Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Vì sao không thể Hán hóa người Việt?

Cập nhật lúc 11:11

 Sách Chu tiên sinh hành trạng thảo viết bằng chữ Hán - Nôm   /// Ảnh: Ngọc Thắng
Sách Chu tiên sinh hành trạng thảo viết bằng chữ Hán – Nôm. ẢNH: NGỌC THẮNG

Nhà nghiên cứu Trần Gia Ninh (ảnh) vừa công bố kết quả nghiên cứu về lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt với nhiều diễn giải mới xung quanh các vấn đề lịch sử đang còn gây tranh cãi cho giới nghiên cứu trong lẫn ngoài nước.
Trả lời Thanh Niên, ông nhấn mạnh: “Người Việt vốn là cộng đồng dân cư tinh túy nhất còn sót lại của tộc Bách Việt cũ”.
 Vì sao không thể Hán hóa người Việt ?
Ảnh: NVCC
Hiện nay, vẫn đang tồn tại nhiều tranh cãi xoay quanh nguồn gốc của người Việt (Kinh) và không phải ai cũng cho rằng cội nguồn của người Việt là tộc Bách Việt. Ông có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này?
Tôi cho rằng trải qua một tiến trình lịch sử với quá nhiều biến động, không thể có người Việt (Kinh) thuần chủng là hậu duệ của duy nhất một tộc người. Hiện có nhiều giả thuyết đối chọi nhau về vấn đề này. Tôi chia sẻ với ý kiến cho rằng cội nguồn của người Việt ít nhất là hợp bởi ba tộc người chính: người Bách Việt (bao gồm người Việt bản địa và các tộc Bách Việt ở nơi khác chuyển đến), người Thục (thời Thục Phán) và người Hoa Hạ.
Khi nước Thục bị nước Tần diệt, một cộng đồng dân cư đã chạy thoát xuống phương Nam và chiếm đất Âu Việt, tức thượng nguồn sông Hồng. Những ghi chép trong cổ sử đầu Công nguyên đã có chép về Thục Phán. Thậm chí, còn ghi rõ, Thục Phán đem quân đánh Hùng Vương. Hùng Vương thua, Thục Phán lên làm vua xưng là An Dương Vương, đặt tên nước là Âu Lạc. Không phải chỉ có trong truyền thuyết dân gian Việt, mà sử sách cổ của Trung Quốc cũng ghi chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương, chuyện nỏ thần An Dương Vương, chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy. Người Thục ngày xưa có nền văn minh phát triển rực rỡ không thua kém Hoa Hạ mà có khi còn hơn. Có thể người Thục đã có chữ viết dù sau đó bị mất.



   Mưu đồ đồng hóa một dân tộc sẽ khó thành công nếu dân tộc đó hội tụ đủ ba yếu tố. Một là có sức sống sinh học và sức sống xã hội mãnh liệt; hai là có trình độ văn hóa và nền văn minh cao hơn dân tộc đi đồng hóa; ba là có tổ chức xã hội tốt, cố kết các thành viên bền chặt. Nhìn lại, thấy người Việt (Kinh) có đủ ba yếu tố này 




Còn về nhóm cư dân từ tộc Bách Việt cũ có phần đặc biệt. Khi Trung Quốc xâm chiếm và tìm cách đồng hóa các tộc Bách Việt, việc đầu tiên họ làm là tìm cách tiêu diệt những thành phần ưu tú nhất, bởi vậy những người đó đã phải di chuyển về phía nam, mang trong mình tinh hoa của văn hóa Bách Việt. Họ tìm chỗ trốn và nơi định cư an toàn về sau chính là nước VN bây giờ.
Ông có thể lý giải sức mạnh nào khiến người Việt không bị Hán hóa dù trải qua 1.000 năm Bắc thuộc?
Có thể thấy, những vùng đất ở phương Nam như Vân Nam, Hải Nam, Quảng Đông… mặc dù cách xa Trung Nguyên nhưng sau khi Trung Quốc xâm chiếm đều bị đồng hóa. Đến cuối nhà Minh, dù người Hán đã bị người Mãn Châu đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ, nhưng cuối cùng, người Mãn Châu lại bị chính người Hán đồng hóa. Thế nhưng, người Việt trải qua tới 1.000 năm Bắc thuộc lại không bị như vậy.
Theo tôi, một số nguyên nhân có thể tóm tắt như sau: Mưu đồ đồng hóa một dân tộc sẽ khó thành công nếu dân tộc đó hội tụ đủ ba yếu tố. Một là có sức sống sinh học và sức sống xã hội mãnh liệt; hai là có trình độ văn hóa và nền văn minh cao hơn dân tộc đi đồng hóa; ba là có tổ chức xã hội tốt, cố kết các thành viên bền chặt. Nhìn lại, thấy người Việt (Kinh) có đủ ba yếu tố này. Dù là mục tiêu tàn sát của dân tộc đi xâm chiếm, nhưng họ đã thoát thân thành công và “an cư” ở mảnh đất cuối trời của Bách Việt, chính là VN ngày nay. Điều đó chứng minh, đây là cộng đồng có sức sống mãnh liệt. Mặt khác, chính vì mang trong mình tinh hoa của văn hóa Bách Việt, văn hóa Thục và cả Hoa Hạ nữa, nên nền văn minh của cộng đồng dân cư này có lẽ còn vượt trội hơn cả Hoa Hạ. Cuối cùng, chính sử Trung Quốc đã ghi chép rất rõ về thời Hùng Vương. Qua đó có thể thấy, người Việt đã có nhà nước, có tổ chức xã hội, có sự gắn kết bền vững trong cộng đồng. Đó là lý do người Việt khó có thể bị một dân tộc nào đó đồng hóa.
Không những không bị đồng hóa và vẫn giữ được tiếng nói của dân tộc mình, người Việt còn tiến hành “đồng hóa” ngược. Ông có thể nói rõ hơn về “kỳ tích” này?
Thời Bắc thuộc, người Việt có thể không có chữ viết, hoặc có thể đã có chữ viết nhưng bị xóa sạch qua 1.000 năm bị Bắc thuộc. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là họ vẫn giữ được ngôn ngữ (tức là kho từ vựng, phát âm, ngữ pháp, cấu trúc) Việt. Người Việt khá thông minh. Họ đã học chữ của người Hán để lưu giữ tiếng nói của dân tộc mình, giữ nguyên cách tư duy ngôn ngữ của mình, bởi vì ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Họ khôn khéo biến “kho” Hán ngữ thành “kho” Hán - Việt để làm giàu thêm ngôn ngữ của mình. Có thể thấy, nhiều từ mà chúng ta vẫn thường dùng bây giờ như vô duyên, lãng mạn, bá đạo, triền miên, mạch lạc, la liệt... là từ gốc Hán 100% trong kho tàng Hán - Việt mà ông cha ta đã thu thập để thành vốn từ Việt.
Đây là điều mà các nhóm dân tộc khác xưa cũng thuộc tộc Bách Việt không làm được. Chẳng hạn, người Quảng Đông, Phúc Kiến, Vân Nam đã mất hẳn ngôn ngữ “gốc”. Về mặt ngôn ngữ, họ hoàn toàn bị Trung Hoa đồng hóa, chỉ phát âm khác mà thôi.

Nhà nghiên cứu Trần Gia Ninh là cây bút quen thuộc viết chính luận, khoa học, văn học sử và tiểu thuyết. Một vài công trình bằng tiếng Việt của ông công bố gần đây: Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt, Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn (tiểu thuyết lịch sử, NXB Văn học - 2015), Thánh dạy: Bốn chục tuổi, không lầm lẫn nữa...
Với công trình Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt, Trần Gia Ninh đã tiến hành nghiên cứu nhiều tư liệu lịch sử như Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh tập, Đại Việt sử ký toàn thư. Đặc biệt, ông dành nhiều công sức nghiên cứu các tài liệu sử học của Trung Quốc như Hán thư, bộ sách Thái Bình Ngự lãm, Hoa Dương quốc chí, Thủy Kinh chú sớ...
(Theo Thanh niên) Ngọc An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét