Lo vỡ quỹ, BHXH
tính “nặn bóp” lương hưu!
Cập nhật lúc 08:21
Người nghỉ
hưu sẽ càng khó khăn hơn nếu tính theo phương án điều chỉnh mức lương hưu tại
dự thảo sửa đổi luật
Bảo hiểm xã hội.
Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội nghị “Đối thoại
chính sách trong sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội (BHXH)” do Ủy ban Các vấn đề xã
hội của Quốc hội tổ chức ngày 1.8.
Một trong những điểm các đại biểu còn băn khoăn đó là quy
định lộ trình điều chỉnh cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu chưa phù hợp. Thay
vì quy định hiện hành 15 năm đóng BHXH được hưởng 45%, từ năm thứ 16 trở đi mỗi
năm đóng thêm sẽ được tính 2% đối với nam và 3% đối với nữ, thì tại điều 55
dự thảo luật sửa đổi, tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng: giữ nguyên tỷ lệ
hưởng lương hưu tối đa là 75%, tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với mức
hưởng 45% mức bình quân tiền lương hằng tháng để tính lương hưu. Cụ thể, năm
2016, 16 năm đóng BHXH được 45% lương… và năm 2020, 20 năm đóng được 45%. Từ
năm 2031 trở đi, mỗi năm đóng thêm được tính chung 2% cho cả nam và nữ.
Với việc thay đổi cách tính trên, ông Phạm Minh Huân, Thứ
trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: “Người nghỉ hưu trong năm 2016 sẽ giảm 2% đối
với nam và 3% đối với nữ so với người nghỉ hưu trong năm 2015 (với người có thời
gian đóng BHXH từ 26 năm đối với nữ và 31 năm đối với nam thì mức lương hưu
không giảm, chỉ giảm mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu). Người nghỉ hưu trong
năm 2017 sẽ giảm 2% đối với nam và 3% đối với nữ so với người nghỉ hưu trong
năm 2016, tương ứng giảm 4% và 6% so với người nghỉ hưu năm 2015 (với người
có thời gian đóng BHXH từ 27 năm đối với nữ và 32 năm đối với nam thì mức
lương hưu không giảm, chỉ giảm mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu)”.
Ảnh hưởng tiêu cực
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động
VN, bày tỏ: “Việc thay đổi cách tính lương hưu như trên đã làm giảm quyền lợi
của người nghỉ hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước
và sau khi luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành”. Ông Chính lập luận:
“Luật hiện hành, nếu có 20 năm đóng BHXH thì nam được hưởng 55% lương bình
quân đóng, còn nữ thì hưởng 60%, nhưng nếu theo dự thảo, cho đến khi nghỉ hưu
vào năm 2020 chỉ được hưởng mức 45% lương bình quân cho 20 năm đóng BHXH đối
với cả nam và nữ. Như vậy, sau 5 năm điều chỉnh mức hưởng của người lao động
(NLĐ) sẽ chênh lệch 10% với nam và 15% đối với nữ. Với cách tính như trên thì
NLĐ tối thiểu phải có 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới đạt được
mức hưởng tối đa là 75% lương bình quân đóng BHXH. Từ năm 2031 trở đi, với tỷ
lệ thay thế 2%/năm cho cả nam và nữ thì LĐ nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 phải có 35
năm đóng BHXH mới đạt mức hưởng tối đa 75%. Đây sẽ là một thiệt thòi lớn cho
LĐ nữ nếu so với quy định hiện hành”. Ông Chính đề nghị giữ nguyên công thức
tính lương hưu như hiện nay.
Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng
Hồ Thủy nhận xét với quy định này thì trung bình lương hưu của cán bộ, công
chức nhà nước sẽ sụt giảm từ 21% đến 24%; lực lượng vũ trang giảm từ 22% đến 33%
(do có từ 5 năm đến 7 năm là học viên quân sự, công an, khi đó đóng BHXH trên
nền tiền lương cơ sở).
Bà Hồ Thủy đề nghị phương án tính mức lương hưu hằng tháng
được tính bằng 45% đối với LĐ nữ có 15 năm đóng BHXH và LĐ nam có 20 năm đóng
BHXH; sau đó, cứ một năm tính bằng 2% đối với cả nam và nữ, mức tối đa bằng
75%. Nếu thực hiện theo quy định này thì LĐ nữ có 30 năm đóng BHXH và LĐ nam
có 35 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu 75%.
(Theo TNO) Thu Hằng
|
Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét