Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Vàng loạn, chứng khoán sôi sục: Yên tâm ôm USD?


Cập nhật lúc 07:20   

Thị trường tài chính trong nước, từ vàng cho tới chứng khoán, đang diễn biến khó lường trước những biến động bất thường trên thế giới cũng như chuyển động khá nhanh chóng của dòng tiền trong nước. Trong khi đó, thị trường ngoại tệ dường như đang rất bình yên.
Vàng loạn, chứng khoán sôi sục
Sau nhiều năm trầm lắng kéo dài thị trường vàng từ tuần cuối tháng 6/2016 bất ngờ nổi sóng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, vàng liên tục đánh bật các mốc giá mới: từ mức 35,5 triệu đồng/lượng bất ngờ vượt 36 triệu rồi bay qua 37 triệu, vượt 38 triệu đồng/lượng.
Trong tuần đầu tháng 7/2016, thị trường vàng sốt xình xịch, người dân lại chen chân nhau chờ mua vàng và đã có hiện tượng nhận giấy hẹn mua bán. Giá vàng có lúc lên tới sát 40 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới được kéo lên 700 ngàn đồng/lượng.
Tuy nhiên, tình trạng trên nhanh chóng đảo chiều. Sau phiên tăng điên cuồng tới 3 triệu đồng/ngày, giá vàng đã quay đầu giảm tới 2 triệu đồng/lượng chỉ trong một buổi sáng. Số lượng người mua vào từ áp đảo chuyển sang lép vế so với người bán.

ngoại tệ, thị trường ngoại hối, tỷ giá, USD/VND, đầu cơ tỷ giá, chính sách tiền tệ, chính sách ngoại hối, cho vay ngoại tệ 
Giá vàng trong nước biến động bất thường, tăng lên đỉnh cao rồi nhanh chóng lao dốc cũng đã khiến không ít người mừng hụt lãi lớn còn số người lỗ thật 200 triệu chỉ sau một đêm ngủ dậy cũng không ít.
Thị trường vàng trong nước hiện chuyển động chậm chạp với phần lớn là các giao dịch nhỏ lẻ. Các NĐT dường như đã khép lại trạng thái, sau những đợt sóng vàng dâng cao ở những phiên trước. Sự vắng bóng các NĐT trong hai phiên trở lại đây được ví như trạng thái tạm thời nghỉ ngơi sau một tuần phải “cân não”.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giới đầu tư bất ngờ chứng kiến những phiên tăng điểm thăng hoa sau nhiều năm vắng bóng. Riêng trong phiên giao dịch 13/7, TTCK thực sự bùng nổ. VN-Index mức tăng 10 điểm buổi sáng tới giữa giờ chiều, VN-Index đã tăng gần 17 điểm lên 675,77 điểm, trước khi chốt phiên tăng 16,22 điểm đứng trên 675 điểm.
Đây là một đợt tăng điểm ấn tượng của thị trường bởi trong gần một thập kỷ trước đó, phần lớn thời gian VN-Index loanh quanh trong phạm vi 400-500 điểm, có lúc còn xuống tới 235 điểm (đầu 2009).
Dòng tiền đổ vào thị trường dồn dập cho dù rất nhiều cổ phiếu có giá vượt đỉnh mọi thời đại. Một số cổ phiếu thậm chí tăng tới hàng chục lần như cổ phiếu. Hàng loạt các cổ phiếu đã lên mức “10 chấm” (hơn 100 ngàn đồng).
Ngoại tệ: Bình yên đáng nể?
Tăng mạnh là vậy, dòng tiền cũng khá vững nhưng cũng không ít người lo ngại TTCK có thể mất trụ và sụp nhanh chóng. Khi các cổ phiếu lớn bị xả, thị trường có thể sập.
 Cuối phiên giao dịch 14/7, VN-Index đã gây bất ngờ khi chuyển từ tăng sang giảm hơn 8 điểm, và đánh mất ngưỡng 670 điểm vào những phút cuối cùng của phiên giao dịch. Thị trường tiếp tục điều chỉnh giảm trong phiên 15/7.
Trái ngược với vàng và chứng khoán, thị trường ngoại tệ dường như khá bình yên.
Theo NHNN, trên thị trường ngoại hối trong tuần vừa qua, tỷ giá mua bán USD/VND ở một số thời điểm lên mức 22.290/22.380 VND/USD, tuy nhiên tỷ giá nhanh chóng ổn định và niêm yết cuối ngày chủ yếu ở mức 22.260/22.330 VND/USD, giảm 10 VND/USD cả hai chiều mua và bán so với ngày cuối tuần trước đó.
Trả lời báo chí vào thời điểm thị trường sốt nóng nhất, lãnh đạo NHNN cho rằng, thị trường ngoại tệ không bị ảnh hưởng bởi biến động vàng. NHNN vẫn thu mua được USD. NHNN cho biết, sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Trên thực tế, tỷ USD/VND trong những ngày gần đây dao động không đáng kể, quanh ngưỡng 22.260-22.280 đồng/USD (mua vào) và 22.330-22.340 đồng/US (bán ra). Giới đầu tư đều cảm nhận được điều này. Một số người thậm chí còn tính chuyện bán USD để tìm cơ hội ở chứng khoán và vàng, cả BĐS.
Biến động lớn nhất trong vài tháng qua có lẽ là thời điểm sau sự kiện người dân nước Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu EU (Brexit). Chính NHNN khi đó cũng đã tăng tỷ giá trung tâm thêm 21 đồng so với trước đó lên 21.866 đồng. Tỷ giá USD/VND tại các NH khi đó tăng lên 22.380 đồng/USD. Tuy nhiên, tỷ giá ngay sau đó ổn định trở lại. Tỷ giá trung tâm hiện ở mức 21.864 đồng.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng đưa ra nhận định cho rằng tỷ giá USD/VND ổn định trong 6 tháng đầu năm.
Trên thế giới, gần đây đồng USD có xu hướng giảm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn tăng lãi suất. Mặc dù vậy, nhìn trong vài năm qua, USD vẫn đang có xu hướng đi lên. Điều này cũng được phản ánh trong diễn biến tỷ giá USD/VND.
Ở chiều ngược lại, một số dự báo trong đó có dự báo của CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, sự kiện Brexit sẽ tác động đáng kể đến tỷ giá. Triển vọng tăng trưởng của EU có thể trở nên tiêu cực khi Anh rời EU. Trước đó, trong năm 2015, đồng euro đã từng giảm mạnh so với USD.
Hiện tượng đồng yên Nhật tăng mạnh hay đồng NDT giảm xuống mức thấp nhất 5 năm… cũng là các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường ngoại hối cũng như ảnh hưởng tới các khoản vay của DN, chính phủ Việt Nam.
Từ đầu 2016, NHNN áp dụng cơ chế tỷ giá mới: tỷ giá trung tâm, công bố hàng ngày. Tỷ giá này được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam (bao gồm USD, EUR, CNY, JPY, SGD, Won Hàn Quốc), Bath Thái, đô la Đài Loan), các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
(Theo VietNamNet) V. Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét