Truyền hình thực tế:
Khán giả “diễn, cười
mướn, khóc thuê”
Cập nhật lúc 09:00
Những khán giả đang
được “huấn luyện” trước khi vào trường quay. Ảnh: Hữu Thành
Từng tiếng vỗ tay, từng tiếng “ồ”, tiếc nuối, thậm chí khóc, hò hét, phấn khích tột độ mà người xem các chương trình mang danh truyền hình thực tế vẫn thường thấy trên tivi chỉ là… giả tạo. Đó chỉ là sự dàn dựng bởi những “khán giả được thuê” đến để “biểu lộ tình cảm” cuốn hút người xem và vô tình đánh lừa chính những khán giả đang xem truyền hình. Thế nên, những chương trình mang danh thực tế mà không hề thực tế.
Vỗ tay theo kịch bản
Không khó để có “một chân” đi làm khán giả cho truyền hình
thực tế, với yêu cầu rất đơn giản “có thời gian rảnh, biết cách… cười, vỗ
tay, cổ vũ, hò reo” là được. Được một người bạn giới thiệu, tôi đi làm khán
giả cho một chương trình truyền hình thực tế đang phát trên kênh của VTV.
Trước giờ quay, những khán giả được thuê được sắp xếp chỗ
ngồi sao cho “đẹp đội hình” nhất. Được chia đều sang hai bên sân khấu, một
bên là khán giả bình chọn, một bên dự khuyết để khi quay số khác thì đổi chỗ
lại.
Chương trình bắt đầu bấm máy cũng là lúc chúng tôi phải
“diễn” những động tác như: Vô tay theo nhịp, cười thật tươi, và reo hò như
chính người hâm mộ. Những màn diễn này luôn được quay trước để phục vụ cho
việc cắt, dựng trong các chương trình không phải lên sóng trực tiếp. Chúng
tôi được tập dượt, quay sao cho đẹp, cho khi lên sóng thật “đáng tin”. Chẳng
hạn như ám hiệu nào là phải vỗ tay, ám hiệu nào phải hò hét, ám hiệu nào sẽ
quơ tay, ám hiệu nào sẽ im lặng ngồi nghe say sưa... Tất cả đều nằm trong
kịch bản.
Một chương trình có thể quy về 3 dạng khán giả như sau:
Khách mời của ban tổ chức, fan của ca sĩ, thần tượng và khán giả được thuê.
Thông thường, những chương trình theo kiểu “đi thi” thì số khán giả được thuê
chiếm đa số, bởi chưa thể có fan. Nhóm khán giả này chủ yếu là sinh viên, học
sinh, họ được thuê đến trường quay để tạo không khí cho chương trình qua việc
hò hét, vỗ tay, thậm chí tỏ ra “cuồng nhiệt hơn” nếu ban tổ chức yêu cầu.
Xuyên suốt chương trình, nhóm khán giả được thuê liên tục
thay đổi chỗ để “đánh tráo người” và có sức mà reo hò, cổ vũ như một chương
trình đang rất được ái mộ. Hỏi thêm những người bạn ngồi bên cạnh mới biết,
hầu hết các chương trình hiện nay đều thuê khán giả đến, có chương trình còn
thuê thêm “fan cuồng”.
Đó là chương trình thu và phát sóng, còn những chương
trình phát trực tiếp thì cũng có một đội ngũ “khán giả thuê” đến để “gài” vào
tạo không khí cho chương trình. “Khán giả truyền hình thực tế” đang trở thành
một nghề làm thêm của nhiều bạn trẻ.
Việc thuê khán giả để lấp đầy trường quay để chương trình
thành công là điều cần thiết, nhưng nhiều chương trình truyền hình đang đi
quá chừng mực vốn có, lạm dụng để đánh lừa cảm xúc người xem là điều không
chấp nhận.
Đẹp đẽ phô ra,
xấu xa đậy lại
Câu chuyện về tính thực tế đằng sau truyền hình thực tế
còn nhiều điều đáng bàn. Đó là những hình ảnh thực tế có trong chương trình
khi quay, nhưng khi phát sóng được cắt gọt "không thương tiếc".
Những giám khảo nhận xét quá thẳng thắn cũng bị cắt nhiều phần, đa số chỉ để
lại những lời khen.
Một thí sinh tham gia hát… nhưng quá dở, nên ban giám khảo
không thể cho điểm cao, nhưng ban tổ chức chỉ có điểm từ… 7 trở lên. Vì vậy,
kết quả thi do ban tổ chức… quyết định.
Khán giả xem qua truyền hình các chương trình như Giọng
hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Nhân tố bí ẩn… hẳn quen với những phản ứng mang
tính “fan cuồng”. Hơn một nửa khán giả đều là fan của các ca sĩ nổi tiếng -
làm giám khảo - nên những phản ứng đều mang tính chất “ăn theo”. Hay khi thí
sinh bước ra là ào ào reo hò, điều này phải chăng cũng nằm trong “dự tính”
của ban tổ chức?
Chính sự “cuồng nhiệt quá mức” của những khán giả được
thuê lên sóng đã “đánh lừa” cảm xúc khán giả truyền hình. Nên sự thẩm định,
cảm nhận của khán giả truyền hình nhanh chóng “cuốn theo chiều gió”, như
chính mong muốn của chương trình.
Sự lạm dụng khán giả để đánh lừa khán giả đang tạo nên
những chương trình nghệ thuật giả tạo. Quay lại câu chuyện của những năm
trước, khi nhiều ca sĩ bỏ tiền thuê người hâm mộ lên sân khấu tặng hoa, quà
để được nổi tiếng, bây giờ đang “ăn sâu” vào những chương trình mang danh
thực tế.
Một chương trình thực tế trước hết cần trung thực với khán
giả và cần có những khán giả thực thụ biết cảm nhận và bày tỏ cảm xúc một
cách chân thực, chứ không phải “biểu cảm” theo ý đồ nhà sản xuất để đánh lừa
chính khán giả truyền hình.
(Theo Lao động) Đức Lộc
|
Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét