"Luật sư giàu nhờ chạy án"
Cập nhật lúc 07:31
Quan điểm của luật sư
Võ An Đôn cho rằng nhiều luật sư giàu lên nhanh chóng, mua nhà lầu nhiều nơi,
tậu xe hơi đắt tiền là chờ chạy án đã gây chú ý trong giới luật sư và tạo
phản ứng trái chiều.
Status trên mạng xã hội Facebook của luật sư Võ
An Đôn (Đoàn
luật sư tỉnh Phú Yên) đã khiến không chỉ giới luật sư mà nhiều người khác
cùng xôn xao tranh luận.
Không muốn làm giàu bất chính nhờ "chạy
án"
Theo chia sẻ của luật sư Đôn tối
3-10: "Nghề luật sư là nghề hái ra tiền ở Việt Nam hiện nay, mỗi tháng
một luật sư nhận trung bình từ 3-10 vụ án; nếu là luật sư chân chính thì
nhận vài triệu đồng mỗi vụ, còn luật sư chạy án thì nhận từ vài chục triệu
đến vài trăm triệu đồng mỗi vụ.
Nhiều luật sư chạy án giàu lên nhanh
chóng, họ mua nhà lầu ở nhiều nơi và tậu xe hơi đắt tiền".
Theo luật sư Đôn, ông chỉ chuyên bào
chữa cho người nghèo, bào chữa miễn phí và nhận tiền hỗ trợ từ Trung tâm trợ
giúp pháp lý nhà nước 1-2 triệu đồng/vụ, chỉ đủ đổ xăng, ăn sáng. Ngoài việc
làm luật sư, ông cuốc đất, trồng rau, nuôi bò cải thiện đời sống.
Vậy nên nhiều người nói với
ông rằng: “Làm luật sư ai cũng giàu sang phú quý, còn anh thì nghèo
hoài, hơi đâu mà lo chuyện xã hội để tự làm khổ thân. Sao anh không
chạy án làm giàu như những luật sư khác…”.
Theo luật sư Đôn: "Tôi cũng muốn có
nhà lầu, xe hơi nhưng làm giàu bằng cách chạy án bất chính, lấy tiền từ sự
đau khổ của người khác làm giàu cho bản thân và gia đình mình thì không nên.
Bản thân tôi không bao giờ thấy hạnh
phúc khi mình đi xe hơi tiền tỉ mà xung quanh mình còn rất nhiều người
dân nghèo lam lũ, làm cơ cực cả đời không đủ ăn".
Để thêm ấn tượng, luật sư Võ An
Đôn còn đăng ảnh mình đang vác cuốc như một công việc chính để sinh
nhai.
Chia sẻ của luật sư Đôn tính đến
chiều 5-10 đã nhận được hơn 18.000 like, hơn 2.500 bình luận và gần 1.670
lượt chia sẻ.
Luật sư lương thiện không đủ mưu sinh?
Nhiều người quan tâm ủng hộ quan điểm của
luật sư Đôn: "Cả một lực lượng hùng hậu
những người chân chính trên thế giới đang ở bên em, ủng hộ những suy nghĩ và việc làm của em... Làm giàu trên sự đau khổ, tàn tạ, kiệt quệ của người khác
sẽ gặp quả báo hoặc của thiên trả địa.
Nghèo nhưng cõi lòng thanh thản. Không
bị dằn vặt bởi những việc làm sai trái, vô lương tâm, đó cũng là hạnh phúc.
Và hạnh phúc hơn nữa là giúp đỡ được những người nghèo bị chèn ép, oan
ức...".
Bên cạnh đó, nhiều luật sư đồng
nghiệp lại tỏ ra gay gắt với chỉ trích của luật sư Đôn về thu nhập
khủng và sự giàu có của giới luật sư.
Luật sư Bùi Khắc Toàn bức xúc: Căn
cứ gì mà nói nghề luật sư ở VN hái ra tiền? Cứ thấy luật sư có nhà
lầu, xe hơi là người đó chạy án à? Chạy án là như thế nào?... Luật
sư mà nói vu vơ thiếu căn cứ làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của giới
luật sư. Thật vớ vẩn, chẳng ra sao cả.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho
rằng việc “phân loại” luật sư như Võ An Đôn là không ổn. Theo luật sư Cường,
lấy thu nhập làm tiêu chí đánh giá, phân loại luật sư "chân chính"
là sự ấu trĩ.
Luật sư chân chính thì phải nuôi sống
được vợ, con, gia đình, phải có tư duy tốt về kinh doanh để có thể làm lợi
cho khách hàng, làm giàu cho khách hàng và bản thân.
Có rất nhiều luật sư thu phí cao từ
những khách hàng giàu có (những người rất thích được trả thù lao cao cho luật
sư vì họ hiểu được vai trò của luật sư và nhận ra những giá trị mà luật
sư đã mang lại cho họ...), từ đó những luật sư này mới có thời gian, có
điều kiện để làm từ thiện, miễn phí cho người nghèo. Đó có phải là chân chính
hay không?
Theo luật sư Cường, luật sư chân
chính là luật sư tuân thủ pháp luật và thực hiện đúng quy tắc đạo đức và ứng
xử nghề nghiệp luật sư, đặc biệt là không bao giờ "nói dối" khách
hàng. Kết quả dịch vụ pháp lý phải làm lợi về vật chất hoặc/và tinh thần cho
khách hàng.
Nếu luật sư chỉ biết xúi khách hàng đối
đầu với chính quyền, xúi khách hàng khiếu kiện, gây bức xúc, mất ổn định xã
hội, gây đau thương, hận thù giữa các bên mới là luật sư vô đạo đức.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng
thì cho rằng luật sư Đôn có “cái nhìn suy diễn, chủ quan, hồ đồ”,
mong luật sư đồng nghiệp hãy dừng lại kịp lúc và nhanh chóng gỡ
status có nội dung này.
Nhiều luật sư khác cũng đề nghị luật sư
Đôn "đừng nên phê phán đồng nghiệp chỉ vì người ta hơn mình” hay
cho rằng động cơ luật sư Đôn viết status trên là do "ghen tị với sự giàu
có”.
Trong khi đó, hàng chục ngàn người
bày tỏ sự đồng tình thì cho rằng luật sư Võ Anh Đôn tuy quá khái quát
nhưng đã nói đúng một phần sự thật mà ai cũng nhìn thấy nhưng không dám nói.
Đó là niềm tin pháp lý mong manh, cơ hội
tiếp cận và được trợ giúp pháp lý của người dân khi vướng vào vòng tố tụng
quá đắt đỏ. Một số khác cho rằng nên chấp nhận sự thật và cần bỏ tiền ra để
giúp con mình khỏi phải tù tội bằng hình thức này hay hình thức khác.
Có thể thấy "cơn bão giận
dữ" nổi lên trong giới luật sư với các phản hồi gay gắt,
nói luật sư Võ An Đôn có động cơ xấu, ganh tị với đồng nghiệp nhưng ít
thấy ý kiến nào tranh luận thẳng thắn với các nội dung mà luật
sư Võ An Đôn đề cập như có vấn đề chạy án hay không?
Việc tiếp cận pháp lý khó khăn của người nghèo là có thật hay
luật sư Đôn cường điệu? Phải chăng luật sư hành nghề lương thiện
thì sẽ không đủ mưu sinh?
(Theo Tuổi trẻ)
HOÀNG LINH
|
Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét