Công bộc Tràng An thanh lịch với “mày” và
“chúng..."
Cập nhật lúc 14:16
“Đẳng cấp”
văn hóa của một bộ phận cán bộ, công chức ngày nay vì sao “ngắn”
đến thế?
Trong lời phát biểu thay mặt Ban chấp
hành Trung ương Đảng khóa 12 sau khi kết thúc Đại hội Đảng, Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:
“Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ trung ương tới cơ sở, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng”. “Gần dân, trọng dân, vì dân” là 3 điều Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan, lãnh đạo từ trung ương tới cơ sở phải thực hiện. Vì sao Tổng Bí thư phải nhấn mạnh yêu cầu này ngay sau khi kết thúc Đại hội Đảng?
Câu trả lời là ngày
nay số lượng cán bộ, đảng viên xa dân, khinh dân đang có chiều hướng
gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.
Chính vì nguy cơ đó nên ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng đã đề ra nhiệm vụ phải xây dựng một Chính phủ “liêm chính, trong sạch”. Chữ “liêm chính” hiểu một cách đơn giản là “liêm khiết, chính trực”. Vậy đội ngũ công chức, viên chức trong bộ máy công quyền từ trung ương tới địa phương “liêm” thế nào và “chính” thế nào? Việc Thủ tướng phải đặt vấn đề xây dựng một Chính phủ “liêm chính, trong sạch” liệu có phải là do những năm qua các cá nhân, đơn vị thuộc Chính phủ từ trung ương xuống địa phương chưa hoàn toàn “liêm chính, trong sạch” hay chỉ là mong muốn Chính phủ sẽ liêm chính hơn, trong sạch hơn?
Quyết tâm lắng nghe dân, nghiêm khắc với
các biểu hiện khinh dân của cán bộ cấp dưới mà Chính phủ và Thủ
tướng đang thực hiện là điều toàn dân mong đợi.
Tuy nhiên không ít người vẫn xem quyết tâm của Thủ tướng chỉ là chuyện của ai đó, họ vẫn nhởn nhơ xem thường kỷ cương, phép nước, dường như họ quá tự tin vào những “chiếc ô” che trên đầu và thêm cả cái ô vừa cắp nách vừa làm gậy chống? Họ nhờn với pháp luật hay pháp luật không làm gì được họ? “Xa dân” đã được đề cập rất nhiều, chẳng hạn “nếu xa dân thì chúng ta không còn lý do gì để tồn tại”. [1] “Khinh dân” nguy hại hơn rất nhiều vì nó bao hàm hai cung bậc, vừa xa dân vừa “cưỡi lên đầu nhân dân” những kẻ đó “còn hơn cả địa chủ, tư sản ngày xưa”. Chẳng có kẻ nào “khinh dân” mà lại “gần dân”, chẳng có kẻ nào “khinh dân” mà lại không “cưỡi lên đầu nhân dân” và đương nhiên chẳng có kẻ nào “khinh dân” mà lại không ăn cắp của dân. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tiền Phong: “Vấn đề dự án không hiệu quả, ông nghĩ thế nào?”, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội Trần Anh Tú (hiện là Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội) nói: “Không hiệu quả, không phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định?” [2] Thật khó hình dung Phó Tổng Giám đốc một công ty nhà nước ở Thủ đô lại có lời lẽ đạt đến đỉnh cao “chợ búa”, nhưng lại “đỉnh lõm” văn hóa, coi thường công luận đến thế. Câu trả lời của vị “Phó Tổng” này chẳng những khinh người mà còn giống như ngôn ngữ của tầng lớp “anh chị” nơi đầu đường góc phố bởi “ngài Phó Tổng” đã gọi cơ quan báo chí là “chúng mày” và nhà báo là “mày”! Lẽ ra khi viết tên một người không quen biết, dù tuổi tác chưa cao người ta vẫn phải viết thêm từ “ông” hoặc “bà” phía trước, có điểu viết từ “ông” trước tên vị “Phó Tổng” này nghe có vẻ … không hợp nên đành phải dùng chức vụ của người này vậy. Đã từng xảy ra chuyện một “ngài” tiến sĩ, Hiệu trưởng một trường đại học ăn nói lỗ mãng bị dư luận coi là “vô văn hóa”, nhưng đó là một đại học ngoài công lập, không phải cơ quan nhà nước. Phát ngôn gây sốc của cán bộ, công chức trong hệ thống công quyền không phải là hiếm, có phát ngôn khiến người nghe vừa ngỡ ngàng, vừa buồn, chẳng hạn nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng từng nói: “Anh em cán bộ phải kiểm tra chất lượng phân bón… bằng miệng”.[3]
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa
Thiên - Huế, ông Ngô Văn Tuân trả lời qua điện thoại với phóng viên: “Tao
biết rồi, tao ra rồi… các chú mày cẩn thận nhá…Mày làm sao làm việc với tao
được, tao là bạn ông Th. (một cán bộ cao cấp - PV)… mày làm việc với ông Th.
đi…”. [4]
“Đẳng cấp” văn hóa của một bộ phận cán bộ, công chức ngày nay vì sao “ngắn” đến thế? Câu trả lời chắc chắn phải thuộc về bộ phận tổ chức cán bộ, báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh đưa tin:
“Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế
Dũng đã ký quyết định kỷ luật cảnh cáo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao &
Du lịch Nguyễn Văn Hạnh về hành vi nhờ người khác làm hồ sơ và thi hộ chứng
chỉ A tin học”.
Thế nhưng tại Hà Nội, cũng là Phó Giám đốc, cũng liên quan đến chuyện “thi hộ” thì “Cán bộ trong nghi án thi hộ được bổ nhiệm cấp cao hơn (Giám đốc)” (Laodong.com.vn 27/8/2013). Công tác cán bộ như vậy, không để lọt những người kém đức, kém tài vào vị trí lãnh đạo mới là chuyện lạ. Còn lạ hơn nữa là một số cán bộ cấp cao trở nên vô hình trước công luận, có chăng truyền thông chỉ được viết “hơi cụ thể” về họ khi họ đã trở thành thường dân, không còn là công bộc của dân nữa. Đối với “ngài Phó Tổng” của Đường sắt Hà Nội, phát ngôn của nhân vật này không biết đã đến mức “bôi gio trát trấu” vào diện mạo đồng nghiệp Thủ đô hay chưa? Giả sử nếu chưa đến mức đó thì cũng là “con sâu làm rầu nồi canh”, còn nếu mà đến mức đó thì lãnh đạo Hà Nội sẽ nghĩ gì? Liệu sẽ có chuyện “Hà Nội không vội được đâu” hay sẽ ngay lập tức có quyết định làm trong sạch hàng ngũ như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng? Sẽ không ít người phân vân “làm trong sạch” nghĩa là thế nào, chuyển sang công tác khác với chức vụ tương đương hoặc nhỏ hơn chút xíu có phải là “làm trong sạch”? Nếu quả có chuyện như thế thì Đường sắt Hà Nội sẽ “sạch” nhưng nơi tiếp nhận đối tượng này lại bị “bẩn”, muốn “nồi canh” không bị rầu thì hoặc là gắp con sâu vứt đi hoặc là đổ cả nồi canh, dù là phương án nào thì “con sâu” cũng không được phép hiện diện trên mâm cơm người Việt. Từng có ý kiến biện minh của một nữ lãnh đạo Hà Nội, rằng Hà Nội khó tinh giản biên chế vì nhiều Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Thế còn những cán bộ trình độ quản
lý có vấn đề, tác phong ăn nói lỗ mãng, khinh nhờn người dân (cụ
thể là phóng viên và cơ quan báo chí) thì có khó tinh giản?
Nếu không tinh giản được vị “Phó tổng” này thì Hà Nội cũng nên công bố cho dân biết rằng bộ máy Đường sắt Hà Nội cần phải có những con người như thế thì tàu điện mới chạy được, hoặc nên tạo điều kiện cho người ta sửa chữa sai lầm, không nên “ép” người ta quá đáng… Nếu, lại thêm một lần “nếu” nữa, Hà Nội không muốn “xáo trộn bộ máy” của Đường sắt Hà Nội, người viết tin rằng sẽ không thiếu lý do đưa ra và đương nhiên rồi thì tất cả đều sẽ “đúng quy trình”. Liệu rồi có đến một ngày nào đó, câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” phải hiểu “Tràng An” ở đây là vùng Bái Đính – Ninh Bình chứ không phải Hà Nội bởi người Hà Nội sẽ phải quen với “mày” và “chúng mày”. Hy vọng một ngày thật buồn như vậy sẽ không đến vì lãnh đạo Hà Nội chắc chắn sẽ không đi theo vết xe “Hà Nội không vội được đâu”.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.tuanvietnam.net/2010-05-19-hau-the-hoc-bac-lam-sao-cho-dan-mo-mieng-
[2] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/buyt-nhanh-nghin-ty-nguy-co-vo-tran-su-thach-thuc-cua-nguoi-co-trach-nhiem-1021203.tpo
[3]http://laodong.com.vn/chinh-tri/can-bo-thi-truong-phai-kiem-tra-chat-luong-phan-bon-bang-mieng-269280.bld
[4]http://www.ngaynay.vn/nhung-phat-ngon-gay-soc-cua-quan-chuc-viet-p215529.html
(Theo
Giáo dục VN) Xuân
Dương
|
Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét