Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

 Sao cứ biện hộ cho dạy thêm là đúng?



Thiết nghĩ, nếu làm nghiêm, quy định cấm sẽ tạo ra một hiệu lực vô cùng tích cực, tạo hiệu ứng giáo dục trên địa bàn thành phố.

LTS: Ngày 29/8, trong cuộc họp tại thành phố Hồ Chí Minh do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành chủ trì, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã nhấn mạnh sẽ siết chặt quy định cấm dạy thêm, học thêm trong thời gian đến.
Nhiều trường học, giáo viên dù đã có lệnh cấm nhưng vẫn lách luật để kiếm thêm thu nhập cho bản thân. Họ biện luận cho hành động này là do cũng bỏ mồ hôi, công sức như bao ngành nghề khác nên có quyền dạy.
Bàn về vấn đề này, thầy Anh Quân đã có bài viết góp ý và khẳng định lại lệnh cấm dạy thêm, học thêm là một việc làm đúng đắn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Lệnh cấm dạy thêm ở thành phố Hồ Chí Minh đã khiến nổ ra cuộc tranh luận gay gắt trên các diễn đàn, trang mạng xã hội, trong đó, nhiều người tỏ ý không đồng tình với những chủ trương này.
Nhiều ý kiến cho rằng: “tại sao bác sĩ được phép mở phòng mạch khám chữa bệnh ngoài giờ còn nhà giáo dạy thêm thì lại cấm?”, “nghề giáo cũng là nghề để kiếm tiền sinh sống, trong khi những ngành nghề khác có thể làm thêm để tăng thu nhập thì lý do gì lại cấm thầy cô giáo dạy thêm bằng sức lực của mình?”.
 
Tiết lộ đề thi để thu hút học sinh đến lớp học thêm (Ảnh nguồn: tuoitre.vn).
Mới nghe cũng thấy có lý nhưng suy cho cùng sự so sánh nghề giáo với nghề y và một số nghề khác lại có phần khập khiễng và sai về bản chất.
Xét cho cùng, bác sĩ mở phòng mạch, bệnh nhân hoàn toàn tự nguyện đến khám. Có những phòng mạch bệnh nhân nườm nượp chen nhau từ khắp nơi đổ về vì danh tiếng của bác sĩ, nhưng cũng không ít phòng mạch đìu hiu, vắng người.
Bác sĩ muốn thu hút khách đến khám chữa bệnh chỉ còn một cách bồi dưỡng năng lực, nâng cao tay nghề, phẩm chất cho bản thân mình, chứ hoàn toàn không thể dùng sức ảnh hưởng để ép buộc bệnh nhân.
Còn giáo viên thì sao?
Trong thực tế, phần lớn giáo viên dạy thêm chủ yếu dạy chính những học sinh của mình đang dạy trên lớp, trên trường. Bởi thế, sẽ không công bằng cho những học sinh không đi học thêm với thầy cô, tất nhiên, chúng ta không phủ nhận, có nhiều thầy cô vẫn thấu hiểu, cảm thông và thương yêu học trò thật sự nên luôn đối xử công bằng.
Nhưng bên cạnh đó, nhiều giáo viên sẽ ưu ái những em đi học thêm với mình về mọi mặt. Có những giáo viên từng đùa rằng:
Mình đang nắm quyền sinh quyền sát trong tay nên đối xử với học sinh như thế nào còn phụ thuộc vào tâm trạng”.
Ngành giáo dục xưa nay cũng không hiếm những trường hợp để việc tư ảnh hưởng đến việc công. Đã có nhiều chuyện tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục như làm sai lệch kết quả học tập, hạnh kiểm của học sinh chỉ vì sự yêu, ghét của giáo viên.
Không ít giáo viên đã không ngần ngại bớt xét kiến thức trên lớp để dạy ở lớp học thêm nhằm thu hút học sinh đến, và dù không muốn, nhiều phụ huynh cũng phải cho con đi học vì sợ bị thầy cô để ý.
Áp lực vô hình của học thêm đã gây ra sự bức xúc cho phụ huynh, nhất là từ khi có quy định cấm nhưng không ít giáo viên, nhà trường vẫn ngang nhiên lách luật để dạy thêm ở nhà, tại các trung tâm, trường học.
Và rồi, ở các địa phương, năm học nào cũng nhận được không ít lá đơn tố cáo chuyện giáo viên phân biệt đối xử với học sinh trong lớp, đánh giá xếp loại học sinh không đúng để ép buộc trò phải đi học thêm… Có điều theo nguyên tắc đơn thư nặc danh không có hiệu lực nên những thầy cô giáo này không bị xử lý theo quy định.
Nhưng qua nhiều đơn thư phản ánh như thế, có thể thấy được chuyện dạy thêm, học thêm ngoài việc nâng cao hơn chất lượng dạy và học cũng đang làm xói mòn nền tảng đạo đức nhà giáo có từ lâu đời, gây thêm gánh nặng về kinh tế cho nhiều gia đình khó khăn, làm mất lòng tin của xã hội với nghề luôn được xem là “cao quý”…
Sức hút vật chất đã khiến không ít giáo viên cố ý làm sai quy định, vi phạm sự thiên lương, công tâm của người giáo viên để lôi kéo học sinh tham gia những lớp học thêm của mình.
Thiết nghĩ, nếu làm nghiêm, quy định cấm sẽ tạo ra một hiệu lực vô cùng tích cực, tạo hiệu ứng giáo dục trên địa bàn thành phố.
(Theo Giáo dục VN) Anh Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét