Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Đâu phải sức ì?   
Cập nhật lúc 08:45
                  
           Thanh Hóa là quê hương cố nhà văn Phùng Gia Lộc, tác giả của câu chuyện “Cái đêm hôm đó, đêm gì” từng gây xôn xao dư luận cả nước năm đầu sau đổi mới. Đó là chuyện người dân tại xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân năm 1983 sống cảnh như những năm 30 của thế kỉ trước. Nửa đêm trống dục trống dồn, dân quân đi thu phí thuế làm náo động làng quê nghèo. Người dân nai lưng đóng góp hàng chục loại phí khiến cuộc sống vô cùng khốn đốn. Những tưởng bài học này Thanh Hóa không bao giờ lặp lại. 
Nhưng giữa năm trước câu chuyện cũ ở tỉnh này tái diễn thâm thúy và cay đắng chẳng kém “cái đêm hôm ấy...”. Tại một xã thuộc huyện Hậu Lộc người dân đang nai lưng vì những khoản đóng góp, thậm chí trẻ em vừa sinh ra đã thành con… nợ! Đó là chuyện có thật: Theo quy định của chính quyền xã, tất cả nhân khẩu từ 1 đến 60 tuổi phải đóng mỗi năm 50.000 đồng khoản tiền phí “xây dựng trường”. Cùng đó, địa phương này còn thu hàng chục loại phí khác khiến nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, cuộc sống lao đao. Những người chậm, nợ tiền phí với xã, khi con em đến xin xác nhận hồ sơ, lí lịch... thường được “quan” xã xác nhận xanh rờn: “Bản khai lí lịch của anh, chị… là đúng. Gia đình chưa chấp hành nghiêm chính sách, quy định của địa phương”!  

Cứ ngỡ câu chuyện năm 2015 sẽ nhắc chính quyền các cấp từ tỉnh tới thôn ở Thanh Hóa có biện pháp chấn chỉnh ngay. Thế nhưng nhìn vào các khoản đóng góp ở một thôn của xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (mà Báo Dân trí mới đây đăng tải) tôi chợt nghĩ, có lẽ sức ì của chính quyền một số nơi ở địa phương này lớn quá rồi chăng? Tại thông báo của thôn Hợp Minh (xã Minh Lộc) gửi các hộ dân ghi: “Thu quỹ thiếu niên, bóng đá là 30.000đ/khẩu/năm, phúc lợi xã hội 20.000đ/khẩu/năm, quỹ thôn làng văn hóa 20.000đ/khẩu/năm, quỹ khuyến học 10.000đ/khẩu/năm, quỹ họp dân 50.000đ/hộ/năm”. Ngoài các khoản thu từ thôn, xã cũng đặt ra một loạt các khoản thu khác. Chẳng biết hiệu quả các quỹ mang lại thế nào nhưng gánh nặng thì đang đè lên đôi vai những người dân. Hơn một lần báo chí, công luận lên tiếng nhưng xem ra đây chưa phải chuyện mà chính quyền nhiều nơi ở Thanh Hóa quan tâm. Phải chăng sức ì đã thành căn bệnh cố hữu nơi đây?

Tuy nhiên, khi đọc thông tin về việc hệ thống cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang “cấp tập” vào cuộc trước “tin đồn” Bí thư Tỉnh ủy có bồ nhí và khối tài sản khủng của nữ trưởng phòng tuổi 8X này tôi chợt nghĩ mình đã lầm? Sau tin đồn, hệ thống cơ quan chức năng tỉnh đã vào cuộc một cách mà khó nơi nào làm nhanh hơn. Ngày 17/9 (thứ Bảy) khi thông tin “bịa đặt” lan truyền trên mạng, lập tức ngày 19/9 (thứ Hai) Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có công văn số 296-CV/TU gửi các cơ quan đề nghị chỉ đạo, xử lí việc đưa tin bịa đặt, sai sự thật về Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và các lãnh đạo khác. Ngày 21/9, Sở Xây dựng Thanh Hóa cũng ra văn bản số 5332/SXD-VP gửi đến các cơ quan báo chí phủ nhận những thông tin về cán bộ Sở này trên một số trang mạng xã hội. Văn bản còn khẳng định “mạng xã hội phản động đăng thông tin lên liên quan đến cán bộ Sở là hoàn toàn sai sự thật, bịa đặt, vu khống, không có căn cứ, vi phạm Điều 122 Bộ luật Hình sự”…
Chỉ sau 1 - 2 ngày mà “thông tin bịa đặt” bôi nhọ cán bộ đã được điều tra rõ đúng sai và quy cụ thể chương điều trong Bộ Luật Hình sự thì sao bảo hệ thống công quyền tỉnh này có sức ì?
(Theo blog Dòng quan họ) Đinh Hoàng
Bài được Báo Người cao tuổi đăng ngày 29/9/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét