Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Ngăn lợi ích nhóm
Cập nhật lúc 07:31
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, bán vốn nhà
nước lần này bảo đảm minh bạch, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, bảo đảm lợi
ích cao nhất của đất nước... Điều quan trọng, việc bán cổ phần của các công
ty này phải công khai trên thị trường để đạt hiệu quả cao nhất.
Khách sạn Kim Liên - Hà Nội.
Cổ đông “bí ẩn”
Cuối
tháng 10/2015, Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội (HNX) thông báo kết quả
đăng ký mua cổ phần của Bệnh viện Giao thông Vận tải (GTVT) Trung
ương đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Tại phiên đấu giá
này, 2 nhà đầu tư đã trúng thầu với mức giá đấu thành công trung bình 23.597
đồng. Đáng nói hơn cả là trước đó, vào ngày 7/10, 30% vốn Bệnh viện
GTVT đã được chuyển nhượng cho cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T với giá
thỏa thuận trước IPO chỉ bằng phân nửa giá trúng đấu giá.
Sự kiện lập tức ồn ào bởi tại thời điểm
đó, Bệnh viện GTVT Trung ương là bệnh viện công lập đầu tiên được thí điểm cổ
phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Và Tập đoàn T&T là cổ đông
chiến lược duy nhất của Bệnh viện GTVT Trung ương lại là dân tay ngang chuyên
về đầu tư bất động sản và có những đồn đoán về việc thâu tóm đất vàng.
Với việc cổ đông này được mua thỏa
thuận 30% số cổ phần bệnh viện với giá trước IPO chỉ bằng phân nửa giá trúng
đấu giá công luận đã đặt câu hỏi: Liệu Bộ GTVT có “bật đèn xanh” cho T&T
mua rẻ? Sau đó, T&T tham gia đấu giá công khai và chỉ phải mua gom hơn
20% cổ phần còn lại với giá trúng đấu giá, tiết kiệm được nhiều chi phí.
Một lần nữa, công luận lại bất ngờ khi
vào cuối tháng 5/2016, Cục trưởng Cục Y tế GTVT Vũ Văn Triển đã ký tờ trình
gửi Bộ trưởng Bộ GTVT kiến nghị về việc dừng thí điểm cổ phần hóa các bệnh
viện của ngành giao thông đến năm 2020. Tìm hiểu kỹ mới biết, ngay khi có
quyết định của Thủ tướng về cơ chế cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập,
cuối năm 2015, Bộ GTVT đã nhanh chóng hoàn tất việc bán 70% cổ phần ở Bệnh
viện GTVT Trung ương. Bộ này đã làm các thủ tục xúc tiến chào bán cổ phần lần
đầu ra công chúng (IPO) 3 bệnh viện khác là Bệnh viện Nam Thăng Long, Bệnh
viện GTVT Vinh và Bệnh viện GTVT Đà Nẵng.
“Hoạt động của Bệnh viện GTVT Trung
ương trong nửa đầu năm 2016, khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, có
nhiều lúng túng nên việc đánh giá kết quả cổ phần hóa là một việc cần thiết
trước khi bán nhanh ba bệnh viện còn lại”, tờ trình của Cục Y tế GTVT
viết. Khi kế hoạch IPO 3 bệnh viện kể trên vừa chốt xong hoặc đang hoàn
thiện, T&T đã tuyên bố muốn mua tiếp để hình thành chuỗi bệnh viện có sở
hữu vốn của tập đoàn.
Giải mã các phiên đấu giá
Sáng 22/12/2015, HNX tổ chức đấu giá cả
lô cổ phần của SCIC tại Công ty Du lịch Kim Liên. Không chỉ các đại gia doanh
nghiệp, nhiều cá nhân cũng ồ ạt đăng ký tham gia đấu giá. Phiên đấu giá diễn
ra gay cấn. Đúng lúc giá được đẩy lên cao nhất là 102.000 đồng/cổ phần, nhiều
người đang xuýt xoa thì lập tức một lệnh mua của nhà đầu tư khác với giá cao
nhất 274.200 đồng/cổ phần được đặt (tổng trị giá lô cổ phiếu lên tới hơn 987
tỷ đồng).
Chân dung đại gia “thâu tóm” đất vàng
với thương vụ trị giá gần 1.000 tỷ đồng phải ít thời gian sau mới lộ diện khi
ông Nguyễn Đức Thụy chính thức được bầu làm Chủ tịch Công ty Du lịch Kim Liên
(Tập đoàn Thaigroup của ông Thụy đã sở hữu 52,4% cổ phần tại khách sạn nổi
tiếng này). Một đại diện đơn vị bán vốn sau này mới “bật mí”: Khách sạn Kim
Liên rộng 3,5 ha giữa lòng thủ đô Hà Nội đang trở thành niềm ao ước của nhiều
đại gia. Do nhiều nhà đầu tư muốn nắm quyền khai thác đều là những tên tuổi
lớn, có mối quan hệ đủ để giám sát, do đó phương án nào có “màu sắc” thiếu
công bằng và minh bạch, chúng tôi phải “gạt” ngay từ đầu.
Thời
gian qua, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN gặp không ít
khó khăn khi có DN chỉ bán vài phần trăm cổ phần. Tình trạng này, theo ông
Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính),
ngoài lý do khách quan, còn có phần từ tâm lý “thiếu quyết liệt” của các bộ
ngành, địa phương. “Có lãnh đạo DN tâm tư, bán hết vốn nhà nước thì mình sẽ
đi đâu. Đang đi ô tô, ở nhà máy lạnh, sau 1 ngày đại hội cổ đông xong thì cắp
cặp về cơ quan chủ quản, hoặc nghỉ hưu thì quyền uy mất đi, nên cũng có người
hụt hẫng. Bản thân người ta làm (cổ phần hóa - PV), nên phải tính
toán sao để vẫn ở lại DN, hoặc ít nhiều có lợi ích của mình ở đó”, ông Tiến
nói. Vì vậy, một số DN chậm cổ phần hóa, hoặc chỉ bán số lượng ít cổ phần để
mình vẫn còn “chân” ở lại.
Theo
Bộ Tài Chính, giai đoạn 2011-2015, đã cổ phần hóa gần 500 DNNN, đạt trên 92%
kế hoạch; thoái vốn nhà nước đầu tư tại DN thu về trên 21 ngàn tỷ, đạt gần
1,4 lần giá trị đầu tư. Nhận xét về kết quả đấu giá cổ phần, nói với PV Tiền
Phong, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay: Về số lượng cơ bản được nhưng chất
lượng chưa đảm bảo lắm. “Hiện không phải tất cả các DN đã cổ phần hóa
đều chuyển về SCIC gắn với quá trình thúc đẩy niêm yết mà còn rất nhiều DN
vẫn “nằm” tại bộ ngành, địa phương, từ đó dẫn đến những nghi ngờ, thiếu minh
bạch”, Bộ trưởng Dũng nói.
(Theo Tiền phong) Khánh Huyền - Lê Hữu
Việt - Sỹ Lực
|
Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét