Quy trình sẽ dẫn tới chuyện "dân nổi can qua"?
Cập
nhật lúc 14:40
(Tin tức thời sự)
- “Quy trình là cái gì? Quy trình có thể bị lợi dụng và quy trình cũng
có thể sai.
Nếu quy trình đúng, mà việc bổ nhiệm vẫn chỉ xảy ra đối với người nhà
thì quy trình đó đang bị lợi dụng. Còn nếu người ta thực tâm muốn tìm kiếm
người tài, nhưng quy trình lại chỉ dẫn đến được việc bổ nhiệm người nhà, thì
quy trình đó sai và cần được sửa đổi"
Đó là khẳng định của TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm
Văn phòng Quốc hội với Đất Việt xung quanh đề nghị của Ủy ban tư pháp dù đúng
hay sai, Chính phủ phải kiểm tra làm rõ quy trình bổ nhiệm người thân và công
khai kết quả.
PV: Tại
phiên làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 21/9, bà Lê Thị Nga, Chủ
nhiệm Ủy ban Tư pháp đã đề cập đến việc dư luận và báo chí phản ánh hiện
tượng lãnh đạo bổ nhiệm và thăng chức cho người thân trong gia đình làm quan.
Bà Nga thừa nhận công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có
một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ
điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu
kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân. Thậm chí, có trường
hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm
cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản
nhà nước.
Trước những bức xúc từ dư luận, bà Nga đề nghị dù đúng hay sai, Chính
phủ phải kiểm tra làm rõ và công khai kết quả.
Ông đánh giá như thế nào trước kiến nghị trên? Theo ông, chúng ta cần
nhìn nhận ra sao về quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay ở Việt Nam.
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Kiến
nghị trên là đúng đắn và cần thiết. Chúng ta không nên làm ngơ trước một
trong những vấn đề đang gây bức xúc rất lớn trong xã hội. Ngoài ra, cho dù
chúng ta có cố quay lưng lại đối với vấn đề này, thì vấn đề vẫn đang ở phía
trước mặt chúng ta.
Việc bổ nhiệm người nhà, người thân mỗi ngày một nhiều quả thực là một
hiện tượng không lành mạnh. Hội chứng "Con vua thì lại làm vua. Con sãi
ở chùa lại quét lá đa" đã bị Cách mạng tháng Tám xóa bỏ, không khéo đang
được kích hoạt trở lại. Mà như thế thì sẽ hết sức rủi ro cho sự phát triển
hòa bình, dân chủ và bền vững của đất nước. Bởi vì rằng một trật tự xã hội mà
"Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa lại quét lá đa" không sớm
thì muộn sẽ dẫn tới chuyện "dân nổi can qua".
Như vậy, việc bổ nhiệm người nhà chắc chắn gây ra bất công và bất bình
xã hội. Nếu tất cả quyền lực công đều rơi hết vào tay người nhà, thì còn cơ
hội gì cho quảng đại quần chúng nhân dân?
Ngoài ra, việc bổ nhiệm người nhà còn làm tổn hại đến chất lượng của
nền quản trị quốc gia. Trước hết, việc cha làm quan trên, con làm quan dưới
là biểu hiện trần trụi nhất của sự xung đột lợi ích. Cha quá nghiêm khắc với
con, thì mọi nhà được nhờ, nhưng nhà mình lại mất nhờ và ngược lại. Hai là,
đưa quan hệ ruột thịt vào công vụ, sẽ rất khó xác lập kỷ cương. Không chỉ ông
bố rất khó nghiêm khắc với ông con, mà tất cả các ban ngành có liên quan muốn
làm gì cũng ngại. Đó là chưa nói tới chuyện ông con có thể dựa bóng ông bố mà
làm cho các cơ chế kiểm tra, giám sát bị mất hết tác dụng.
Ngay từ thời của vua Lê Thánh Tông, cha ông chúng ta đã biết rất rõ
rằng phải ngăn cấm hiện tượng cha, con, người thân cùng làm quan một nơi.
Luật hồi tỵ thời đó đã quy định rất nghiêm: "những người thân như anh
em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, người cùng quê... không được làm quan
cùng một chỗ". Tại sao chúng ta lại lạc hậu quá nhiều so với cha ông
mình 500-600 năm trước đây như vậy?!
Cũng cần nói thêm rằng, không bổ nhiệm người nhà trong lĩnh vực công
là chuẩn mực chung của thế giới văn minh, Chúng ta đang hội nhập với thế giới
thì chúng ta cũng cần phải tiếp nhận chuẩn mực này.
Trở lại với vấn đề quy trình, theo tôi, mọi quy trình đều phải bắt đầu
từ những nguyên tắc đã được Luật hồi tỵ của cha ông xác lập.
PV: Thưa
ông, ở các nước phương Tây, việc bổ nhiệm cán bộ được thực hiện theo tiêu
chuẩn nào? Vì sao họ không gặp phải những vấn đề như Việt Nam?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Trước
hết, "cán bộ" là một khái niệm rất Việt Nam. Khái niệm này có thể
là hệ quả của những cố gắng xây dựng một nhà nước phong trào ở đất nước ta.
Theo cách hiểu của chúng ta, thì nội hàm của khái niệm "cán
bộ" rất rộng lớn, bao gồm: Chính khách; công chức; viên chức; các quan
chức và đội ngũ làm việc chuyên trách cho Đảng; các quan chức và các nhân
viên ăn lương ngân sách trong các tổ chức chính trị - xã hội.
Ở các nước phương Tây không có khái niệm "cán bộ" với nội
hàm quá rộng lớn như vậy. Tuy nhiên, họ lại có khái niệm "công",
"tư", "nguồn nhân lực công" và "nguồn nhân lực
tư".
Nguồn nhân lực công bao gồm chính khách, công chức, viên chức. Nguồn nhân
lực tư bao gồm tất cả các nguồn nhân lực còn lại.
Đối với nhân lực công, các chính khách phải do dân bầu (Có thể cha
được dân bầu, mà con cũng được dân bầu. Tuy nhiên, trường hợp này rất hữu
hạn), các quan chức thuộc ngạch công chức và viên chức đều do bổ nhiệm. Có
hai hình thức bổ nhiệm là bổ nhiệm chính trị và bổ nhiệm hành chính.
Bổ nhiệm chính trị là việc bổ nhiệm phải có sự đồng ý của đảng cầm
quyền hoặc các đảng có ghế trong quốc hội. Bổ nhiệm hành chính là việc bổ
nhiệm không có sự can thiệp của các đảng phái. Các quan chức bổ nhiệm chính
trị không nhiều. Thông thường thì đây là những chức danh tương đương với tổng
cục trưởng ở ta, ví dụ như người đứng đầu thuế quan, người đứng đầu cảnh sát
người đứng đầu hải quan... Tất cả các quan chức còn lại đều được bổ nhiệm
theo thủ tục bổ nhiệm hành chính. Nguyên tắc cấm bổ nhiệm người nhà và phải
công khai minh bạch được áp đặt rất nghiêm ngặt.
Nhờ nguyên tắc cấm bổ nhiệm người nhà, nhờ sự công khai - minh bạch và
khả năng áp đặt trách nhiệm giải trình, các nước phương Tây ít mắc phải
chuyện bổ nhiệm sai.
PV: Trở
lại với Việt Nam, theo ông nếu chúng ta quyết tâm làm thì phải bắt đầu tư
đâu? Làm sao để công khai, minh bạch và hạn chế tình trạng bổ nhiệm hàng loạt
người thân, người nhà tại các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Không
có cách nào khác là chúng ta phải tuân thủ đúng các tiêu chuẩn của quốc tế
trong việc bầu, bổ nhiệm cán bộ.
Chúng ta cần phải có một mô hình tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Nếu
không có mô hình đó thì chắc chắn việc bổ nhiệm người thân vẫn có thể xảy ra
tràn lan.
Ngoài ra cũng cần tiến hành công khai, minh bạch trong quá trình bổ
nhiệm. Ví dụ, muốn bổ nhiệm một chức danh hành chính cao cấp, thì ứng viên
phải điều trần trước ủy ban tương ứng của Quốc hội. "Chim hay tiếng hót
rảnh rang", người tài sẽ bộc lộ ra ngay. Còn nếu các thành viên ủy ban
hỏi câu gì mà anh cũng tắc tị hoặc chỉ biết nói "vòng vo Tam Quốc"
thì anh là người thế nào cũng bộc lộ ra ngay.
PV: Cảm
ơn TS Nguyễn Sĩ Dũng đã trao đổi với Đất Việt.
(Theo
Đất Việt) Nguyễn
Hoàn thực
hiện
|
Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét