Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Bình ổn giá sữa: Sản phẩm dinh dưỡng nếu có chứa sữa thì đều phải áp giá

Cập nhật lúc 20:49

(PLO) Ngày 11-8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đã có văn bản giải trình cụ thể gửi Cục Quản lý Giá, Bộ Tài Chính về việc minh định đâu là sản phẩm sữa. 
Theo văn bản này thì cả 30 sản phẩm mà Cục Quản lý Giá gửi sang đều là sữa và đều thuộc phạm vi điều chỉnh giá theo Thông tư số 30/2013/TT-BYT ngày 4-10-2013 (Danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá như yêu cầu của Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính).
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: sau khi Cục An toàn thực phẩm gửi văn bản trả lời thì có nhiều ý kiến thắc mắc. Cục An toàn thực phẩm và Cục Quản lý giá đã họp với nhau và đi đến thống nhất tất cả các 30 sản phẩm đó (Cục Quản lý Giá gửi sang – PV) đều là sữa.
“Có sự vênh nhau như vậy là do hai bên chưa hiểu yêu cầu của nhau. Chúng tôi đã ngồi lại và thống nhất vấn đề này. Tất cả các sản phẩm đã là sữa thì dù thay đổi tên gọi thì vẫn là sữa” – ông Trung khẳng định.
Trước đó, Cục Quản lý Giá có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm về việc phối hợp minh định trong số 30 sản phẩm đâu là sữa để áp mức bình ổn giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi.
Ngày 15-7 Cục An toàn thực phẩm có văn bản trả lời, trong đó nói rõ trong số 30 sản phẩm có 12/30 sản phẩm là sữa nằm trong danh mục bình ổn giá. Theo Cục An toàn thực phẩm, sau khi rà soát lại hồ sơ của 18 sản phẩm còn lại thì đều là sữa và nằm trong danh mục sữa phải thực hiện bình ổn giá theo quy định.
Cục An toàn thực phẩm dẫn chứng: sản phẩm nhãn hiệu “Dielac Pedia 1+ HT” với quy cách đóng gói 900g và 400g, tên sản phẩm trong giấy Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm là “Thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ từ 1-3 tuổi - Dielac Pedia” (hộp thiếc). Và sản phẩm nhãn hiệu “I am kid vani” với quy cách đóng gói 350g và 660g, tên trong giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm là  “Sản phẩm dinh dưỡng I am mother Kid”. “Vì có sự khác biệt giữa tên gọi và giấy chứng nhận nên Cục An toàn thực phẩm cần có thời gian rà soát hồ sơ để tránh nhầm lẫn” – đơn vị này lý giải. 
Ngoài ra theo Cục An toàn thực phẩm, có một số sản phẩm cùng tên gọi nhưng có hai quy cách đóng gói khác nhau, trong văn bản gửi Cục Quản lý Giá thì lại gộp chung tên gọi làm một sản phẩm, vì vậy dẫn đến có sản phẩm Cục Quản lý giá lại cho rằng không thuộc danh mục sữa.
Trao đổi với Pháp luật TP. HCM, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm giải thích, dù nó là sản phẩm dinh dưỡng, công thức, hay thực phẩm bổ sung, nhưng trong thành phần có sữa dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi là phải áp giá.
“Doanh nghiệp có quyền đặt tên, tuy nhiên nếu chỉ dựa vào tên thì không chặt chẽ, doanh nghiệp cũng thay đổi được hàm lượng cho nên phải dựa vào thành phần mới là chuẩn nhất. Vừa rồi Bộ Tài chính đưa ra tên danh mục và hàm lượng đã là cố gắng nhưng về lâu dài cần phải đưa vào thành phần và đối tượng sử dụng” – ông Long cho biết. 
(Theo Pháp luật TP HCM) HUY HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét