Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Nhiệt điện dọc sông Hậu: Tại sao chỉ chọn Trung Quốc?

Cập nhật lúc 07:40

(Quan điểm) - Các nhà máy nhiệt điện than tập trung ở cửa sông Hậu là do đâu, vì sao chỉ có công nghệ Trung Quốc ở đó, liệu có một Formosa nữa không?

Đây là câu hỏi mà các chuyên gia về môi trường trong hội thảo “Sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường – từ chính sách đến thực tiễn” tại TP Cần Thơ ngày 19/9 đã đặt ra trong thực tế có quá nhiều lỗ hổng trong hệ thống pháp luật cũng như thực thi pháp luật về đánh giá tác động môi trường của mỗi dự án quan trọng.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH. Cần Thơ), báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hiện nay còn quá sơ sài và cần phải chỉ ra cũng như lấp đầy những lỗ trống này.
Hiện nay, trên bản đồ vị trí các dự án năng lượng vùng phía Tây Nam sông Hậu đã dày đặc các dự án lớn và có ảnh hưởng tới môi trường rất cao như Cụm nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), Cụm trạm điện gió Bạc Liêu (Bạc Liêu), Nhiệt điện Lee&Man, Nhiệt điện Cần Thơ, Khí điện Cà Mau... nhưng ngay cả lý do vì sao các nhà máy này đặt ở cửa sông Hậu thì không ai rõ.

 Nhiet dien doc song Hau: Tai sao chi chon Trung Quoc?
Bản đồ vị trí các dự án năng lượng vùng phía Tây Nam sông Hậu. Ảnh: PGS.TS. Lê Anh Tuấn

PGS.TS Lê Anh Tuấn lấy ví dụ về các dự án nhiệt điện than đang "mọc lên như nấm sau mưa" ở ĐBSCL, đặc biệt là ngay cửa sông Hậu để phân tích rõ hơn về những lỗ hổng của hệ thống quy định và thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.
"Đồng bằng sông Cửu Long không phải là vùng nguyên liệu than vậy cớ gì đặt nhà máy nhiệt điện than ở đây mà không phải ở Quảng Ninh? Chưa kể tới các rủi ro trong quá trình chuyển than từ Quảng Ninh tới vùng DDooBSCL là quá lớn.  Vậy lý do cho các công trình, dự án năng lượng được đặt ở vị trí nào đó mà nó không phải là vùng nguyên liệu phải được lý giải rất rõ ràng và có tính khoa học trong báo cáo tác động môi trường của dự án", PGS.TS. Lê Anh Tuấn nhận định.
Chưa kể, vấn đề rất đáng quan ngại ở đây là việc trong tương lai, các nhà máy nhiệt điện than này sẽ phải nhập nguồn than từ nước ngoài (như Trung Quốc, Úc, Indonesia).
Nếu xét về mặt chiến lược và tầm nhìn phát triển bền vững, tương lai Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng sẽ gặp nguy cơ không đảm bảo an ninh năng lượng do phụ thuộc nguồn cung nhiên liệu từ nước ngoài.
Kế đến phải nói tới là công nghệ sử dụng trong hệ thống nhà máy nhiệt điện than tại khu vực ĐBSCL đều là công nghệ Trung Quốc- vốn là vấn đề nhức nhối lâu nay.
"Mỗi bản đánh giá tác động môi trường cũng cần phải đề cập tới công nghệ vận hành nhà máy là của quốc gia nào và vì sao lựa chọn công nghệ đó. Chúng ta cứ nói vì nó rẻ hơn nhưng điều quan trọng hơn là nó có hiệu quả hay không thì chưa ai lý giải", PGS.TS Lê Anh Tuấn nói.
Nói đến tính hiệu quả, PGS.TS. Tuấn nhận xét: "Chúng ta đã có Quy hoạch phát triển điện quốc gia đến 2015 và tầm nhìn 2025 và các báo cáo ĐTM của các dự án luôn dựa vào quy hoạch này để chọn kịch bản nhu cầu sử dụng điện toàn quốc tăng 20% /năm.
 Nhưng thực tế thì trong nhiều năm qua, đánh giá chung cho thấy chưa khi nào lượng điện đáp ứng vượt qua khả năng sản xuất hiện tại cả".
Theo ông Tuấn, đối với mỗi dự án đều lấy kịch bản các mục tiêu thật cao để xin làm nhà máy to nhưng kết quả thu được tới đâu, hiệu quả chưa cao... thì lại bao biện các lý do, nguyên nhân chưa hoàn thành đúng mục tiêu, kế hoạch.
Bản đánh giá tác động môi trường "làm để cho có"

Tại hội thảo, PGS.TS Lê Anh Tuấn cũng nhận xét về các báo cáo ĐTM của loạt dự án được xây dựng tại ĐBSCL hiện nay.

 Nhiet dien doc song Hau: Tai sao chi chon Trung Quoc?
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3. Ảnh: Báo Pháp luật

Khu vực ĐBSCL, đặc biệt là cửa sông Hậu đã có rất nhiều các nhà máy nhiệt điện và nhà máy sau cũng như nhà máy trước đều phó mặc việc đánh giá cộng hưởng sự tác động ra môi trường của hàng loạt dự án như vậy ra môi trường ra sao để đề xuất các giải pháp môi trường.
Đơn cử như 4 nhà máy nhiệt điện than tại Trà Vinh. Mỗi một nhà máy làm một bản đánh giá tác động môi trường riêng và đều ghi "tác động không đáng kể".
"Thử đặt trong bối cảnh 4 ống xả đều đổ ra sông cùng lúc thì còn có thể tác động môi trường không đáng kể nữa hay không?", PGS.TS Lê Anh Tuấn bức xúc.
Trong khi đó, các tiêu chí đánh giá, tác động môi trường thiếu các điều tra chi tiết hiện trạng hệ sinh thái tự nhiên, tài nguyên sinh vật.
Tham vấn cộng đồng vẫn còn rất mơ hồ đối với những đơn vị lập bản ĐTM. Những đơn vị này còn chưa hiểu rõ thế nào là cộng đồng và thực hiện tham vấn rất hình thức.
Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, cộng đồng không chỉ là làng xã mà nhà máy đó đặt vị trí mà còn là các cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh bị ảnh hưởng bởi chất thải phát sinh trong quá trình vận hành nhà máy như làng xóm bị ảnh hưởng bởi khói thải, vùng nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi nguồn nước...
"Phải hiểu cho rõ điều này thì bản ĐTM mới có giá trị", ông Tuấn nhận định.

  
Ông Bùi Văn Út Anh (Trà Vinh) bên ao tôm chưa dám thả giống gần Trung tâm Nhiệt điện Duyên hải. Ảnh: Báo Thủy sản Việt Nam

Cũng tại hội thảo, PGS.TS. Lê Anh Tuấn đã dẫn một ví dụ về bản ĐTM của Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 1 và 3 để phân tích cụ thể về thực trạng các bản ĐTM hiện nay chưa mang bất cứ giá trị nào. Đất Việt xin dẫn nguyên văn.
Báo cáo ĐTM của Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 1 và 3 thiếu các điều tra chi tiết hiện trạng hệ sinh thái tự nhiên, tài nguyên sinh vật, đặc biệt nguồn thủy sản tự nhiên và thủy sản nuôi trồng.
Không có những giải pháp cụ thể giảm thiểu tác động lên hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và nguồn sinh kế của cộng đồng. Không có kế hoạch theo dõi các tác động của nhà máy lên sinh thái, động thực vật và môi trường cảnh quan.
Toàn bộ hệ sinh thái rừng ngập mặn ở khu vực nhà máy nhiệt điện bị huỷ diệt và nguồn thuỷ sản ven bờ biển suy giảm nghiêm trọng. Người dân địa phương cho biết gần như không còn cá để đánh bắt ở đây.
Các đánh giá ô nhiễm không khí từ vận hành nhà máy đều dựa vào mô hình (MIKE, Steam-Prof models of Thermal flow) nhưng không có cơ sở kiểm chứng độ chuẩn xác của mô hình trong điều kiện địa phương.
Tính toán phát tán khói bụi lấy từ số liệu gió (độ cao 10 m) trong khi ống khói nhà máy cao 210 m nhưng không có ngoại suy khoa học. Hướng gió trong ĐTM chỉ lấy hướng chính theo mùa mà không xét đến điều kiện gió đảo chiều, lúc giao mùa hoặc trường hợp gió chướng.
Báo cáo ĐTM khẳng định tiếng ồn và độ rung khi vận hành nhà máy là không đáng kể. Thực tế, tiếng ồn của nhà máy là một dạng “tra tấn” âm ỉ cho công đồng chung quanh.
Đối với rác thải nguy hại , báo cáo chỉ nói giao cho các Cty Môi trường xử lý nhưng không nói rõ cách xử lý các rác thải nguy hại.
ĐTM không có các giải pháp sinh kế hữu hiệu và bền vững cho cộng đồng người dân địa phương.
Tham vấn cộng đồng của bản đánh giá tác động môi trường quá sơ sài. Chỉ có những người bị mất đất là được mời lên họp, nhưng chỉ thông báo mức bồi thường và kế hoạch giải toả.
Hiện nay, người dân rất bi quan về sinh kế và tương lai bởi không nắm được các thông tin về nhà máy này khi xây dựng sẽ tác động như thế nào tới sinh kế của họ và giờ thì "sự đã rồi".
(Theo Đất Việt) Cúc Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét