Chuyện Người - chuyện Ruồi
Cập nhật lúc
15:10
Muốn thương
người thì trước hết phải thương mình. Nhân đạo với kẻ bất nhân là
có tội với người lương thiện. Người xưa dạy thế!.
Ruồi có quan hệ khăng
khít với Người hơn bất kỳ sinh vật nào khác, nơi nào có Người sinh
sống, ắt có Ruồi kèm theo trong khi chó, mèo, ngựa hay các loài
thú cưng chỉ là hãn hữu.
Ruồi phổ biến đến
nỗi còn được gán cho một vài đặc điểm liên quan đến Người như nốt
ruồi, cười ruồi, liên quan đến quân sự như “chiến thuật ruồi bâu”
hoặc dự đoán tương lai, số phận con người…
Trong nhân diện học, vị
trí của nốt ruồi được coi là “tàng giả vi thượng đẳng” nghĩa là nốt
ruồi càng ở chỗ kín càng quý.
Nốt ruồi đối với phụ
nữ càng được quan tâm đặc biệt, chính vì thế mà có nốt ruồi
“vượng phu ích tử” (tốt cho chồng con) hay “thương phu trích lệ”
(khóc thương chồng).
Kho tàng ca dao cổ có
khổ thơ tứ tuyệt về vấn đề này:
“Nốt ruồi ở cổ
Có lỗ tiền chôn Nốt ruồi ở… đâu Đẻ con tiến sĩ”
Khi đọc bốn câu thơ
này, bạn thay từ “đâu” bằng gì thì tùy nhưng nhớ nguyên tắc “tàng
giả vi thượng đẳng”.
Nghe nói có nơi người
ta đang thực hiện chiến dịch “đả hổ, đập ruồi” nhằm làm trong sạch
đội ngũ, trong sạch bầu không khí chính trị, người khen cũng nhiều,
kẻ chê cũng lắm.
Có người cảnh báo,
rằng Hổ và Ruồi khác nhau một trời một vực.
Hổ là một trong những
động vật có vú đẹp nhất mà Trời đã tạo ra trên trái đất, từ màu
sắc đến hình dáng, từ sức mạnh cơ bắp đến giá trị kinh tế Hổ đều
hơn hẳn các loài khác.
Hổ dẫu có chết thì
tấm da của nó trưng trong phòng khách cũng cho thấy đẳng cấp cao
vời vợi của chủ nhân, thế nên dù Hổ có làm gì chăng nữa thì cũng
không nên “đả”, không được phép “đả”, cùng lắm là cho Hổ nghỉ ngơi,
mua vui cho người đời trong vườn thú hoặc rạp xiếc.
Chẳng biết vì thấu
hiểu “chân lý” này hay lại cực chẳng đã mà người ta buộc phải nói
“đả Hổ”, chẳng ai dám mạnh mồm nói “diệt Hổ”?
Còn chuyện “đập ruồi”
phải tinh ý một chút mới thấy hết sự “uyên thâm” của người đề
xướng.
Người ta thừa biết
“diệt Ruồi” là chuyện bất khả thi cả về phương diện khoa học
tự nhiên lẫn khoa học xã hội nên chỉ đề xuất là “đập ruồi”, đập
xong chúng có chết hay không không cần biết.
Về khoa học tự nhiên,
số lượng Ruồi đông vô kể, phân tán khắp mọi nơi, tốc độ bay khá
nhanh, khả năng thích ứng với môi trường bẩn vào hàng siêu đẳng nên
tiêu diệt ruồi là điều không tưởng.
Nhận định “không thể
diệt hết ruồi” chắc không mấy người phản đối, tuy nhiên, ngay cả
chuyện “đập ruồi” cũng khối ý kiến tranh luận.
Có người cho rằng
“đập ruồi” là hành động “hơi” thiếu khôn ngoan vì đập mạnh chưa
chắc Ruồi đã chết nhưng cái chỗ Ruồi đậu chắc chắn sẽ bị bét ra,
văng vào người đập và những ai đứng gần; làm sạch môi trường đâu
chưa thấy, bẩn quần áo, bẩn đồ đạc... thì nhỡn tiền.
Nếu cái chỗ Ruồi đậu không phải đang
bốc mùi mà lại là những mâm sơn hào hải vị mà vung tay đập thì
chắc chắn là phí phạm của giời, mà đã phí “của giời” thì phải
nhớ “không vội được
đâu”?
Phe ủng hộ Ruồi dẫn
kết luận của các nhà khoa học khi nghiên cứu tế bào thần kinh của
Ruồi Giấm, rằng đây là một sự kỳ diệu của tự nhiên.
Kết quả nghiên cứu
Ruồi Giấm đã được áp dụng thành công vào thiết kế mạng máy tính,
nền tảng của Internet hiện đại, không những thế Ruồi còn phân hủy
“chất thải” giúp cân bằng sinh thái nên cần phải được bảo vệ tránh
nguy cơ Ruồi bị… tuyệt chủng?
Cũng có nhiều ý kiến
phản bác, rằng Ruồi không chỉ sà vào những chỗ đã bốc mùi mà
còn sà vào cả những chỗ thơm tho, béo bổ, chúng là mầm mống gây
các bệnh dịch tràn lan khắp thế giới nên cần tiêu diệt tận gốc.
Phe này còn cho rằng
Ruồi nguy hiểm hơn “Sâu” rất nhiều, vì Ruồi biết “đẻ” còn Sâu thì
không?
Chuyện Ruồi đương nhiên
là liên quan đến Người, không biết các dân tộc khác thế nào chứ
người Việt mình có một kiểu cười gọi là “cười ruồi”.
Giới am hiểu bảo
“cười ruồi” cũng giống “cười nhạt” nghĩa là chỉ nhếch mép, tỏ
thái độ khinh khỉnh.
Thời nào cũng thế,
chỉ người có địa vị, sức mạnh, tiềm năng mới dám “cười ruồi”
trước người khác chứ kẻ khó chẳng bao giờ dám “cười ruồi”.
Kẻ khó cùng lắm về
nhà bắt nạt vợ con, kiểu như các cụ nhà ta bảo “ra đường võng giá
nghênh ngang; Về nhà hỏi vợ: cám rang đâu mày”?
Nói thì nói thế chứ
muốn đi đến tận “tổ chấy” của “cười ruồi” chắc là tốn khá nhiều
cơm gạo.
Đã “cười ruồi” thì đương nhiên phải
có chút gì đó giống Ruồi, chẳng hạn những chỗ thơm ngon, béo bổ
thì cả đàn bu vào như chỗ bán đấu giá của công, những hợp đồng BOT,
những chiều hoàng hôn vung bút ký, những ghế ngồi phòng lạnh một
năm đút túi tiền tỷ
lương thưởng…
Vừa qua cánh báo chí
phát hiện một “siêu địa chỉ” vì ở đây có mấy chục đại học, cao
đẳng, hơn chục tập đoàn, tổng công ty, lại còn nhiều chục viện to, cục
bé,…
Những chỗ “thơm” như thế thảo nào lại
chẳng lắm Ruồi, bằng chứng là hai nhân vật nổi cộm được báo chí
chỉ đích danh thì một là con trai, một là “thuộc cấp” của vị “Thượng công bộc”
mới hạ cánh và “có lẽ là an toàn”!
Đương nhiên đã là Ruồi
thì chẳng quản thơm hay không thơm, thế nên người ta mới bảo lũ Ruồi
bu vào chỗ “không thơm” là lũ Ruồi ngu, là lũ Ruồi không biết “cười
ruồi”.
Không biết “cười ruồi”
nên dễ bị ném đá, dễ bị đuổi việc như mấy Ruồi bu vào chiếc xe
cứu thương ở bệnh viện nọ.
Có người còn “táo tợn” nêu nghi vấn,
rằng bu vào xe cứu thương không chỉ có “Ruồi làm thuê” mà còn cả “Ruồi Phó, Ruồi
Tiến”, chẳng biết chuyện này thực hư thế nào?
Những chỗ khô khốc
chẳng mùi mẽ gì như nhà máy bột giấy bỏ hoang trị giá 3.000 tỷ ở
Long An ngày nay đốt đuốc tìm liệu có thấy “Ruồi” nào sà xuống?
Sau vụ sự có môi trường biển, mấy hôm
nay, cái vụ rác thải rắn vừa độc hại, vừa bốc mùi khó chịu từ doanh
nghiệp Formosa Hà Tĩnh bung ra mới thấy thương cho đất,
rừng, sông, suối trong nớ.
Chưa biết lũ Ruồi bu
vào các đám rác thải ấy sẽ bị “đập” như thế nào, đập chết hay
là đập cho bay tán loạn để bà con “quê choa” khỏi choáng khi phải
nhìn thấy rất nhiều chủng loại ruồi?
Tháng 3/2015 Thanh tra Chính phủ đã
kết luận: “dự án đầu tư và xây dựng Nhà máy liên hợp luyện gang thép và cảng nước sâu Sơn
Dương (dự án Formosa) do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp
Formosa Đài Loan làm chủ đầu tư, đã được Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng
(nay là Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) cấp phép đầu tư với thời hạn 70
năm khi chưa được Chính phủ đồng ý là vượt quá thẩm quyền, có dấu hiệu vi
phạm pháp luật”. [1]
Thế là có một cuộc
“phản pháo” ra trò, rằng “nội dung Thanh tra Chính phủ (TTCP) nêu thiếu
khách quan, chưa thỏa đáng và không đúng với tinh thần của phiên làm việc
trước đó giữa Tổng TTCP, lãnh đạo TTCP với lãnh đạo tỉnh”? [2]
Một ông nguyên lãnh
đạo tỉnh còn chứng minh rằng “sau khi xem xét báo cáo và giải trình của
tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tiếp tục giữ nguyên quy định
thời hạn là 70 năm trong giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho dự án”?
Một số vị đại biểu
của dân mấy hôm nay lên tiếng, rằng “Đây là một dự án được phê duyệt rất
nhanh, đánh giá tác động môi trường được phê duyệt rất nhanh; sau khi nhà đầu
tư được cấp phép thì được đáp ứng rất nhanh... Và cuối cùng là hậu quả xảy ra
cũng rất nhanh”.
Có vị còn nêu câu hỏi
“việc cấp phép 70 năm ở địa bàn nhạy cảm và quy mô lớn như vậy thì nên đặt
vấn đề là cần phải được phê duyệt, xét duyệt ở mức nào?
Có phải công trình trọng
điểm quốc gia không? Tới đây triển khai thế nào”? [3]
Các câu hỏi ấy đang được
Chính phủ và các bộ ngành liên quan tích cực tìm câu trả lời.
Nhưng cũng đừng quên lưu tâm rằng người ta
đã tự ý phá bỏ cam kết trước, tự ý thay đổi công nghệ, tự ý xả
thải… nếu chúng ta không điều chỉnh chẳng khác nào chấp nhận để
người ta “múa gậy vườn
hoang”?
Muốn thương người thì
trước hết phải thương mình, mình mà thoi thóp, ngắc ngoải thì lấy
đâu sức để mà thương người?
Đầu độc biển, đầu
độc rừng tức là đầu độc con người, tức là giết người không dao.
Nhân đạo với kẻ bất nhân là có tội với người lương thiện. Người
xưa dạy thế!
Tài liệu tham khảo: [1] http://thanhnien.vn/thoi-su/ha-tinh-cap-phep-dau-tu-70-nam-cho-formosa-khi-chua-duoc-chinh-phu-dong-y-544953.html [2] http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/ha-tinh-phan-phao-ket-luan-cua-thanh-tra-chinh-phu-828570.tpo [3] http://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/pho-chu-tich-quoc-hoi-vu-formosa-la-van-de-tiem-an-rat-lau-dai-529149.vov
(Theo
Giáo dục VN) Xuân
Dương
|
Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét