Không khởi tố lãnh đạo Vinaconex: Luật nào cho phép?
Cập
nhật lúc 10:11
Việc không khởi tố lãnh đạo Vinaconex là
trái với pháp luật.
Một trong những nguyên tắc tố tụng hình sự nước ta là “không làm oan
người vô tội nhưng cũng không được bỏ lọt tội phạm, dù đó là tội phạm ít
nghiêm trọng”.
Hành vi sai phạm của lãnh đạo Vinaconex đã được cơ quan điều tra xác
định là “không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây
dựng công trình, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng
vật liệu composite cốt sợi thủy tinh khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng.
Việc lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực để cung cấp sản phẩm composite
cho dự án, sản phẩm không đảm bảo chất lượng… đã khiến công trình liên tục
xảy ra sự cố khi vận hành sử dụng, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nếu nói đúng ra thì phải là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo
điều 229 Bộ luật hình sự (BLHS) thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm
trọng (khoản 3 điều 229 BLHS có khung hình phạt từ 8 đến 20 năm tù).
Nhưng không hiểu sao kết luận điều tra bổ sung vụ án “vi phạm quy định
về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” lại “tha”, không truy cứu trách nhiệm
hình sự đối với lãnh đạo Vinaconex.
Lý do đưa ra như “khai báo thành khẩn, hợp tác làm rõ bản chất vụ án,
có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng.
Mặt khác, kết quả điều tra không xác định được động cơ vụ lợi; người
chịu trách nhiệm chính trong các quyết định trái pháp luật của hội đồng quản
trị nêu trên là ông Nguyễn Văn Tuân - nguyên tổng giám đốc, ủy viên hội đồng
quản trị - đã mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu”.
Những lý do này chẳng có điều nào được BLHS năm 1999 cũng như BLHS năm
2015 cho phép được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cả! Có chăng chỉ là
những tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt.
Vụ án này không chỉ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về vật chất.
Chỉ tính từ ngày 4-2-2012 đến 26-9-2015, dự án đã 14 lần xảy ra việc vỡ tuyến
ống với 18 cây ống sợi thủy tinh, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn đến
tài sản doanh nghiệp với chi phí sửa chữa, thay thế bằng tiền của doanh
nghiệp là 13,458 tỉ đồng.
Các lần vỡ ống nước đã ngừng cung cấp nước sạch cho 177.000 hộ dân với
thời gian dừng cấp nước là 343 giờ.
Thiệt hại như vậy mà đại diện Công ty CP nước sạch Vinaconex chỉ cho
rằng gây hậu quả nghiêm trọng thì đúng là không ai nghe được.
Ngoài hậu quả “khiêm tốn” như Công ty CP nước sạch Vinaconex khai báo
thì hậu quả phi vật chất trong vụ án này có ai xác định được không?
Hàng trăm ngàn hộ dân không có nước sạch dùng trong thời gian dài, gây
dư luận bức xúc với những việc làm tắc trách của một số lãnh đạo Vinaconex.
Nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự những cấp dưới của Vinaconex thì
liệu nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” có còn đúng không?
Tòa án thành phố Hà Nội chưa đưa vụ án ra xét xử mà dư luận, báo chí,
các chuyên gia pháp luật, trong đó có cả những người công tác trong các cơ
quan bảo vệ pháp luật, đều lên tiếng về việc bỏ lọt tội phạm đối với lãnh đạo
Vinaconex.
Liệu người dân cả nước nói chung và người dân thủ đô Hà Nội nghĩ gì
khi cơ quan điều tra không truy cứu các lãnh đạo Vinaconex phạm tội đặc biệt
nghiêm trọng!
Thiết nghĩ các cấp lãnh đạo trung ương và thành phố Hà Nội nên vào
cuộc để vụ án được xét xử đúng người đúng tội.
(Theo Tuổi trẻ)
Đinh Văn
Quế (Nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)
|
Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét