Thu hồi tài sản tham nhũng: Từ bất hợp pháp thành...hợp pháp?
Cập
nhật lúc 08:27
(Tin tức thời sự)
- Khi tham nhũng được ngụy trang và "ẩn hóa" từ bất hợp pháp thành
hợp pháp, thì phòng chống tham nhũng ngày càng khó khăn hơn.
LS Phạm Công Hùng - nguyên Thẩm Phán Tòa án nhân dân tối cao
nhận định và cho rằng đấy là nguyên nhân khiến cho công tác phòng chống tham
nhũng thời gian qua chưa đem lại kết quả như mong đợi.
Ông cho biết, báo cáo của Thanh tra Chính phủ về kết quả kê khai tài
sản năm 2015 không phát hiện trường hợp nào vi phạm hay báo cáo phòng chống
tham nhũng chỉ xử lý một vài người là không quá ngạc nhiên.
Theo ông Hùng, đó là kết quả mà ai cũng thấy trong bối cảnh những hoạt
động tham nhũng ngày càng công khai, tinh vi hơn, trong khi lực lượng
phòng chống tham nhũng còn quá mỏng, quá thụ động.
Ông còn chỉ ra một sự thật mà nếu như lực lượng phòng chống tham nhũng
không có được giải pháp cao tay hơn thì rất khó có thể kiểm soát, xử lý tham
nhũng, dù ai cũng có thể thấy. Sự thật ông nói tới chính là các hoạt động
tham nhũng đã được ngụy trang và "ẩn hóa" từ bất hợp pháp thành hợp
pháp.
"Tối lấy ví dụ như kê khai tài sản. Một cán bộ, quan chức trong
bộ máy quản lý nhà nước có điều kiện để tham nhũng và đã thực hiện hành vi
tham nhũng họ cũng không bao giờ đích danh đứng tên các tài sản để chứng minh
"tôi tham nhũng đây". Cách thường thấy là họ để người thân, họ hàng,
bạn bè đứng tên khối tài sản đó. Như vậy, tài sản người cán bộ, quan chức,
lãnh đạo tham nhũng là tài sản bất hợp pháp nhưng nếu nó được chuyển cho
người thân, anh, chị, em, bạn bè đứng tên như một tài sản cá nhân
của những người đó thì tài sản tham nhũng đã nghiễm nhiên
trở thành hợp pháp".
"Tôi lại lấy ví dụ mà trực tiếp bản thân tôi đã tiếp xúc với hồ
sơ vụ việc. Đó là trường hợp một doanh nghiệp A, muốn thuê đất của nhà nước
tại khu công nghiệp B thì phải thông qua một doanh nghiệp công ích C là cơ
quan đại diện cho nhà nước quản lý khu công nghiệp này.
Theo nguyên tắc, nếu muốn thuê doanh nghiệp A chỉ cần thỏa thuận,
thống nhất các điều khoản, dịch vụ và tiền thuê với doanh nghiệp C. Khi đã
đạt được sự đồng thuận hai bên sẽ ký hợp đồng. Tuy nhiên, làm theo cách thông
thường, doanh nghiệp A không thể thuê được đất mà phải thông qua doanh nghiệp
C để tiếp cận với một doanh nghiệp D là công ty môi giới cho doanh nghiệp C
tận Hà Nội vào TP.HCM để làm thủ tục thuê đất.
Tôi được biết, chỉ có việc thông qua doanh nghiệp môi giới D đó mà
doanh nghiệp A đã mất tới hàng chục tỉ đồng. Như vậy là đã có chuyện tham
nhũng, thông đồng giữa hai doanh nghiệp C và doanh nghiệp D để ăn chặn số
tiền 10 tỷ đồng. Tức là ở đây doanh nghiệp đã mất tiền đúng quy trình, mất tiền
đúng pháp luật. Còn nhà nước cũng thất thoát đúng quy trình, thất thoát
đúng pháp luật", ông Hùng nhận định.
Cũng theo ông Hùng, tình trạng trên không phải là trường hợp hiếm và
ai cũng nhìn thấy nhưng lại không dễ có thể chứng minh được. Vì như ông đã
nói, khi một hoạt động bất hợp pháp được đưa vào một cách hợp pháp thì rất
khó có thể điều tra, xử lý.
LS Phạm Công Hùng cũng đề cập tới yếu tố con người. Theo ông, lực
lượng tham gia phòng chống tham nhũng cũng được coi là yếu tố quan trọng
quyết định việc chống tham nhũng có thành công hay không.
"Lâu nay người ta hay nói không phát hiện được tham nhũng, hoặc
thấy tham nhũng mà không xử lý được ai. Cụ thể như trường hợp Giang Kim Đạt,
tham nhũng tới 19 triệu USD, bao gồm nhiều tài sản, BĐS vẫn không thể thu hồi
được.
Tôi thừa nhận, đây cũng là một hoạt động tham nhũng tinh vi, nhưng
chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng không khó. Tìm đường đi của đồng
tiền tham nhũng chỉ cần thông qua các quá trình điều tra, truy tố và xét xử
khi đó, tài sản tham nhũng có do ai đứng tên chỉ cần yêu cầu chứng minh nguồn
gốc tài sản được mua bằng nguồn tiền nào sẽ xác định được tài sản đó là hợp
pháp hay bất hợp pháp.
Vấn đề là người thực thi có công tâm, có trách nhiệm không?. Khi yêu
cầu chứng minh nguồn gốc tài sản có cơ chế kiểm tra chéo không?", ông
Hùng nói và cho biết:
"Nếu kiểm tra một ông bố làm trưởng phòng mà con trai 18 tuổi đã
có một khối tài sản khổng lồ, có biệt thự, có xe hơi... mà không phát hiện
sai phạm, không chứng minh được thu nhập thì rõ ràng dư luận hoàn toàn có
quyền được đặt câu hỏi: Liệu những người thực thi pháp luật, lực lượng thực
phòng chồng tham nhũng đã thật sự công tâm trong chống tham nhũng chưa? Họ đã
làm hết trách nhiệm, nhiệm vụ của mình hay chưa?
Dư luận cũng có quyền nghi ngờ có sự thông đồng, bắt tay giữa lực
lượng phòng chống tham nhũng với đối tượng tham nhũng hoặc có thể vì cả nể mà
xuê xoa, không làm, thậm chí còn làm sai, làm không tận tâm dẫn tới tham
nhũng không chống được, ngân sách thất thoát, người dân chịu thiệt?", vị
luật sư cho biết.
Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, yếu tố con người trong thực hiện
phòng chống tham nhũng là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, lực lượng phòng
chống tham nhũng cũng cần phải thay đổi cách làm, không chỉ thụ động ngồi
nghe báo cáo mà phải đi vào hành động cụ thể.
(Theo
Đất Việt) Hoài An
|
Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét