Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Đạm Ninh Bình xin Chính phủ giải cứu công nghệ Trung Quốc!

Cập nhật lúc 09:00
(Doanh nghiệp) - Nếu tiếp tục bơm tiền cứu Đạm Ninh Bình, dự án không chắc sẽ hiệu quả hơn trong khi Nhà nước phải ôm một cục nợ ngày càng lớn.  
Lỗi chủ quan là chính
Theo báo cáo mới nhất của Đạm Ninh Bình, từ khi đi vào hoạt động (năm 2013) đến nay, nhà máy đã lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ đồng và chưa biết bao giờ mới ngừng lỗ. Nguyên nhân được Đạm Ninh Bình chỉ ra là do sản xuất ure trong nước đã vượt cầu, cộng thêm nguồn cung từ nhập khẩu giá rẻ, sản xuất nông nghiệp khó khăn khiến nhu cầu phân bón trong nước giảm...

 Dam Ninh Binh xin giai cuu: Cuu cong nghe Trung Quoc?
Từ khi đi vào hoạt động, Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ

Đối với những lý do trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, Đạm Ninh Bình không thể chỉ đổ lỗi cho khách quan bởi nguyên nhân chủ quan mới là chủ yếu, đó chính là quyết định đầu tư của chủ dự án. Họ đã đầu tư một dự án tốn kém, công nghệ lạc hậu, quản lý lại yếu kém, chi phí đầu tư cao nên đến nay vẫn không thể thu hồi được vốn.
Báo cáo trước đó của Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình cho thấy, dự án này đã sử dụng các thiết bị tiên tiến như công nghệ khí hóa của Shell (Hà Lan), công nghệ tinh chế khí của Linde (Đức), công nghệ tổng hợp ure của Snamprogetti (Ý), công nghệ phân ly không khí của Air Liquide (Pháp)...
Tuy nhiên, theo thông tin trên các phương tiện truyền thông, qua kiểm tra, cơ quan chức năng sau đó phát hiện nhà máy này đã nhập rất nhiều thiết bị từ Trung Quốc.
Cụ thể, nhóm hàng vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được như: dây cáp điện, mặt hàng sơn, keo dán (băng phòng mục), các kết cấu thép (từ làm nhà xưởng tới bệ đỡ máy), kể cả các vật tư tiêu hao, thủy tinh, dụng cụ bảo hộ... đều được nhà thầu Trung Quốc nhập khẩu chứ không mua sản phẩm của Việt Nam.
Bản thân lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), chủ đầu tư của dự án Đạm Ninh Bình cũng thừa nhận trên báo chí rằng, dây chuyền của nhà máy sử dụng công nghệ châu Âu nhưng có một số thiết bị, máy móc gia công tại Trung Quốc. 
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại dẫn trường hợp của dự án Gang thép Thái Nguyên làm ví dụ. Từ năm 1997, Trung Quốc đã đề nghị hỗ trợ cho dự án này và lúc ấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiên quyết không nhận, Tổng Bí thư Đỗ Mười yêu cầu ông đi lấy ý kiến các ngành và các ngành cũng nói rằng không nên nhận vì công nghệ Trung Quốc không tốt, lãi suất Trung Quốc đề ra khi ấy không hề ưu đãi. Đầu năm 1998, khi lãnh đạo Việt Nam sang Trung Quốc và biết rằng Việt Nam không nhận hỗ trợ là đúng vì đó là công nghệ thấp và phía họ định chuyển rác công nghệ sang Việt Nam.
"Việt Nam đã có nhiều bài học cay đắng từ công nghệ Trung Quốc. Chính vì thế, nếu Chính phủ không nghiêm túc với vấn đề này, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục lún sâu vào nợ nần và kém hiệu quả", ông Nam nhấn mạnh.
Giờ đây, trước khó khăn của Đạm Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin cứu nhà máy này. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam lưu ý, phải xem xét đề xuất này một cách toàn diện, có đánh giá từ sản xuất, công nghệ, tới quản lý của doanh nghiệp xem có vấn đề gì không rồi mới nói đến yếu tố thị trường. Trên thị trường phân bón hiện nay, dù Việt Nam sản xuất được nhiều ure nhưng vẫn nhập khẩu nếu giá rẻ.
"Thời đại ngày nay đã là hội nhập, thị trường tự do, chúng ta không thể cấm nhập. Vấn đề của Đạm Ninh Bình là sản phẩm sản xuất ra chất lượng kém, giá thành lại cao, vậy cứu bằng cách nào?
Nhà nước không thể cứ bỏ tiền đầu tư rồi lại tiếp tục bù lỗ, ưu đãi. Ở Việt Nam tồn tại một tình trạng, đó là các nhà quản lý khi ưu ái doanh nghiệp nào thì báo cáo Chính phủ rằng dự án đó có rất nhiều kỳ vọng, rất sáng sủa để thúc đẩy làm nhưng làm xong rồi lại thất bại. Điều đó thể hiện sự chủ quan, thiên kiến của cơ quan chủ quản. Họ chỉ thấy có được vốn Nhà nước là tốt nên bất chấp.
Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm rất nhiều dự án, từ Thép Thái Nguyên đến tơ sợi Đình Vũ, Đạm Ninh Bình... Đã đến lúc Chính phủ cần xem xét lại cung cách quản lý của Bộ này bởi một loạt dự án công nghiệp thời gian qua đầu tư lớn nhưng đều thua lỗ, bế tắc", PGS.TS Nguyễn Văn Nam thẳng thắn.
Không thể ôm mãi cục nợ ngày càng lớn
Theo đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình, xin cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Nhà máy đạm Ninh Bình của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thành vốn góp Nhà nước tại Vinachem để giảm số nợ gốc và lãi vay.
Một biện pháp khác cũng được tỉnh Ninh Bình kiến nghị là áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm ure tương tự như phôi thép và bột ngọt để hạn chế hàng nhập khẩu quá rẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, đề xuất này chỉ gây hại cho nền kinh tế Việt Nam. Đề xuất ấy bắt Nhà nước phải chi tiêu nhiều hơn trong khi ngân sách bội chi, nợ công cao bởi từ chỗ đi vay, doanh nghiệp chuyển sang chỗ Nhà nước cấp vốn, đẩy Nhà nước vào thế "chết tắc" trong khi thừa biết dự án không hiệu quả. Còn biện pháp tự vệ là trái với xu thế hội nhập hiện nay.
"Cả nước đâu phải chỉ có mỗi Đạm Ninh Bình? Còn hàng loạt nhà máy đạm như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc... Thậm chí Đạm Ninh Bình là dự án đầu tư sau lẽ ra phải tốt hơn, đằng này lại kém hơn quả là khó hiểu!", ông nói.
Nhìn từ dự án Đạm Ninh Bình đến hàng loạt dự án khác như Gang thép Thái nguyên mở rộng, tơ sợi Đình Vũ, vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở trong tình trạng các dự án có vốn Nhà nước cứ gặp khó, bị thua lỗ là xin cứu, xin ưu đãi.
"Để quyết định xem có giải cứu nhà máy hay không phải đánh giá lại dự án một cách nghiêm túc và khách quan, nếu không Nhà nước sẽ tiếp tục mất tiền mà không thu được kết quả gì, nhất là trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đã chạm ngưỡng nguy hiểm. Bây giờ cứ đầu tư cho DNNN làm ăn kém thì họ sẽ lại "ngựa quen đường cũ".
Bởi thế, ông đề xuất, Nhà nước phải cắt lỗ, cắt nợ, không thể tiếp tục lún sâu vào nợ nần.
"Nhà nước nên bán dự án này cho một doanh nghiệp tư nhân hay một tập đoàn nào đó thông qua đấu thầu. Đó là con đường tốt nhất! Còn cứ tiếp tục duy trì dưới dạng dự án của Nhà nước thì Nhà nước phải tiếp tục mất tiền, tiếp tục lỗ vốn, nuôi báo cô không phải mười năm mà tới mấy chục năm nữa. Thà bán lỗ, chịu mất chút tiền còn hơn ôm một cục nợ ngày càng lớn.
Trước đây, xi măng Phả Lại đầu tư rồi làm không được, sau cũng bán lại cho một doanh nghiệp tư nhân và họ làm mới có hiệu quả", PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết.
(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét