Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Chỉ mặt 3 “thủ phạm” khiến dân ta đang bị đầu độc

Cập nhật lúc 07:20

 
(Tranh minh họa từ internet)
Mọi người thường nói với nhau: “Không ăn thì chết vì đói. Ăn thì chết vì ung thư”. Thủ phạm gây ra tai họa này là ba kẻ tòng phạm, cần phải chỉ mặt đặt tên.
Thủ phạm thứ nhất là những kẻ sản xuất và buôn bán thực phẩm có chứa chất độc. Không phải ai khác, đó chính là nông dân, nhà buôn và doanh nghiệp làm ra sản phẩm chứa chất độc.
Có những nông dân hoàn toàn không biết là thuốc trừ sâu, phân bón có chứa hóa chất độc hại. Họ chỉ biết thuốc ấy được bán trên thị trường, thậm chí được công nhận sử dụng. Dùng thuốc ấy thấy hiệu quả rau củ phát triển tốt, lợn gà tăng trọng nhanh. Thế là ham.
Nhưng rồi dần dà họ cũng biết tác hại, nhưng vì lòng tham mà bỏ qua. Không hiếm nhà trồng rau biết cách dành riêng cho gia đình mình một khoảnh rau an toàn, còn rau bị phun thuốc thì đem bán.
Trang trại nuôi gia súc cho lợn ăn chất tăng trưởng, tạo nạc, khi bán ra còn cố ý bơm thêm nước cho lợn tăng cân.
Tôm cá có dư lượng chất kháng sinh quá ngưỡng không xuất khẩu được thì tiêu thụ trong nội địa. Chưa kể cá chết vì họa Formosa ai dám khẳng định đã hết độc hại?
Các loại nội tạng và thịt lợn gà nhập về cả năm, đã thiu thối đem rửa qua hóa chất vẫn cung cấp ra thị trường…
Cửa hàng bán hoa quả ngâm tẩm thêm hóa chất để giữ cho quả giữ được lâu khỏi hư hỏng. Quả dưa hấu được tiêm thêm đường hóa học và phẩm màu cho ruột đỏ và ngọt. Quả sầu riêng thu mua khi còn non, đem về ngâm tẩm hóa chất thúc chín nhanh để bán lấy lời.
Bản thân mình không dám ăn những thứ độc hại, mà nhắm mắt bán cho người tiêu dùng để thu tiền bất chính.
Những người đó có phải là thủ phạm không?
Thủ phạm thứ hai là những kẻ sản xuất ra các hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp. Ai cũng biết hầu hết các sản phẩm đó được sản xuất tại Trung Quốc.
Ngay cả đồ chơi trẻ em của Trung Quốc cũng chứa chất độc hại, bị cả thế giới tẩy chay. Dân Trung Quốc cũng bị chính họ đầu độc, như trường hợp sữa cho trẻ em có chứa chất melamine rộ lên mấy năm trước.
Nước ta vốn là xứ sở có nhiều hoa quả, nhưng lại bị hoa quả Trung Quốc đánh bạt trên các quầy sạp khắp trong Nam ngoài Bắc. Và ai cũng biết hoa quả “tươi ngon” của họ đều được bảo quản bằng hóa chất. Nhưng vì rẻ nên vẫn ham mua.
Kẻ thủ phạm này ai cũng biết, nhưng không thể tóm cổ để truy tố được. Chỉ có thể tẩy chay mà thôi.
Thủ phạm thứ ba là những kẻ nhập “thuốc độc” của Trung Quốc vào nước ta.
Theo số liệu thống kê 5 tháng đầu năm nay, nước ta đã chi tới 140 triệu USD (tương đương 3080 tỉ đồng) để nhập thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Tính trung bình mỗi ngày 20,5 tỉ đồng để mua “thuốc độc” về đầu độc dân mình..
Thực ra, số lượng thuốc trừ sâu Trung Quốc nhập vào Việt Nam được biết tới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Các loại thuốc độc hại luồn vào nước ta bằng những con đường khác nhau. Luồn lách qua biên giới trên vai các cửu vạn cũng như hàng hóa nhập lậu và nhập công khai của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các cơ quan chức năng đã tỏ ra bất lực và buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng này. Không khỏi rùng mình khi Bộ Y tế cho phép nhập tới 9 tấn Salbutamol mà chỉ có khoảng 10kg dùng để làm thuốc chữa bênh, còn lại được sử dụng làm chất tăng trưởng trong chăn nuôi…
Không ngăn chặn được thuốc trừ sâu vào nước ta, thậm chí còn làm ngơ trước tình trạng này,  các cơ quan quản lý chẳng lẽ không phải là “tòng phạm” trong việc “đầu độc” dân ta?
***
“Bệnh nhập tòng khẩu” (bệnh tật chui qua mồm). Hậu quả của việc ăn thực phẩm có chứa hóa chất độc xảy ra nhãn tiền qua các vụ ngộ độc thức ăn xảy ra thường thấy trong các bữa ăn tập thể của công nhân, các bữa cỗ bàn ở nhiều nơi và ngay cả bữa ăn trong gia đình. Nhưng thảm trạng còn tiềm ẩn lâu dài hơn nữa. Cùng với môi trường nước và không khí ô nhiễm, cuộc sống của chúng ta không còn an toàn nữa. Nhiều nơi trên đất nước đã xuất hiện những làng ung thư mà báo chí đã nhắc đến.
Phát biểu của ca sĩ Mỹ Linh làm dấy lên những phản ứng không đồng tình. Thực ra đấy cũng là “lối thoát” cho một bộ phận người có điều kiện nhất định và cũng chỉ có thể coi đó là biện pháp ứng phó nhất thời. Song thử hỏi các quan chức lắm tiền nhiều của, các đại gia làm sao có thể tránh khỏi ăn phải thực phẩm không an toàn, một khi những thực phẩm ấy cũng chui cả vào trong siêu thị? Có thể con cái các vị tránh được “dây bẩn”, nhưng các vị có thể sống tách riêng ra khỏi cộng đồng được không? Các vị có thể giữ mình sạch khi bơi trong dòng nước bẩn được không?
Thường xuyên và liên tục quanh năm suốt tháng bị đầu độc, sẽ là thảm họa đối với cả dân tộc. Không trừ một ai.
Chúng ta cần lên tiếng tẩy chay thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn. Tẩy chay hoa quả và thắt chặt việc kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật của Trung Quốc. Nhà nước cần phải thấy được thảm họa cả dân tộc đang bị đầu độc mà cương quyết tìm mọi cách chặn lại, không thể chậm trễ hơn được nữa.
(Theo Lao động) Nguyễn Như Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét