Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Thảm họa nhân đạo tại Gaza: Mỹ đã làm gì?

* “Mới có” 1.650 người dân Palestine bị sát hại, Mỹ chi 225 triệu USD hỗ trợ Ixralel tiếp tục chiến dịch quân sự
Cập nhật lúc 10:22

 (PetroTimes) - Bất chấp sự lên án của quốc tế, cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza vẫn tiếp diễn. Với vai trò là đồng minh chính của Israel, Mỹ có trách nhiệm gì khi không ngăn chặn một thảm họa nhân đạo đang diễn ra tại Palestine?  
Đã có hàng nghìn cái chết và gần chục nghìn người Palestine bị thương kể từ khi Israel mở chiến dịch tấn công Dải Gaza. Mọi nỗ lực ngoại giao của quốc tế đều thất bại khi Israel tiếp tục nã pháo vào người Palestine. Sáng 30/7, quân đội Israel đã dội bom đạn liên tiếp xuống khu dân cư ở miền bắc Dải Gaza, trong đó có một trường học của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ngôi trường này là nơi hàng nghìn người Palestine tìm đến để lánh nạn. Nhưng cuối cùng đây cũng không còn là nơi an toàn nữa. 19 người đã thiệt mạng, 125 người đã bị thương tại đây.
Phía Israel giải thích rằng các tay súng Hamas đã sử dụng ngôi trường này để làm căn cứ bắn tên lửa vào lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, các quan chức LHQ đã nhiều lần cảnh báo Israel rằng các trường học của họ tại Dải Gaza là nơi dân thường đang trú ẩn. Và đó cũng là trại tị nạn lớn nhất ở Dải Gaza với số người tới trú ẩn lên tới 120.000 người. Trong suốt ba tuần diễn ra chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào Dải Gaza đến nay đã có hàng nghìn người Palestine thiệt mạng, trong đó đa phần là trẻ em dưới 18 tuổi.
Ðã có ba cuộc họp bất thường của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề này. Lời kêu gọi ngưng chiến đã được đưa ra nhưng dường như không lay chuyển được quan điểm của các bên. Nhóm Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza khẳng định không thể đồng ý ngừng bắn cho đến khi các cuộc tấn công và việc phong tỏa kinh tế mà Israel áp đặt ở đây chấm dứt. Còn Israel thì nói rằng, tổ chức Hamas của Palestine đã đặt ra rất nhiều điều kiện tiên quyết khiến việc đạt được thỏa thuận trở nên bất khả thi. Tel-Aviv yêu cầu Hamas giải giáp vũ khí nếu nhóm này muốn lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Chính phủ Israel cáo buộc Hamas phải chịu trách nhiệm vì bạo lực tiếp diễn và kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phối hợp để ngăn chặn tổ chức này đem thêm vũ khí vào Gaza.


Tổng thống Obama (phải) và Thủ tướng Israel Netanyahu

Hiện chỉ có ba tác nhân có thể làm Israel dừng cuộc chiến này. Thứ nhất là LHQ. Tuy nhiên, ba cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ đã không thể thuyết phục Israel và Hamas đình chiến. Lý do là vì từ trước tới giờ, LHQ chưa lần nào thành công với nỗ lực hòa giải giữa IsraelPalestine. Rất nhiều nghị quyết của HÐBA LHQ về Trung Ðông không được Israel tuân thủ mà LHQ chả làm gì được. Chỉ như vậy thôi cũng đã đủ để Hamas không tin vào khả năng và vào sự đảm bảo của định chế quốc tế này rằng Israel nghiêm chỉnh tuân thủ kết quả trung gian hòa giải của LHQ.
Tiếp đến là Ai Cập. Trong các cuộc xung đột giữa Israel với Palestine nói chung và với Hamas nói riêng trước đây, Ai Cập đóng vai trò trung gian hòa giải rất hiệu quả vì Ai Cập là đồng minh của Israel. Nhưng lực lượng Hamas hiện nay không tin các tướng lĩnh Ai Cập vì họ lật đổ chính quyền của Tổ chức Huynh Ðệ Hồi giáo, một tổ chức đã đỡ đầu cho Hamas và từ xưa đã là nguồn tư tưởng cực đoan cho các lãnh đạo Hamas. Vì vậy, nhiệm vụ hòa giải của Ai Cập là bất khả thi.
Cuối cùng, Mỹ được coi có khả năng tác động quyết định nhất tới Israel. Về mặt chính thức, Washington ủng hộ Israel. Nhà Trắng nói rằng Tel-Aviv có quyền tự vệ hợp pháp chống lại sự tấn công không thể chấp nhận được từ phe Hamas. Nhưng chính giới Mỹ đã bắt đầu bị chia rẽ hơn sau các vụ ném bom của Israel vào Dải Gaza làm thiệt mạng nhiều thường dân vô tội. Hamas bị Mỹ xếp vào tổ chức khủng bố, nhưng đồng minh Israel lại được cho là quá thô bạo.
Sau một tuần nỗ lực ngoại giao dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong khu vực Trung Ðông không mang lại kết quả gì, ngày 27/7, Tổng thống Barack Obama kêu gọi thực hiện một cuộc ngừng bắn vì lý do nhân đạo, ngay tức khắc và vô điều kiện giữa Israel và Hamas. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, ông Obama bày tỏ quan ngại ngày càng nhiều về số thương vong của thường dân trong cuộc chiến Gaza, đồng thời kêu gọi chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù nghịch, theo thỏa thuận ngưng bắn giữa Israel và Hamas hồi tháng 11/2012.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tel Aviv đã phớt lờ lời cảnh cáo của lãnh đạo Nhà Trắng. Ngày 30/7, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyến bố cuộc hành quân chống Hamas sẽ không ngừng lại cho đến khi nào Israel phá hủy hoàn toàn mạng lưới các đường hầm mà Hamas sử dụng để đưa lậu vũ khí và các phần tử khủng bố vào Israel. Nói chuyện trên truyền hình Mỹ, ông Netanyahu nhận thức rằng dư luận thế giới có lẽ đang chống lại đất nước của ông trong cuộc xung đột. Nhưng ông tuyên bố rằng Israel quyết tâm thực hiện “bất cứ hành động cần thiết” để bảo vệ nhân dân của mình khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa của các phần tử Hamas.
Vì sao đồng minh Israel là tỏ ra ương ngạnh đến thế? Theo giới quan sát, việc chính quyền Barack Obama từ chối can thiệp vào cuộc nội chiến tại Syria từ năm ngoái và còn muốn hòa giải với Iran khiến chính quyền Israel của Thủ tướng Benyamin Netanyahu không mấy yên tâm. Sự trì trệ đến mức bế tắc của toàn bộ tiến trình hòa bình tới nay cho thấy hạn chế của Mỹ hoặc tính nửa vời trong chủ trương thúc ép Israel chấp nhận giải pháp hòa bình.
Khủng hoảng hiện nay thực sự là thách thức cá nhân đối với Tổng thống Obama, vì ông đã không làm cho vấn đề này tiến triển được sau sáu năm cầm quyền tại Nhà Trắng. Một nhà ngoại giao của LHQ nhận định: “Cuộc khủng hoảng Israel - Palestine là thất bại lớn nhất của chính sách ngoại giao Obama. Hiện nay, Obama còn một ít thời gian để có thể gây ảnh hưởng lên xung đột này. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của ông cũng bị giới hạn, vì ông không có quan hệ tốt đẹp với Thủ tướng Netanyahu”.
(Theo Petrotimes) S.Phương

* Trong một động thái đáng chú ý liên quan đến tình hình chiến sự nóng bỏng tại Trung Đông hiện nay, Quốc hội Mỹ vừa thông qua khoản hỗ trợ Israel nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn trị giá 225 triệu USD.  
Khoản hỗ trợ hệ thống "Vòm sắt" được thông qua trong bối cảnh trên thực địa, số người Palestine thiệt mạng do chiến sự tại Gaza, theo con số ngày 2/8, đã vượt quá 1.650 người, chủ yếu là dân thường. Thiệt hại bên phía Israel là 63 người, chủ yếu là binh sĩ.
Theo VTV1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét