Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm người thân, làm giảm niềm tin của dân với Đảng

 Cập nhật lúc 08:43

 Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã nói thẳng như vậy khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào báo cáo phòng chống tham nhũng 2016.

Theo Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”.
Nhiều tồn tại, hạn chế đã được Ủy ban Tư pháp nêu ra từ những năm trước nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Đó là thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở; việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức và chưa hiệu quả.
Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở một số nơi còn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng.
Việc nâng cao trách nhiệm và kỷ luật công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu chậm chuyển biến; tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu.
Việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự trong xử lý hành vi tham nhũng vẫn còn diễn ra; số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít và tiếp tục giảm, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng, tiến độ xử lý một số vụ còn để kéo dài; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm; thu hồi tài sản đạt tỷ lệ rất thấp.
Vẫn còn nhiều văn bản pháp luật thiếu minh bạch, sơ hở, chồng chéo nhưng chậm được sửa đổi làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội; chưa loại bỏ được cơ chế “xin – cho” là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh tham nhũng, nhất là các lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, công tác tổ chức cán bộ…
Ngay cả văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng cũng có những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, kém hiệu quả nhưng chậm được sửa đổi, kéo dài nhiều năm nay.
Đó là các nghị định của Chính phủ về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý; về minh bạch tài sản, thu nhập.
Đáng lưu ý là người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chấp nhận, chịu đựng tham nhũng trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền, có ý kiến đánh giá tình trạng đưa, nhận hối lộ, “lót tay” dường như đã trở thành khá phổ biến.
Bên cạnh đó còn phổ biến tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ngay ở đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
 
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, có tình trạng lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm người thân. ảnh: TTXVN

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, có 4 lĩnh vực thể hiện phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả:
Về cải cách thủ tục hành chính: Cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực như nhà đất, cấp phép xây dựng… hiệu quả còn thấp.
Ở một số nơi, một số lĩnh vực mặc dù đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhưng vẫn còn tình trạng phát sinh “thủ tục con”, vi phạm thời hạn giải quyết, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp
Qua kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2015) cho thấy, chỉ 49,2% số người được hỏi cho rằng thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đơn giản, dễ kê khai và 56,1% số người được hỏi đối với thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở.
Người dân phải đi lại từ 3 lần trở lên để giải quyết thủ tục hành chính trong cấp giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần lượt là 16% và 37% tổng số người được khảo sát; 16,1% số người được hỏi xác định họ bị lỡ hẹn trong trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về công khai, minh bạch hoạt động: Việc công khai, minh bạch hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, triển khai chậm.
Tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp vẫn diễn ra, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ, tài chính, ngân sách nhà nước và giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thí dụ, hàng năm thành phố Hà Nội chi khoảng 700 tỷ đồng cho việc cắt tỉa cây xanh trên địa bàn, chỉ đến khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nhận ra sự bất hợp lý và thẳng thắn công bố thì người dân mới được biết về thông tin này.
Về kê khai tài sản, thu nhập: Theo báo cáo của Chính phủ thì năm 2015, số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỷ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127 bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện ra vi phạm.

Tuy nhiên, qua phản ánh của dư luận và báo chí cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản chưa đầy đủ, phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn khá hẹp, có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai.
Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực, mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai.
Bên cạnh đó một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân ngại va chạm và sợ bị trù dập nên không dám đứng lên tố cáo khi biết rõ người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Năm 2016 việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, Năm 2016 có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự. Năm 2015 có 46 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, trong đó có 04 người bị xử lý hình sự.
Về chuyển đổi vị trí công tác: Quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác đối với một số vị trí chưa phù hợp, nhất là ở các vị trí chỉ có một cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm hoặc đòi hỏi tính chuyên môn, nghiệp vụ cao.
Việc không chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý (các chức danh này sẽ thực hiện theo quy định về luân chuyển) đã làm hạn chế hiệu quả của biện pháp này.
“Đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân.
Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.
Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước”, bà Nga chỉ rõ.
 
Bổ nhiệm người thân làm lãnh đạo làm giảm sút niềm tin của nhân dân. ảnh: lao động.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu: Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.
Cụ thể, chỉ có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý trong khi đó có tới 159 vụ/402 bị cáo TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm.
Bà Nga chỉ rõ: "Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, của đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình".
(Theo Giáo dục VN) Ngọc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét