Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

QUỐC HỘI KHÔNG THỂ HỢP THỨC HÓA TIÊU CỰC

Cập nhật lúc 10:11

Quốc hội là cơ quan ban hành các chính sách nhưng làm chính sách mà hợp thức hóa tiêu cực là không được.

Chiều 29-10, Quốc hội (QH) thảo luận tổ về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.
Trong đó, vấn đề xóa nợ thuế cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được các đại biểu (ĐB) QH làm nóng cuộc họp với những tranh luận thẳng thắn.
Kinh doanh thua lỗ, lương sếp vẫn cao
ĐB Trần Hoàng Ngân đồng tình với đề xuất xóa nợ thuế cho những DNNN đã được cổ phần hóa, bán vốn rồi không nên hồi tố. Tuy nhiên, đối với một số nhóm DNNN thì không nên xóa nợ thuế bởi điều này dẫn đến không bảo đảm cạnh tranh công bằng của DN, trái với quy định của Hiến pháp là tạo cạnh tranh không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế theo quy luật thị trường.
“Bộ Tài chính và Chính phủ cần làm rõ số tiền xóa nợ là xóa bao nhiêu và cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo DNNN, các ĐB mới đưa ra quyết định được” - ông Ngân nêu quan điểm.
 
Đại biểu Trần Du Lịch: Xóa nợ thuế là một việc nên làm để tạo điều kiện cho DNNN cổ phần hóa.
Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch cho rằng cần phải tách bạch chuyện xóa nợ thuế với xem xét trách nhiệm quản lý. Nếu phát hiện lãnh đạo DN sai sót thì xử lý theo quy định hiện hành, còn nếu lãnh đạo không sai mà DN thua lỗ cũng là chuyện bình thường trong kinh doanh, kể cả DN tư nhân cũng vậy. Xóa nợ thuế là một việc nên làm để tạo điều kiện cho DNNN cổ phần hóa.
Ngay lập tức, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, ngắt lời: “Kinh doanh thua lỗ nhưng sếp DNNN lương vẫn cao đấy thôi! Tôi hỏi anh một câu hơi riêng tư, nếu đồng ý xóa nợ thuế liệu QH có làm chính sách để tạo lợi ích nhóm không?”.
Ông Lịch đáp: “Tôi nghĩ số tiền xóa nợ thuế của các DNNN này rất nhỏ, còn nếu phát hiện lãnh đạo vi phạm phải xử lý nhưng cần tách bạch chuyện xóa nợ thuế”.
Bà Quyết Tâm hỏi tiếp: “Theo anh Lịch, nhỏ là bao nhiêu? Tôi không đồng ý với quan điểm này. Nợ còn đó mà bán mất tiêu rồi làm sao truy được trách nhiệm lãnh đạo DNNN đó. Tại sao Chính phủ không giám sát, làm rõ trách nhiệm quản lý trước rồi hãy đưa ra trình QH? Theo tôi QH cần làm rõ chỗ này, giám sát trách nhiệm của lãnh đạo DNNN để xảy ra thua lỗ, nợ thuế.
Chúng ta phải truy trách nhiệm trước rồi hãy tính đến vấn đề xóa thuế. Xóa xong rồi làm sao biết ai sạch và không sạch. Nếu theo phương án anh Lịch nói thì tôi không hiểu được, cử tri sẽ không hiểu. QH là cơ quan ban hành các chính sách nhưng làm chính sách mà hợp thức hóa tiêu cực là không được! Làm ra một đồng mà anh chi 10 đồng, gây thất thoát, giờ xin xóa thuế?” - bà Quyết Tâm bày tỏ.
Kiểm toán phải vào cuộc
 
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Nếu đồng ý xóa nợ thuế liệu QH có làm chính sách để tạo lợi ích nhóm không?
Đồng tình với quan điểm của bà Tâm, ĐB Võ Thị Dung cũng không đồng tình với việc xóa nợ thuế DNNN.
 “Việc xóa nợ sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. DNNN làm ăn không hiệu quả mà xóa nợ thuế là không công bằng, khách quan. Kiểm toán cần vào cuộc rồi mới xét đến từng trường hợp” - vị ĐB này nêu quan điểm.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án TAND TP.HCM, cũng không đồng ý quy định này. Ông nói: “Tài sản người chết để lại cũng còn phải trả nợ mới chia thừa kế chứ không có chuyện xù nợ. Để đảm bảo công bằng DNNN và tư nhân trước pháp luật, nợ phải trả chứ không thể xóa”.
ĐB Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH, cũng cho rằng DN nợ nhiều cũng như nợ ít đều được xóa là không công bằng. Trong khi đó, nhiều DN vừa và nhỏ đang gặp khó khăn mà giờ lại xóa nợ cho khối quốc doanh thì hóa ra “Nhà nước vẫn bảo hộ khối này”.
“Đừng làm thế. Một khi muốn “cho” thì thiếu gì cách mà phải dùng đến biện pháp này. Như vậy cũng khiến hình ảnh DNNN nói riêng, hình ảnh Nhà nước nói chung đều xấu đi” - ông Hùng cảnh báo.
Không bị mất tiền?
Theo ĐB Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, khi thẩm tra vấn đề này (xóa nợ cho DNNN), ủy ban được Chính phủ giải thích rằng chỉ đề nghị xóa nợ thuế với các DN có nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu. “Mục đích là để DN không bị âm vốn thì mới cổ phần hóa được. Mà khi cổ phần được thì Nhà nước cũng thu về được tiền. Do đó thực chất khoản này không bị mất” - ông Quang giải thích.

(Theo Pháp luật TP HCM) TRÀ PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét