Công lý cho biển cả và
sự thức tỉnh chưa muộn màng
Cập nhật lúc 07:48
Đôi khi, trong rủi ro gặp phải một thảm họa,
chúng ta có động lực và cơ sở để ngăn ngừa những thảm họa khác.
Sáu tiếng trước
khi dự kiến diễn ra cuộc họp báo của Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết,
Tập đoàn Formosa đã chính thức “ngả bài”.
Chủ tịch HĐQT
công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh Trần Nguyên Thành đã gửi thư
tới toàn thể cán bộ nhân viên trong công ty, thừa nhận việc xả thải của
Formosa là nguyên nhân gây ra cá chết ở miền Trung.
Theo bức thư
này, lãnh đạo Formosa cho biết công ty trong giai đoạn vận hành thử và do
những sai sót của các nhà thầu phụ đã gây ra cá chết. "Mặc dù đây là một
kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra
của Chính phủ", thư viết.
Công lý cho
biển cả
Biển miền Trung
đã “chết” gần ba tháng qua kể từ thảm họa cá chết, được chính thức phát hiện
từ đầu tháng 4/2016. Khi những người dân nghèo không thể ra biển vì cá đánh
bắt về không thể tiêu thụ, quy mô của thảm họa không còn riêng là chuyện của
một tỉnh hay một dự án cụ thể nữa.
Tại cuộc họp
Chính phủ hôm nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho
rằng sự viêc gây thiệt hại lớn về kinh tế xã hội. Trước tình hình đó, Việt
Nam đã huy động 100 chuyên gia từ 30 cơ quan trong và ngoài nước xác định
nguồn thải lớn từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) theo dòng hải lưu chảy đi là nguyên nhân
làm hải sản chết hàng loạt nhất là ở tầng đáy.
Đoàn kiểm tra
liên ngành với sự tham gia của các ngành đã phát hiện Công ty Hưng nghiệp
Formosa có hành vi vi phạm, dẫn đến nước thải từ công ty thải ra biển vượt
qua mức cho phép nhiều lần.
“Các bộ ngành,
cơ quan chức năng, kết luận Formosa vi phạm thi công vận hành thử nghiệm và
đây là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng”, ông Hà khẳng
định.
Gần ba tháng
qua là khoảng thời gian mà Chính phủ mới của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
đã phải chịu áp lực rất lớn. Khách quan mà đánh giá, Chính phủ đã có những
hành xử phù hợp, bình tĩnh điều tra, khẳng định chứng cứ để đi đến kết luận
cuối cùng hợp tình hợp lý, khiến các bên liên quan tâm phục khẩu phục.
Đó cũng chính
là cách ứng xử văn minh và hợp lý mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết “Từ
chuyện Formosa: Nhu cầu minh bạch và ứng xử văn minh”, đăng tải ngay trong
những ngày cao điểm của thảm họa cá chết.
Khi đó, chúng
tôi đã đề xuất rằng cần thiết lắp đặt trạm quan trắc độc lập, từ đó bắt
lỗi các sai phạm và xử phạt nghiêm minh theo quy định, đặc biệt trong vấn đề
môi trường. Và không chỉ môi trường, trong các vấn đề khác như thuế, điều
kiện lao động… Việt Nam cũng cần quyền đặt các trạm “quan trắc” khác miễn sao
đúng luật, để đảm bảo lợi ích quốc gia, dựa trên luật pháp và chứng cứ.
Giờ đây, khi đã
“nhân chứng vật chứng rành rành”, một án phạt môi trường là khả thi. Án phạt
không chỉ khiến Formosa từ nay phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy
chuẩn về môi trường, mà còn ngăn chặn những Formosa khác, những thảm họa môi
trường khác.
Thức tỉnh
Chưa bao giờ,
áp lực về sự tường minh trong quản trị quốc gia lại lớn lao như hiện tại.
Việt Nam giờ đây đã là một nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng với thế giới,
nơi mọi hành vi ứng xử đều chịu một áp lực giám sát mềm từ thế giới văn minh.
Áp lực tường
minh khiến cho, việc lựa chọn một nhà đầu tư, một dự án cụ thể cũng cần được
đặt dưới sự giám sát của cộng đồng. Giờ đây, các quyết định đầu tư/chấp thuận
đầu tư cần được quyết định dựa trên những tính toán tổng thể về chi phí – lợi
ích, thay vì những quyết định nặng về ý chí chủ quan của các nhà chính trị.
Khát vọng về
những tổ hợp công nghiệp hoành tráng là đáng quý, nhưng khát vọng về sự phát
triển bền vững, về một môi trường sống trong lành, an toàn còn quan trọng hơn
nhiều. Và không có một cơ chế giám sát hiệu quả, những lựa chọn tồi sẽ vẫn
lại xuất hiện.
Như chúng tôi
từng đề cập, đã đến lúc Nhà nước, thay vì ôm đồm đủ thứ việc mà không hiệu
quả, cần “nhường” bớt công việc của mình cho các lực lượng xã hội khác. Những
“hợp đồng” mà Nhà nước ký kết với các đối tác của mình, cho dù là kinh tế,
chính trị hay văn hóa, cần được đặt trước con mắt quan sát, đánh giá rộng rãi
của công luận.
Trong vấn đề
môi trường, Nhà nước phải tạo ra sân chơi để những tổ chức giả dụ như “Nghiệp
đoàn Nghề cá Vũng Áng”, “Hội Chăn nuôi lồng bè Kỳ Anh”, “Hiệp hội Bảo vệ môi
trường biển Đèo Ngang”... chẳng hạn được có cơ hội và sức mạnh để tranh đấu
thay cho Nhà nước. Chính những thiết chế này - nếu được thiết lập - sẽ cùng
Nhà nước giám sát các vấn đề về môi trường. Và không chỉ là môi trường, trong
rất nhiều vấn đề, lĩnh vực khác, chúng ta cũng cần tiếng nói từ những thiết
chế như vậy.
Nhà nước pháp
quyền chỉ có thể mạnh lên, khi các tổ chức xã hội cũng mạnh lên tương ứng,
vừa là đối tác, vừa là đối trọng, để các vấn đề như Formosa không còn là của
riêng ai nữa.
Chúng tôi đánh
giá rằng, vụ việc ở Formosa là một sự thức tỉnh cho các cấp lãnh đạo trong
việc ra các quyết định quan trọng liên quan đến lợi ích quốc gia. Tham vấn
đầy đủ, chịu sự giám sát sâu rộng và có trách nhiệm giải trình cao là những
yêu cầu được đặt ra cho toàn hệ thống, để đảm bảo cạnh tranh thắng lợi trong
bối cảnh mới.
Đây cũng là dịp
để định vị lại toàn bộ chiến lược phát triển và thu hút đầu tư, theo đó kiên
quyết nói không với những ngành công nghiệp gây ô nhiễm, tiêu tốn năng lượng,
thâm dụng sức lao động… là những ngành mà các quốc gia khác đang dần tránh ra.
Đôi khi, trong
rủi ro gặp phải một thảm họa, chúng ta có động lực và cơ sở để ngăn ngừa
những thảm họa khác. Theo ý nghĩa tích cực đó, vụ việc tại Formosa lần này là
một phép thử xứng đáng cho việc liệu Việt Nam đã sẵn sàng cho một giai đoạn
phát triển mới với những lựa chọn mới hay chưa.
(Theo Vietnamfinance) Nghệ Nhân
|
Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét