Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Đàm phán “đường lưỡi bò” là đầu hàng Trung Quốc

Cập nhật lúc 09:29   

Ngày 26-6, tờ Quảng Châu Daily dẫn tuyên bố của cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc - phát hiện mỏ băng cháy ở đáy sâu Biển Đông, gần lòng chảo Châu Giang, tức khu vực bồn địa cửa sông Châu Giang và nơi này có thể chứa 100-150 tỉ m3 khí thiên nhiên.

Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc phát triển nhiên liệu tinh khiết làm nguồn năng lượng mới. Nhưng khai thác nhiên liệu này vì mục đích thương mại gặp nhiều thách thức. Tháng 8-2014, Bắc Kinh từng thông báo về kế hoạch khai thác băng cháy ở Biển Đông vào năm 2017.
Theo Bộ Năng lượng Trung Quốc, nguồn năng lượng của metan ở dạng hydrate có thể vượt quá lượng năng lượng của tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch từng được biết đến. Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng cường thăm dò và nghiên cứu để thương mại hóa các nguồn năng lượng vào năm 2030. Theo tính toán của các nhà khoa học, khu vực Biển Đông đứng thứ 5 châu Á về băng cháy.
dam phan duong luoi bo la dau hang trung quoc 
Một tàu cá đánh bắt trái phép bị giới chức Indonesia đánh chìm
“Vạn lý Trường thành ở Biển Đông”
Ngày 27-6, Hội nghị Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) lần thứ 6 đã ra Tuyên bố Kathmandu, trong đó có đoạn: “Trong trường hợp cụ thể về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, hội nghị quan ngại sâu sắc về tình hình triển khai quân sự tại Biển Đông sẽ dẫn đến khả năng xảy ra xung đột quân sự trên biển, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh khu vực”.
Hội nghị cũng kêu gọi giới luật sư, luật gia Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức các cuộc họp, hội thảo để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông. Và các luật sư đến từ 20 nước Châu Á - Thái Bình Dương đã chỉ trích Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực khi đơn phương biến 7 bãi đá thành đảo nhân tạo một cách bất hợp pháp và xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự, quân sự trên đó.
Nhiều người đã bày tỏ sự bức xúc trước việc Trung Quốc ngang nhiên đẩy mạnh việc cải tạo đất, bồi đắp bãi đá ở quần đảo Trường Sa trong 2 năm qua, đã cải tạo hơn 2 triệu m2 đất trên đá Chữ Thập, hơn 3 triệu m2 đất trên đá Xu Bi…
Ngày 26-6, trang tin tức China Topix dẫn các nguồn tin không được nêu tên cho biết, “Vạn lý Trường thành ở Biển Đông” sẽ được ngụy trang là dự án khoa học “phát triển tài nguyên thiên nhiên”. “Vạn lý Trường thành ở Biển Đông” mà Trung Quốc đang âm mưu dựng lên bao gồm các cảm biến, thiết bị không người lái dưới nước, ngư lôi và trạm biển sâu dưới Biển Đông. Và đây là giai đoạn 3 trong âm mưu kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc. Giai đoạn 1 là xây dựng tiền đồn trên các đảo chiếm đóng, bồi đắp phi pháp và triển khai vũ khí tại đây. Giai đoạn 2 là thiết lập ADIZ ở Biển Đông.
Giới bình luận cho rằng, phái diều hâu ở Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành “ao nhà” để Hải quân Trung Quốc có thể tự tung tự tác và quan điểm này được các tập đoàn năng lượng ủng hộ và hỗ trợ. Thậm chí phe diều hâu còn có ý định hất Philippines ra khỏi địa bàn đóng quân ở quần đảo Trường Sa và cổ súy cho một cuộc chiến tranh ngắn để buộc các nước nhỏ phải “quy thuận” Trung Quốc.
Tiếp tục khoe “cơ bắp”
Ngày 27-6, trang Ocean-Fortune cho biết, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã điều tàu ngầm, tàu khu trục tên lửa, tàu cứu hộ đi qua vùng biển của Indonesia, tới eo biển Malacca ra Ấn Độ Dương. Theo người phát ngôn viên Hải quân Indonesia, Đại tá Suji Tuo cho biết, ngày 24-6, tàu chiến, tàu tuần tra, máy bay giám sát của Indonesia đã ghi nhận việc các tàu Trung Quốc đi qua vùng biển gần Banda Aceh. Hải quân Indonesia đang theo dõi sát số tàu ngầm, tàu chiến kể trên của Trung Quốc đi qua Biển Đông để tới eo biển Malacca. Trong khi đó, giới truyền thông Indonesia cáo buộc đây là kiểu thị uy của Bắc Kinh sau vụ tàu cá Trung Quốc bị bắn cảnh báo và bắt giữ tại Indonesia.
Theo giới truyền thông, ngày 28-6, các nghị sĩ Indonesia đã phê chuẩn ngân sách quốc phòng cao hơn trong năm nay để nâng cấp quân đội (tăng lên 8,25 tỉ USD, tăng gần 10% so với ngân sách ban đầu), trong đó có việc tăng cường các cơ sở quân sự tại quần đảo Natuna, nơi Trung Quốc ngang ngược tuyên bố là “có chủ chủ quyền chồng lấn”. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết, khoản tiền được bổ sung sẽ dùng để nâng cấp căn cứ không quân và xây dựng một cảng mới tại quần đảo Natuna để tăng thêm số tàu chiến và máy bay chiến đấu đồn trú tại đây. Việc này diễn ra sau khi Tổng thống Joko Widodo tới thăm quần đảo Natuna để khẳng định chủ quyền và đây là thông điệp mạnh mẽ nhất gửi tới Trung Quốc.
Ngày 28-6, tờ Jakarta Globe dẫn lời Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, ngoại giao và thông tin Hạ viện Indonesia Hanafi Rais cho biết, ủy ban này đã đạt được thỏa thuận về đề xuất xây dựng một căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna. Ông Hanafi Rais cũng thúc giục Jakarta phối hợp tích cực với các nước láng giềng Đông Nam Á để ngăn chặn sự đe dọa và hành động quân sự hóa ở Biển Đông. Theo Tướng Gatot Nurmantyo, Chỉ huy lực lượng vũ trang Indonesia, căn cứ mới sẽ được xây dựng vào cuối năm nay. Hải quân Indonesia đã tăng cường tuần tra xung quanh quần đảo Natuna sau một loạt va chạm giữa tàu Hải quân Indonesia với tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép. Cùng ngày 28-6, tờ The Australian dẫn lời Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải Indonesia Susi Pudjiastuti, cảnh báo tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này sẽ phải trả giá và bị đối xử như những tàu cá nước ngoài khác. Indonesia cũng đang tăng cường khả năng quân sự để ứng phó với những diễn biến đáng quan ngại trong khu vực.
Cũng trong ngày 28-6, tờ Đông Phương đưa tin, trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông, các chiến hạm “át chủ bài” của ba hạm đội Hải quân Trung Quốc đã tập trung về đại bản doanh Hạm đội Nam Hải ở đảo Hải Nam. Ngoài ra, nhiều máy bay quân sự của ba hạm đội kể trên cũng tập trung về khu vực Biển Đông tập trận “không chiến tự do”. Và nếu PCA ra phán quyết bất lợi đối với Bắc Kinh, quân đội Trung Quốc có thể tập trận quy mô lớn ở Biển Đông để “thị uy”. Có tin nói rằng, Trung Quốc chuẩn bị đưa vào biên chế các tàu khu trục mới nhất lớp 052D.
“Giờ G” sắp điểm
Theo tờ The Manila Times, ngày 7-7 sẽ là “ngày N” đối với vụ kiện của Philippines về “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc. Nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ và một số học giả, chuyên gia như bà Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải của CSIS Gregory Poling, luật sư Paul Reichler, người đứng đầu nhóm luật sư đại diện cho Philippines trong vụ kiện kể trên đều nghi ngờ về thời điểm PCA sẽ ra phán quyết là ngày 7-7. Và PCA vừa cho biết, họ sẽ gửi phán quyết bằng tiếng Anh, Pháp và Trung Quốc cho các bên hữu quan qua email trong ngày 12-7.
Trước đó, khi bình luận trên tờ The Diplomat hôm 24-6, Giáo sư David Welch, chuyên gia về các vấn đề quốc tế của Trường Balsillie, Đại học Waterloo cho rằng, đàm phán về “đường lưỡi bò” là đầu hàng Trung Quốc. Và Giáo sư David Welch không ngạc nhiên trước việc Bắc Kinh sẽ chống lại phán quyết của PCA. Đồng thời đặt câu hỏi, nếu Trung Quốc khăng khăng đòi các bên thừa nhận cái gọi là “chủ quyền không tranh cãi ở Biển Đông” thì còn gì để đàm phán? Và cho rằng, Trung Quốc muốn đàm phán song phương để “bẻ từng chiếc đũa”, bắt các nước nhỏ phải phục tùng.
Ngày 29-6, tờ The Cambodia Daily cho biết, tại Lễ kỷ niệm 65 năm Thành lập đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP) hôm 28-6, Thủ tướng Hun Sen đã cảnh báo về những hậu quả tiềm năng tai hại của sự can thiệp từ bên ngoài vào các tranh chấp ở Biển Đông. “Lợi ích kinh tế xác định chính sách đối ngoại của Campuchia. Phnom Penh sẽ không hành động chống lại cái gọi là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”, ông Hun Sen nhấn mạnh. Đồng thời bày tỏ sự bức xúc trước thông tin “Campuchia bị cáo buộc làm tay sai cho Trung Quốc phá hoại ASEAN trong vấn đề Biển Đông” và khẳng định Phnom Penh không ủng hộ, thậm chí chống lại bất kỳ tuyên bố nào của ASEAN ủng hộ phán quyết của PCA liên quan đến tranh chấp Biển Đông.
Ngoài ra, ông Hun Sen còn cảnh báo, nếu các nước trong khu vực và bên ngoài tiếp tục gây sức ép với các nước không có yêu sách ở Biển Đông như Campuchia để xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc, ASEAN sẽ tan rã! Đây là lần thứ ba trong vòng hơn một tuần qua ông Hun Sen đưa ra tuyên bố tương tự. Ngày 29-6, tờ Khmer Times dẫn lời học giả Chheang Vannarith, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia cho rằng, chính sách đối ngoại của Campuchia hầu như luôn được thúc đẩy bởi tiền bạc.
Trong khi Bắc Kinh cấm hoạt động đánh bắt các loại trai khổng lồ có nguy cơ tuyệt chủng từ năm ngoái, nhưng trước nhu cầu mua sắm đồ trang sức làm từ vỏ loài trai khổng lồ sinh sống ở Biển Đông ngày một tăng, tàu cá Trung Quốc vẫn ngày ngày hủy hoại hệ sinh thái tại vùng biển này vì lợi ích kinh tế. Và để khai thác loài trai này, toàn bộ rạn san hô đã bị đào bới bởi giá của những con trai khổng lồ đã tăng 40 lần trong 5 năm qua.
Năng lượng Mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét