Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Đừng im lặng: Cua nào ở vùng nguy hiểm, ghẹ nào ở Campuchia, thưa Bộ trưởng?

Cập nhật lúc 16:16

 
Bộ trưởng Tiến ăn hải sản giữa thời điểm khủng hoảng cá chết ở miền Trung tháng 5.2016 (NLĐ)

Là những người hôm trước vừa sốc với Chu Văn Quềnh, hôm qua vừa rưng rưng với Minh Thuận, có một câu hỏi chính đáng của người dân thiết nghĩ không thể không đặt ra ở đây: Vậy làm thế nào để biết con cua nào trong vùng nguy hiểm 25km?
Tháng 5.2016, giữa cuộc khủng hoảng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, khiến việc đánh bắt và tiêu thụ hải sản gần như tê tiệt do cái lắc đầu của người tiêu dùng, Bộ trưởng Y tế có một động thái trấn an nhân dân.
Bà đã vào Hà Tĩnh, ăn tối tới tôm, cá và hải sản tươi sống ngay sau cuộc họp về cá chết bất thường.
Bức ảnh, khi được đưa lên mạng XH lập tức gây bão với hàng ngàn lượt like, hàng trăm lượt share.
Người dân ủng hộ bà khi ấy là ủng hộ sự thông cảm, chia sẻ với ngư dân đang chết ngắc với cá chết. Chứ nói thật, sau khi bấm like rồi vẫn thầm hỏi nhau: “Bao giờ thì ăn được cá”.
Sự chờ đợi của nhân dân, sự mỏi mòn của ngư dân đang gác thuyền treo lưới suốt từ đó đến sáng nay khi lời hứa “công bố ăn cá được chưa” vừa được thực hiện.
Tin chính thức từ Bộ Y tế cho biết các loài cá sống ở tầng nổi và đầm nuôi của ngư dân như cá ngừ, cá thu, cá nục, chỉ vàng, các hố, cá bò, cá cam, cá chích, cá đối, cá cơm, cá bạc má... đã có thể ăn được. Những kiểm nghiệm từ Bộ Y tế cho thấy các chỉ số thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen, sắt....đều  “nằm trong giới hạn cho phép”.
Trong khi đó tôm tít, ốc, mực, cá đuối, bạch tuộc, cua đá sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn. Đây là những loài “có phát hiện Phenol” với tỉ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh và Quảng Bình. (13,5 hải lý, tương đương khoảng 25km).
Dù hơi trễ hẹn, nhưng nhân dân biết, đó là sự trễ hẹn cần thiết, xuất phát từ sự cẩn trọng và có trách nhiệm khi đó là những thông tin về loại hàng hóa “ăn vào mồm”, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tật bệnh, ung thư, thậm chí là tính mạng người dân.
Cảm ơn Bộ trưởng đã thực hiện lời hứa, đã cẩn trọng vì sức khỏe nhân dân.
Nhưng là những người hôm trước vừa sốc với Chu Văn Quềnh, hôm qua vừa rưng rưng với Minh Thuận, có một câu hỏi chính đáng của người dân thiết nghĩ không thể không đặt ra ở đây:
Vậy làm thế nào để biết con cua nào trong vùng nguy hiểm 25km?
Làm thế nào để tường đó là con ghẹ ở Campuchia chứ không phải là ghẹ từ vùng nguy hiểm?
Thưa Bộ trưởng, người dân muốn trở thành “người tiêu dùng thông thái” lắm, nhưng chuyện phân biệt con cua an toàn, con ghẹ chứa phenol khó quá. Khó đến bất khả thi.
Chẳng lẽ cứ phải ăn bằng niềm tin. Tin rằng biết đâu đó là một con ghẹ sạch?!
(Theo Lao động) Anh Đào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét