HÀNH TRÌNH TRUY
TÌM NGUYÊN NHÂN CÁ
CHẾT HÀNG LOẠT Ở MIỀN TRUNG
Cập nhật lúc 14:49
Giữa lúc việc
tìm nguyên nhân cá chết gặp nhiều khó khăn do các mẫu phân tích không thấy
bất thường thì vệt nước đỏ xuất hiện ở Quảng Bình ngày 4/5 mà nhiều người
nghĩ là thủy triều đỏ hoặc phù sa lại chính là manh mối quan trọng, mở ra
bước ngoặt quan trọng trong quá trình tìm nguyên nhân cá chết.
Hệ thống xả thải của Formosa (ảnh lớn); Người dân vùng biển Hà
Tĩnh đau lòng vì cá chết (ảnh chụp ngày 26/4). Ảnh: Minh Thùy.
Gian nan
Theo TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng
Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học
tìm nguyên nhân cá chết, ban đầu hàng loạt các giả thiết về nguyên nhân được
đặt ra như sự cố tràn dầu, động đất, dịch bệnh. Khi các giả thiết này dần
được loại trừ thì việc tìm kiếm nguyên nhân cá chết rất khó khăn.
Giả thiết được Bộ Tài nguyên và Môi
trường đưa ra tại cuộc họp ngày 27/4 cho rằng, có thể do thủy triều đỏ. Tuy
nhiên, kết quả phân tích cho thấy, không phát hiện dấu hiệu tảo nở hoa trên
diện rộng dù một số thời điểm bùng phát cục bộ về số lượng vi tảo xảy ra. Các
nhà khoa học kết luận, tảo nở hoa được ghi nhận tại một số thời điểm trong
phạm vi hẹp có thể gây cá chết nhưng không phải là nguyên nhân gây cá chết
hàng loạt.
Như vậy chỉ còn giả thiết cá chết do
nhiễm độc. Tuy nhiên, theo kết quả phân tích các mẫu nước biển và trầm tích
thu được ở 4 tỉnh miền Trung từ ngày 19/4/2016 đến ngày 29/4/2016, các thông
số cơ bản, hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng phenol và xyanua đều nằm trong
giới hạn cho phép, chỉ duy hàm lượng sắt tổng số trong mẫu trầm tích có xu
hướng cao hơn các năm trước đây và trong mẫu trầm tích lấy bằng phương pháp
lặn biển phát hiện thấy phenol với hàm lượng từ 0,2 đến 3,8 mg/kg. Ngoài ra,
trong mẫu cá phân tích, hàm lượng kim loại nặng và asen đều thấp hơn tiêu
chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
Đúng vào thời điểm khó khăn đó, theo TS
Lợi, kết quả phân tích độc tố (phenol, xyanua) tại Viện Hàn lâm Khoa học và
Công nghệ Việt Nam, Bộ Y tế và Đại học Sydney, Úc chỉ ra, trong nhiều mẫu cá
chết thu được có hàm lượng độc tố cao. Các nhà khoa học nhận định, phải có
một nguồn phát tán có hàm lượng phenol, xyanua đủ cao để gây chết cá.
Thời điểm đó, một vệt nước màu đỏ dài
1,5km, rộng 10m xuất hiện ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình xuất
hiện ngày 4/5 và vệt nước màu đỏ sẫm xuất hiện tại khu vực cảng Sơn Dương, Hà
Tĩnh ngày 12/5/2016 đã dần hé lộ kịch bản cá chết.
Ngư dân Hà Tĩnh trở lại bám biển đánh bắt hải sản.
Cá đã chết như thế nào
Các nhà khoa học đã thử độc tính của
mẫu nước lấy từ hai nơi nói trên. Cá cũng được thả vào lọ chứa các mẫu nước
này. Kết quả cho thấy, 80-100% cá chết trong thời gian từ 3-30 phút. Mẫu nước
cũng cho kết quả hàm lượng sắt trong cặn lơ lửng cao và có chứa phenol. Màu
nước ở các vệt nước bất thường này không phải là màu của tảo nở hoa hay màu
của phù sa tự nhiên mà là dạng keo sắt hấp thụ các độc tố như phenol, xyanua,
là sản phẩm do hoạt động xả thải của con người gây ra.
Phân tích màng dịch nhầy bao bọc thân
cá trên rạn san hô thu được ở Thừa Thiên Huế ngày 24/4/2016 cũng thu được hàm
lượng sắt cao và có chứa phenol. Như vậy kịch bản cá chết đã sáng tỏ. Các nhà
khoa học khi ấy đưa ra kết luận, độc tố hóa học, cụ thể là phenol, xyanua
cùng với sự đóng góp của hợp chất chứa sắt là nguyên nhân chính gây ra sự cố
hải sản chết hàng loạt. Bản thân phenol và xyanua dạng tự do tan tốt và
sẽ bị nước biển pha loãng nhanh, khó có thể gây hiện tượng cá chết tức thời
trên diện rộng. Tuy nhiên, phenol, xyanua đã kết hợp phức sắt ở dạng keo
(Mixel) xả ra môi trường biển. Nguồn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Phức sắt dạng keo sẽ hấp phụ phenol,
xyanua và các độc chất khác. Các độc chất này được làm giàu tới hàm lượng có
thể gây độc cấp tính để hình thành cái gọi là “ổ độc di động”. Trên đường đi
theo chiều của dòng hải lưu từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế, “ổ độc di động” sẽ
làm chết cá do lớp màng nhầy của keo sắt làm tắc mang hoặc do tác động gây
độc cấp tính của phenol, xyanua. Ngoài ra, cá chết có thể do thiếu hụt ô-xy
bởi sự chuyển hóa từ dạng sắt hóa trị 2 lên sắt hóa trị 3.
Trong quá trình di chuyển, phenol và
xyanua sẽ được giải phóng dần và dạng keo này có thể bị lắng xuống đáy. Khi
bị tác động của thủy triều và sóng, tại một số địa điểm, dạng keo này bị đẩy
lên mặt nước tạo thành các vệt màu bất thường. Đó chính là vệt màu đỏ xuất đỏ
dài 1,5km, rộng 10m ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình và vệt nước
màu đỏ sẫm xuất hiện tại khu vực cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh ngày 12/5/2016.
Ngày
01/6/2016, Hội đồng khoa học đã có báo cáo gửi Bộ KH&CN kết luận về
nguyên nhân cá chết, đồng thời chuyển cho GS Yasuki Maeda (Trường Đại học
tổng hợp Osaka, Nhật Bản), chuyên gia trong lĩnh vực môi trường để nhận xét
phản biện. Ngày 04/6/2016, GS Yasuki Maeda gửi bản nhận xét và đánh giá cao
về tính khoa học của báo cáo cũng như kết luận trong báo cáo. Nhờ đó, Việt
Nam có cơ sở khoa học định hướng tìm thủ phạm gây ra sự cố môi trường này.
(Theo Tiền phong) Nguyễn Hoài
|
Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét