Ai không thích
cải cách hành chính?
Cập nhật lúc 09:44
Trả lời câu hỏi này không
khó. Hãy tìm đến các cơ quan công quyền có dịch vụ công sẽ thấy cảnh cán bộ
gắt gỏng, thậm chí bẻ hành, bẻ tỏi về các tài liệu trình nộp khi hướng dẫn
công dân hoặc thây kệ người dân chờ đợi vì mắc “nấu cháo điện thoại”…
Và câu
trả lời, chính các cán bộ, công chức, viên chức không thích cải cách hành
chính. Đây là nồi cơm, là nguồn thu, là bổng lộc mà họ thụ hưởng hằng ngày.
Cải cách là hết cơ hội làm ăn xoay xở, kiếm chác.
Điều đó
lý giải vì sao đến bây giờ, việc cải cách hành chính vẫn được đặt ra một cách
rốt ráo. Trong rất nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết, cụm từ cải cách hành
chính đều xuất hiện với tần suất cao. Vậy tại sao lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn
phải tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo công việc hàng đầu này? Không khó để nhận
biết rất nhiều nội dung, thủ tục cải cách hành chính vẫn dậm chân tại chỗ.
Người ta đề ra nhiều
chương trình, giải pháp, cải tiến nhưng khâu yếu nhất là khâu con người, đội
ngũ cán bộ thừa hành lại chưa được quan tâm thấu đáo. Và có một lý do tế nhị không
nói ra, nhiều cán bộ, công chức không thích, không muốn và không bao giờ hăng
hái đề xuất, kiến nghị cũng như thực hiện các ý tưởng cải cách hành chính. Họ
thừa biết, nếu dịch vụ công hanh thông thì họ hết đường nhũng nhiễu đòi “bôi
trơn”. Số cán bộ cắp ô, không hoàn thành nhiệm vụ chính là lực lượng chống
đối ngầm mọi ý đồ, kế hoạch, chương trình cải cách hành chính.
Trong thực tế, chúng ta
còn thiếu các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức một cách khoa học để nhìn
nhận năng lực, phẩm chất đội ngũ này. Kiểu đánh giá hoàn thành xuất sắc, hoàn
thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ là khiên cưỡng và hình thức
không đạt yêu cầu phân loại đánh giá cán bộ. Kể cũng lạ, công chức lương ba
cọc ba đồng, nhưng người ta vẫn lao vào như con thiêu thân, kể cả bỏ tiền mua
suất biên chế, hợp đồng. Được vào biên chế là yên tâm suốt đời, khỏi lo việc
làm lại có thêm thu nhập ngoài lương. Với những suất việc làm bằng cách này
làm sao có thể cải tiến dịch vụ công, cải cách hành chính?
Mới
đây, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính
giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2016-2020,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bộ máy cán bộ, công chức, viên chức
rất đông mà không mạnh thì cải cách hành chính bằng cách nào?
Theo
các công bố rộng rãi, hiện có hơn 2,6 triệu cán bộ, công chức, viên chức
hưởng lương Nhà nước, nhưng có tới trên 2 triệu viên chức là quá nhiều. Các
chuyên gia nhận xét, nếu thực hiện xã hội hóa rộng rãi hơn, quyết liệt hơn,
có thể giảm ít nhất 50% số viên chức. Hẳn vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, phải
bàn kỹ về vấn đề này, phải nâng cao chất lượng phục vụ, tự trang trải kinh
phí, Nhà nước nắm khâu quan trọng. Cần đẩy mạnh việc xã hội hóa một số dịch
vụ công góp phần giảm số lượng biên chế Nhà nước và quỹ tiền lương, nâng
lương cho những người làm việc trực tiếp, những người phục vụ nhân dân.
Cách
đây dăm bảy năm từng có chuyện công chứng gây phiền hà, cơ cực cho công dân
khi cần chứng thực bản sao, bởi có quy định phải có công chứng các bản sao.
Cả thành phố trụ sở nhỏ, nhân viên ít lại bị “cò” lũng đoạn khiến thảm họa
công chứng thành vấn đề xã hội. Thế nhưng, sau khi Nhà nước cho phép các
phòng công chứng xã hội hóa hoạt động, áp lực công chứng Nhà nước giảm hẳn, nhiều
phòng công chứng Nhà nước trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Cơ quan công chức không
xin thêm người, thêm kinh phí…
Tại hội
nghị này, Thủ tướng quán triệt tinh thần nói thẳng, nói thật, nói vào những
việc gai góc vướng mắc hiện nay trong bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, công
chức, thể chế pháp luật, trong dịch vụ hành chính công, tiền lương… Chính phủ
muốn nghe các bộ, ngành, địa phương dự hội nghị “hiến kế” các giải pháp để
thực hiện công cuộc cải cách hành chính thành công trong giai đoạn tới, mà
trước mắt là trong năm 2016-2017. Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò thanh tra,
kiểm tra giám sát của cơ quan dân cử và các đoàn thể, để cứ có quyền lực đều
phải được giám sát, kiểm tra. Người dân nhớ lại, nhờ lắng nghe ý kiến cử tri
trong khi tiếp xúc, Thủ tướng có thêm thông tin về vấn nạn tham nhũng của cán
bộ, công chức do các cử tri tố cáo với người đứng đầu Chính phủ.
Khi
nhấn mạnh, cái gì dân cũng biết, Thủ tướng đã phát ra thông điệp phải chuyển
biến từ Trung ương trong công tác cải cách hành chính, nhưng quan trọng là
cấp tỉnh, huyện, xã, nơi địa bàn dân cư để người dân biết và thấy cán bộ hành
chính phục vụ nhân dân một cách thực sự. Cán bộ, công chức được hưởng lương
từ xã, huyện, tỉnh bằng tiền đóng thuế của dân, phải phục vụ nhân dân.
Các
chuyên gia chỉ ra rằng, chìa khóa cải cách hành chính đã được chuyển giao cho
các địa phương. Cấp ủy, HĐND, UBND các tỉnh phải phất cờ cải cách hành chính.
Trong đó việc thanh lọc, thải loại cán bộ yếu kém năng lực, trì trệ tư duy
lười nhác công việc chuyên hành dân phải là nhiệm vụ cần làm ngay, cấp bách
lắm rồi.
Theo
báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, một trong những
nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020 là mức độ hài lòng của người
dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80% vào năm 2020.
Mục tiêu 80% hài lòng của người dân không phải là điều dễ dàng. Mục tiêu này
sẽ không thể thành hiện thực nếu không cải tổ bộ máy, tinh giản biên chế và
sa thải công chức không thích cải cách.
(Theo
Năng lượng Mới) Minh
Nghĩa
|
Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét