Lập luận như Trung Quốc, Việt Nam có
thể đòi lãnh thổ đến phía Nam Dương Tử
Cập nhật lúc 14:39
Trong đấu tranh với Trung Quốc để tránh bị mắc lừa, chúng ta phải
tự vũ trang cho mình khả năng và hiểu biết về luật pháp, thông lệ quốc tế
trước.
LTS: Trước thềm phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA)
ngày 12/7, Trung Quốc vẫn ra sức tuyên truyền ào ạt về cái gọi là chủ quyền
của họ trên Biển Đông với "bằng chứng lịch sử" và tiếp tục bác bỏ
thẩm quyền, phán quyết của Tòa.
Tiến sĩ Trần Công Trục, chuyên gia về biên giới lãnh thổ và luật
biển quốc tế gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về
vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này.
Ngày 1/7 kỷ
niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình đã tập trung khá nhiều vào chính sách đối ngoại, những vấn đề liên
quan đến Biển Đông trong bài diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm này. Ông nhắc lại,
Trung Quốc không thỏa hiệp về "chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích trên
biển".
Trợ chiến cho
ông, truyền thông nhà nước Trung Quốc ồ ạt đăng tải các bài phỏng vấn, những
thông tin, những bằng chứng lịch sử để cố chứng minh cho cái gọi là "chủ
quyền không tranh cãi" của Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông, thậm chí
là toàn bộ Biển Đông.
Đây là một mũi
tên truyền thông nguy hiểm nhằm vào hai đích, một là tiếp tục đánh lạc hướng
dư luận quốc tế về bản chất vụ kiện của Philippines và phán quyết của PCA
hòng lôi kéo sự ủng hộ của dư luận. Hai là sẵn dịp này đẩy mạnh tuyên truyền
cái gọi là "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc đối với đường lưỡi
bò, cũng như 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Trước những thủ
đoạn tuyên truyền này của Trung Quốc, chúng ta với tư cách là bên liên quan
trực tiếp có chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị Trung Quốc xâm
phạm, có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp bị Trung Quốc xâm hại
cần phản ứng ra sao để tránh rơi vào bẫy Trung Quốc thiết nghĩ là điều hết
sức quan trọng.
Trung Quốc đánh đồng các tranh chấp, chúng ta càng phải phân biệt
rạch ròi các tranh chấp
Đến giờ này khi
PCA sắp ra phán quyết, Trung Quốc vẫn tiếp tục thủ đoạn "ông nói gà, bà
nói vịt", đã trót phóng lao thì phải theo lao. Tuy nhiên Bắc Kinh đang
vấp phải phản ứng quyết liệt từ chính dư luận các học giả, nhà nghiên cứu
chân chính trong nước, cũng như dư luận khu vực và các nước liên quan.
Điển hình như
việc Ngoại trưởng Indonesia mới đây tuyên bố dõng dạc, Indonesia không có bất
kỳ cái gọi là "vùng chồng lấn" nào với Trung Quốc ở Biển Đông khu
vực phía Bắc quần đảo Natuna. Mặt khác, Jakarta không thừa nhận đường lưỡi
bò, cũng không thừa nhận cái gọi là "vùng đánh cá truyền thống" mà
Trung Quốc đưa ra.
Không dừng lại
ở lời nói, chính phủ Tổng thống Joko Widodo đã triển khai một loạt chính
sách, hành động bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của họ, điều mà
chúng ta đã làm trong khủng hoảng giàn khoan 981 năm 2014 do Trung Quốc gây
ra và nhiều lần khác Trung Quốc xâm phạm.
Về mặt pháp lý,
vụ kiện của Philippines và phán quyết của PCA sắp có ngày 12/7 tới đây nếu
Tòa tuyên đường lưỡi bò Trung Quốc không có căn cứ pháp lý sẽ là một đòn bẩy
quan trọng để các bên liên quan tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc chống lại
các hành vi leo thang, bành trướng, vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm
quyền lợi của các nước liên quan.
Trên Biển Đông
có nhiều tranh chấp phức tạp, đan xen nhau, trong đó nổi bật hơn cả là tranh
chấp chủ quyền / lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tranh
chấp ứng dụng, giải thích và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982
(UNCLOS 1982). Đường lưỡi bò Trung Quốc là sản phẩm của việc giải thích
và áp dụng sai ,vi phạm trắng trợn UNCLOS 1982.
Còn với các
tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ với các đảo, các thực thể ở Hoàng Sa, Trường
Sa cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua hệ thống luật pháp
và thực tiễn quốc tế về thụ đắc lãnh thổ mà chúng tôi xin nhắc lại dưới đây.
UNCLOS 1982 và
phán quyết của PCA tới đây không giải quyết tranh chấp lãnh thổ / chủ quyền
như Trung Quốc đang tuyên truyền. UNCLOS 1982 và DOC cũng không phải căn cứ
để đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông như cách hiểu của Nga
hiện nay.
Căn cứ pháp lý giải quyết tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ ở Biển
Đông
Trong lịch sử
phát triển lâu dài của pháp luật quốc tế, những nguyên tắc và quy phạm pháp
luật xác lập chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc
tế, trong đó có các phương thức thụ đắc lãnh thổ.
Từ thế kỷ XVI,
tình trạng tranh chấp về khu vực ảnh hưởng giữa các nước mới phát triển và
lớn mạnh như Hà Lan, Anh, Pháp... với các nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trở
nên quyết liệt.
Bởi vậy nên
Giáo hoàng Alexandre VI đã ký Sắc lệnh ngày 04/5/1493 phân chia khu vực ảnh
hưởng cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở phạm vi nằm ngoài châu Âu.
Trước thực
trạng đó, các cường quốc hàng hải đã tìm ra nguyên tắc pháp lý áp dụng cho
việc thụ đắc lãnh thổ đối với những vùng lãnh thổ mà họ mới phát hiện. Đó là
nguyên tắc "quyền ưu tiên chiếm hữu ", hay còn được gọi là nguyên
tắc "quyền phát hiện ".
Nguyên tắc này
dành quyền ưu tiên chiếm hữu một vùng lãnh thổ cho quốc gia nào đã phát hiện
vùng lãnh thổ đó đầu tiên. Tuy nhiên, trên thực tế nguyên tắc "quyền
phát hiện" chưa bao giờ tự nó đem lại chủ quyền quốc gia cho quốc gia đã
phát hiện ra vùng lãnh thổ mới đó.
Bởi vì, người
ta không thể xác định được thế nào là phát hiện? Giá trị pháp lý của việc
phát hiện? Ai là người phát hiện trước? Lấy gì để ghi dấu hành vi phát hiện
đó?...
Vì thế, việc
phát hiện đã nhanh chóng được bổ sung bằng việc chiếm hữu trên danh nghĩa,
nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu tích trên
vùng lãnh thổ mới phát hiện ra đó.
Mặc dù vậy,
nguyên tắc "chiếm hữu danh nghĩa" không những không thể giải quyết
được một cách cơ bản những tranh chấp phức tạp giữa các cường quốc đối với
các vùng "đất hứa", đặc biệt là những vùng lãnh thổ thuộc châu Phi
và các hải đảo nằm cách xa đất liền hàng ngàn, hàng vạn hải lý.
Chẳng những
thế, nguyên tắc này còn ngày càng dẫn đến những đối đầu quyết liệt hơn giữa
các cường quốc vì người ta không thể lý giải được cụ thể cái "danh
nghĩa" đã được lập ra bao giờ và tồn tại như thế nào.
Vì vậy, sau Hội
nghị về châu Phi năm 1885 của 13 nước châu Âu và Hoa Kỳ và sau khóa họp của
Viện Pháp luật quốc tế ở Lausanne (Thụy Sĩ) năm 1888, người ta đã thống nhất
áp dụng một nguyên tắc thụ đắc mới. Đó là nguyên tắc "chiếm hữu thật
sự".
Điều 3, Điều 34
và Điều 35 của Định ước Berlin ký ngày 26/6/1885 đã xác định nội dung của
nguyên tắc chiếm hữu thật sự và các điều kiện chủ yếu để có việc chiếm hữu
thật sự như sau:
- "Phải có
thông báo về việc chiếm hữu cho các quốc gia ký Định ước nói trên";
- "Phải
duy trì trên vùng lãnh thổ mà nước đã thực hiện hành vi chiếm hữu trên vùng
lãnh thổ ấy một quyền lực đủ để khiến cho các quyền của nước chiếm hữu được
tôn trọng... ".
Tuyên bố của
Viện Pháp luật quốc tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh: "...mọi sự
chiếm hữu muốn tạo nên danh nghĩa chủ quyền... thì phải là thật sự, tức là
thực tế, không phải là danh nghĩa".
Chính Tuyên bố
này đã khiến cho nguyên tắc chiếm hữu thực sự của Định ước Berlin có giá trị
phổ biến trong luật pháp quốc tế để xem xét giải quyết các tranh chấp chủ
quyền lãnh thổ giữa các quốc gia trên thế giới.
Nội dung chủ
yếu của nguyên tắc chiếm hữu thật sự trong luật pháp quốc tế bao gồm:
1. Việc xác lập
chủ quyền lãnh thổ phải do nhà nước tiến hành;
2. Sự chiếm hữu
phải được tiến hành một cách hòa bình trên một vùng lãnh thổ vô chủ (res
nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ bởi một quốc gia đã làm
chủ nó trước đó (derelicto). Việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động
phi pháp;
3. Quốc gia
chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ cần thiết, tối
thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó;
4. Việc thực
thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.
Do tính hợp lý
và chặt chẽ của nguyên tắc này nên mặc dù Công ước Saint Germain ngày
10/8/1919 đã hủy bỏ Định ước Berlin 1885 vì lý do thế giới không còn lãnh thổ
vô chủ nữa, các luật gia và các cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên
tắc này để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo.
Chẳng hạn, Tòa
Trọng tài Thường trực vào tháng 04/1928 đã vận dụng nguyên tắc này để xử vụ
tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan hay phán quyết của Tòa án Quốc tế vì
Công lý (ICJ) của Liên Hợp Quốc tháng 11/1953 đối với vụ tranh chấp chủ quyền
giữa Anh và Pháp về các đảo Minquiers và Ecrchous...
Gần đây hơn,
ICJ đã ra phán quyết Malaysia thắng trong vụ kiện với Indonesia vào tháng
12/2002 về chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan vì Tòa nhận thấy rằng,
Malaysia đã thực hiện một cách thường xuyên một loạt các hoạt động của nhà
nước.
Căn cứ vào
nguyên tắc pháp lý nói trên, đối chiếu với quá trình xác lập và thực thi chủ
quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do các bên tranh chấp nêu ra, chúng
ta chắc chắn sẽ có được những nhận xét khách quan và khoa học về quyền
"thụ đắc lãnh thổ " đối với hai quần đảo này.
Cái bẫy nguy hiểm mang tên "bằng chứng lịch sử" Trung
Quốc đang giăng ra, không cảnh giác chúng ta dễ mắc
Mỗi khi phía
Trung Quốc tung ra các tài liệu lịch sử, bằng chứng lịch sử như thư tịch, bản
đồ như cái gọi là "cuốn sách 600 tuổi về chủ quyền Trung Quốc với Hoàng
Sa, Trường Sa" mà truyền thông vừa nêu trong thời gian qua, xu hướng
chung của dư luận phản bác lại Trung Quốc mới chỉ dừng lại ở bản thân tài
liệu đó như nội dung, tính xác thực...mà quên mất một điểm tối quan trọng.
Đó là trước hết
phải xác định được bản chất tranh chấp, đối tượng tranh chấp và khung pháp
lý, hoặc nói nôm na là hệ quy chiếu giải quyết vấn đề tranh chấp đó trước,
sau đó mới đến bản thân các tài liệu.
Bản đồ, thư
tịch về chủ quyền lãnh thổ có rất nhiều, nhưng nó chỉ có giá trị trong đấu
tranh pháp lý khi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành cùng các quyết
định hành chính thể hiện ý chí nhà nước trong việc xác lập, tuyên bố và thực
thi chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế.
Không phải bản
đồ nào, thư tịch nào cũng có giá trị khẳng định chủ quyền của một nhà nước
đối với vùng lãnh thổ. Nếu chúng ta không xác định trước một "hệ quy
chiếu" pháp lý chuẩn mực về tranh chấp lãnh thổ, mà lập tức nhảy vào
phản bác, tranh cãi với Trung Quốc trên các "bằng chứng lịch sử" cụ
thể họ đưa ra, chúng ta sẽ mắc bẫy.
Bởi lẽ việc đầu
tiên là phải sàng lọc trong số những "bằng chứng" mà Trung Quốc đưa
ra, cái nào có giá trị pháp lý để chứng minh cho yêu sách của họ, cái nào phù
hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Việc thứ hai mới
là xem xét nội dung của các bằng chứng lịch sử là thư tịch, bản đồ.
Nhận xét, đánh
giá về những “bằng chứng” mà Trung Quốc đã và đang khai thác để bảo vệ
cho những yêu sách phi lý của họ, Bà Monique Chemillier Gendreau, giáo
sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot,
nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu
u kết luận:
"Người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở
Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác, nhưng điều đó không đủ làm cơ sở pháp lý
để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khám phá,
khai thác và quản lý hai quần đảo này”…
Nhận xét này
không phải chỉ từ các học giả quốc tế mà ngay cả những học giả Trung Quốc
cũng đã có những nhận xét chuẩn xác và khách quan trước tình hình Trung Quốc
đã và đang tìm mọi cách sưu tầm, viện dẫn nghiều sách, tài liệu địa lý, lịch
sử để chưng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý về quá trình xác lập và thực
thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với “Tây Sa” và “Nam
Sa”:
“Nhưng chứng cứ đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế
hiện đại…, chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực sự.
Anh nói chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa, người ở đó có phục
tùng sự quản lý của anh không, có phải người khác không có ý kiến gì không?
Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là
điều chắc. Ở Nam Sa, chúng ta không có được điều đó.” Giáo sư Lý
Lệnh Hoa, Nghiên cứu viên Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc, người
viết nhiều bài phê phán những quan điểm sai trái của Trung Quốc về vấn đề
Biển Đông, đăng trên mạng xã hội Weibo và diễn đàn mạng Sina.
Chính trong quá
trình đàm phán hoạch định biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với
Trung Quốc, chúng ta đã tiến hành theo nguyên tắc, trình tự này nên tránh
được không ít rắc rối do "mê hồn trận" bằng chứng lịch sử mà Trung
Quốc giăng ra.
Ngoài ra còn
chưa kể đến những tài liệu lịch sử, ngoại giao không có giá trị pháp lý vẫn
đang được Trung Quốc sử dụng để tuyên truyền gây bất lợi cho ta, như tài liệu
Trung Quốc nộp lên Liên Hợp Quốc năm 2009.
Nếu cứ lập luận
dựa vào "bằng chứng lịch sử" mà thiếu một hệ quy chiếu pháp lý quốc
tế như cách Trung Quốc đang làm hiện nay, Việt Nam chúng ta có thể căn cứ vào
Đại Việt sử ký toàn thư cũng có thể đòi chủ quyền lãnh thổ đến tận phía Nam
sông Dương Tử! Như vậy thế giới này loạn mất.
Tóm lại, trước
các thủ đoạn tuyên truyền dựa vào tài liệu lịch sử, địa lý, khảo
cổ mà Trung Quốc đưa ra về Biển Đông, chúng ta cần tiếp cận một cách
thận trọng, nghiên cứu và phản biện trên tinh thần luật pháp quốc tế mà theo
tôi gồm có 3 bước:
Một là xác định
vấn đề và khoanh vùng phạm vi tranh chấp, đối tượng tranh chấp, thời gian nảy
sinh tranh chấp: Nếu là tài liệu về đường lưỡi bò, hoặc đòi "chủ quyền
đối với toàn bộ Biển Đông" thì việc đầu tiên là phải xác định, đây là
vấn đề giải thích, áp dụng UNCLOS 1983 về các vùng biển chứ không phải tranh
chấp chủ quyền / lãnh thổ như đối với các thực thể ở Hoàng Sa hay Trường Sa.
Hai là xác định
hệ quy chiếu pháp lý, căn cứ pháp lý quốc tế để xác định tài liệu đó,
"bằng chứng lịch sử" đó có giá trị đàm phán hoặc tranh tụng trước tòa
hay không.
Thông thường
những thư tịch không mang tính nhà nước, tác phẩm văn học, gia phả, ghi chép
cá nhân, sử sách thuần túy chỉ mang tính chất tham khảo nghiên cứu. Những thư
tịch mang tính chất văn bản nhà nước thể hiện ý chí nhà nước trong việc xác
lập, tuyên bố và thực thi chủ quyền mới có giá trị đấu tranh.
Giống như khi
đàm phán phân định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì Công
ước Pháp - Thanh 1887 và Công ước Pháp - Thanh 1895 làm căn cứ hoạch định đàm
phán, thì mọi bằng chứng lịch sử chỉ có giá trị khi nó phù hợp với nội dung
Công ước này. Ngoài ra các tài liệu khác không có giá trị pháp lý mà chỉ để
tham khảo.
Bước thứ 3 mới
bắt đầu đi vào xem xét các bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý theo nguyên
tắc pháp lý các bên đã thỏa thuận, theo luật pháp và thông lệ quốc tế để tìm
hiểu chúng có giá trị đến đâu.
Như vậy, trong
đấu tranh với Trung Quốc để tránh bị mắc lừa, chúng ta phải tự vũ trang cho
mình khả năng và hiểu biết về luật pháp, thông lệ quốc tế trước, sau đó mới
triển khai các vấn đề tiếp theo về tài liệu, bằng chứng.
Nếu không,
chúng ta bỏ cả đống tiền tìm mua bản đồ, tài liệu về trưng bày, triển
lãm...rồi cuối cùng “tiền mất, tật mang”, thậm chí là đã vô tình
“ủng hộ” cho quan điểm “chủ quyền lịch sử” mà hiện nay đang bị
những thế lực theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi lợi dụng
để phục vụ cho tham vọng chính trị của họ…
(Theo Giáo dục
VN) Ts Trần Công Trục
|
Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét