Theo đó, dự kiến năm 2018, Bộ sẽ trình Chính phủ thẩm định, sau đó trình Quốc hội phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trước 2020.
Trước đó, Ban quản lý Dự án đường sắt cao tốc Bắc –Nam cũng đã có đề xuất lên Bộ GTVT 5 mốc thời gian trong kế hoạch hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi của dự án này, bắt đầu tư 2017.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, bà Bùi Thị An - Nguyên ĐBQH khóa 13, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho biết: "Thứ nhất, nợ công của chúng ta đang rất cao, bội chi ngân sách ngày càng tăng, nên phải cân nhắc kỹ, đặc biệt là tính hiệu quả.
Thứ hai, theo tôi, phát triển giao thông là cần thiết, nhưng phải cân nhắc toàn bộ quy hoạch cụ thể so với các loại hình khác, nghĩa là phải thích hợp và đúng lúc, hiệu quả.

 Tai khoi dong duong sat cao toc Bac-Nam: Ban khoan chinh dang
Đầu tư 60 tỷ USD xây dựng đường sắt cao tốc có hiệu quả

Năm 2010, Quốc hội đã bác dự án trên, nhưng không có nghĩa dừng một lần là dừng mãi. Dĩ nhiên khi điều kiện kinh tế cho phép thì hoàn toàn có thể làm đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, hiện nay, loại hình đường sắt chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển cả hành khách và hàng hóa, chỉ chiếm tỷ trọng vô cùng thấp, chỉ 2-3%, như vậy bài toán có nên xây dựng hay không cần được đặt ra.
Thứ ba, là vấn đề nguồn vốn 60 tỷ USD lấy từ đâu, xã hội hóa hay là trông chờ ngân sách nhà nước".
Bên cạnh đó, theo bà An, đối với các dự án lớn như đường sắt cao tốc, việc dùng công nghệ nào cũng phải được đặt ra ngay từ đầu để tránh tình trạng cứ công nghệ lạc hậu sử dụng, khiến VN trở thành bãi rác, ô nhiễm môi trường.
Vấn đề công nghệ là quan trọng nhất, dứt khoát phải công khai dùng công nghệ nước nào, chứ không thể đăng ký là một nước, khi thực hiện lại là một nước khác. Và dứt khoát đề nghị Chính phủ chỉ cho nhập công nghệ cao, không cho nhập loại công nghệ lạc hậu.
"Với Bộ GTVT cần phải giải trình rõ những câu hỏi của các  lãnh đạo đặt ra, cặn kẽ, rõ ràng, minh bạch.
Trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế VN là nền kinh tế mở, nên rất dễ dàng trong việc tính được hiệu quả trong điều kiện không gian hội nhập, đó là trách nhiệm của người quản lý được giao, đó chính là Bộ GTVT.
Đặc biệt, nếu muốn giải trình tốt thì phải lắng nghe dân, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, các nhà chuyên gia, công khai minh bạch chính xác thông tin dự án, để tìm giải pháp tối ưu.
Từ đó trả lời câu hỏi: "Thời điểm hiện nay làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã phù hợp hay chưa cả về hiệu quả, nguồn vốn, khi đó, việc tái khởi động sẽ không còn khó khăn khi phê duyệt", bà An chỉ rõ.
Đừng "bắc nước chờ gạo người"
Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, một ĐBQH của đoàn Hải Dương khóa 13 trước đây, từng phản đối gay gắt dự án trên năm 2010 cho biết: "Nếu làm khổ đường sắt 1.435mm là chính xác và cần thiết khi hệ thống đường sắt hiện nay đã lạc hậu.
Thế nhưng, tôi vẫn giữ nguyên ý kiến của mình như năm 2010, trong thời điểm này chỉ lên cải tạo lại hệ thống đường sắt Bắc - Nam hiện có, chỉ cần tốc độ được nâng lên 150.000-200.000km/h là đáp ứng được nhu cầu vận tải.
Còn nếu làm đường sắt cao tốc 300-500km/h thì điều kiện đầu tư vốn quá lớn, VN không thể đáp ứng được với nền kinh tế hiện nay.
Từ lâu tôi vẫn xác định việc này là mục tiêu lâu dài từ 50-70 năm nữa, tôi không hiểu vì sao lại tính toán những việc trong thì tương lai làm gì khi những việc trước mắt chưa xử lý xong".
Mặt khác, theo vị ĐBQH trên, cái chúng ta cần thiết hơn hết, đó là làm sao để nâng cao chất lượng đường sắt, giảm thiểu gánh nặng cho đường bộ. Việc cần làm nhất là nối các cảng biển với bến bãi, phương tiện vận chuyển là đường sắt thay cho container để hạn chế tai nạn, tránh phá nát hệ thống đường bộ, hiệu quả kinh tế cao.
Tất cả những dự án chúng ta đang làm, cái thì dài hơi quá, cái thì chắp vá quá ngắn ngủi, nên cứ mâu thuẫn với nhau.
"Theo tôi, những người hoạch định chính sách phải căn cứ vào thực lực của mình, bây giờ "bắc nước chờ gạo người" thì sẽ không giải quyết được gì. Tôi thấy việc xây đường sắt cao tốc cũng giống như bảo VN làm "sân bay vũ trụ", tương lai 100-200 năm tới, nếu giàu có như Israel thì có thể làm.
Nhưng đó là thì tương lai, bây giờ lo ngân sách trả nợ, chi tiêu hàng năm còn chưa đủ, mà đã nghĩ tới những mục tiêu quá hiện đại là không phù hợp. Hãy lo việc trước mắt cải tạo lại hệ thống đường sắt, thay đổi khổ 1.435mm, sẽ là phù hợp nhất.
Thậm chí thiết thực hơn nhiều, khi vẽ ra các dự án thì tương lai trên giấy, đầu tư dở dang, không khai thác được, thiếu vốn bỏ lửng, rõ ràng không hiệu quả, đã có rất nhiều kinh nghiệm xương máu nên phải tính toán cho kỹ càng", vị ĐBQH trên nhấn mạnh.
Đồng thời, riêng về công nghệ, theo vị ĐBQH này, khoa học phát triển theo từng ngày, có thể năm 2050 khi VN làm đường sắt cao tốc thì công nghệ của TQ còn vượt cả Mỹ.
Thậm chí, sau 50 năm nữa, có khi Lào, Campuchia cũng có thể làm được đường sắt cao tốc, phát triển hơn các nước, giá thành hợp lý thì hoàn toàn VN có thể dùng của họ.
Ngay bây giờ, có thể Pháp, Nhật tốt hơn, nhưng 50 năm sau, Trung Quốc hoàn toàn có thể phát triển hơn. Cũng như VN bước đầu làm được toa xe đầu tiên, biết đâu 50 năm sau mình cũng làm được hệ thống đường sắt.
"Tức là, đừng đưa ra những suy nghĩ viển vông, cái xa xôi này không kiểm chứng được, thiết nghĩ các nhà quản lý hãy nhìn vào thực tế, hãy làm tốt những việc ở thì hiện tại thay vì tương lai viển vông", vị ĐBQH nhấn mạnh. 
(Theo Đất Việt) Châu An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét