Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015


TRẢ NỢ CÔNG – CHƯA BIẾT XOAY XỞ TỪ ĐÂU 

Cập nhật lúc 09:10   

Tình trạng nợ công ở Việt Nam, đặc biệt là các khoản nợ đến hạn phải trả tăng lên trong khi nguồn trả chưa biết xoay xở từ đâu.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Lê Kiên
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Lê Kiên
Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách ngày 22-10, nhiều ý kiến các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo lắng về tình trạng nợ công, đặc biệt là các khoản nợ đến hạn phải trả tăng lên trong khi nguồn trả chưa biết xoay xở từ đâu.
Nhận định về nền kinh tế giai đoạn vừa qua, ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách (đại biểu Lai Châu), cho rằng có nhiều điểm tiến bộ đáng ghi nhận, đặc biệt là ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn.
Kinh tế vĩ mô có những điểm sáng, kiềm chế lạm phát tốt (chín tháng đầu năm 2015 chỉ số tăng giá tiêu dùng 
có 0,4%, Chính phủ dự báo cả năm là 2%).
Chừng nào dự toán tài chính của Việt Nam không có tiền tiếp khách như các nước thì mới tăng lương được
Đại biểu TRẦN DU LỊCH
Vay để đảo nợ
Tuy nhiên, một trong những vấn đề khiến đại biểu Thụ lo nhất đó là “tiềm lực tài chính của đất nước yếu, nếu không có giải pháp căn cơ ngay từ bây giờ thì những khó khăn sẽ lớn lên, làm bất ổn kinh tế - xã hội, đe dọa sự phát triển”.
Mặc dù nợ công hiện nay vẫn ở ngưỡng cho phép, dưới 65% GDP, nhưng bội chi ngân sách vẫn đang gây áp lực rất lớn, cân đối ngân sách khó khăn nên phải tiếp tục vay.
“Năm 2015 trả nợ được 150.000 tỉ đồng nhưng bội chi ngân sách 226.000 tỉ và phát hành trái phiếu chính phủ 85.000 tỉ; năm 2016 bội chi ngân sách 254.000 tỉ, trả nợ 155.000 tỉ nhưng trong đó dự kiến vay 95.000 tỉ để đảo nợ.
Bốn năm nay chúng ta không trả hết được các khoản nợ đến hạn cho nên phải vay để đảo nợ. Cứ đà này thì nợ công liên tục tăng” - ông Thụ phân tích.
Đã thế, việc đi vay ngày càng khó, đến thời điểm này mới chỉ phát hành được hơn 50% vốn trái phiếu chính phủ theo kế hoạch năm 2015 nên không biết từ nay đến cuối năm phải lấy ở đâu để đập vào những khoản thiếu hụt.
“Trong bối cảnh này, vì lợi ích đất nước, tôi đồng ý đề xuất của Chính phủ phát hành trái phiếu ra nước ngoài 3 tỉ USD trong năm 2016” - ông Thụ bày tỏ.
Cho rằng tài chính - ngân sách đất nước ở trong tình trạng “xấu”, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng nên cân nhắc xem có vay nước ngoài không, bởi càng đi vay thì nợ công càng tăng và áp lực trả nợ càng lớn. “Tôi cho rằng nếu có giải pháp tốt, điều chỉnh lãi suất hợp lý thì chúng ta có thể huy động được trong nước 3 tỉ USD mà không cần đi vay nước ngoài” - ông Hùng nói.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh, dự toán thu ngân sách năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015, nhưng tình hình ngân sách rất căng thẳng vì áp lực chi, sau khi tính toán thì số tiền thực mà ngân sách trung ương còn chỉ có 45.000 tỉ đồng để phân bổ. “45.000 tỉ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ” - ông than phiền.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận: “Đã thế trong vay nợ lại còn vay ngắn, chưa vay đã trả lấy gì mà cân đối. Đấy là chưa nói năm nay chúng ta chưa có đồng nào tăng lương”.
Mặc dù vẫn dưới ngưỡng an toàn cho phép, nhưng đại biểu Phạm Văn Tam (Hà Nam) cho rằng cần làm rõ hơn thực trạng nợ công và phương án xử lý. “Nếu trong túi không có tiền thì rất khó, cho dù chúng ta có những giải pháp rất hay” - ông Tam lo lắng.
Không thể đi vay 
để tăng lương
Đây là quan điểm của đại biểu Trần Du Lịch khi tranh luận về vấn đề tăng lương mà đại biểu Nguyễn Văn Minh đặt ra tại buổi thảo luận của đoàn TP.HCM. Ông Minh nói suốt hai năm 2014, 2015 Chính phủ đã quyết định không tăng lương theo lộ trình và ông đã một lần phải hứa rồi thất hứa với cử tri về chuyện tăng lương.
Tuy nhiên, năm 2016 Chính phủ lại quyết định chưa tăng. “Tôi không dám hứa, cũng không biết trả lời, ăn nói ra sao với cử tri. Bây giờ cũng sắp hết nhiệm kỳ rồi. Chắc để lại cho đại biểu Quốc hội khóa XIV tiếp tục hứa” - ông Minh nói.
Ông đề nghị: cho dù khó khăn thế nào thì Chính phủ cũng cần phải tính toán, cắt giảm chi tiêu ở một số lĩnh vực để làm sao tăng lương theo lộ trình mà Quốc hội đã đề ra. Đồng thời Chính phủ phải giải trình rõ thay vì chỉ giải trình chung chung “ngân sách khó khăn, không cân đối được” khó thuyết phục được cử tri.
Đại biểu Trần Du Lịch dù chia sẻ với vấn đề phải tăng lương nhưng đã hỏi ngược lại đại biểu Minh: “Bây giờ đề nghị tăng lương thì cắt chỗ nào, không thể đi vay để tăng được?”. Tự trả lời cho câu hỏi của mình, đại biểu Lịch nói muốn tăng được lương xin Quốc hội đừng bàn “vòng vòng” nữa mà phải bàn thẳng vô cái gì đã làm lương đứng tại chỗ, bàn làm gì để tăng được lương.
Trong đó, góp phần làm cho lương không thể tăng trong những năm qua là quá nhiều khoản chi lãng phí, không cần thiết mà ngân sách phải gánh.
“Tôi đề nghị cắt tiếp khách, cắt đi nước ngoài, cắt giao lưu học tập, cắt khai trương khánh thành... Một năm toàn bộ hệ thống chính trị này tốn bao nhiêu tiền vô chỗ đó. Tôi đọc báo suốt ngày thấy đủ các loại kỷ niệm, làm sao mà tăng lương được? Chừng nào dự toán tài chính của Việt Nam không có tiền tiếp khách như các nước thì mới tăng lương được” - ông Lịch bức xúc liệt kê.
Đồng ý quan điểm này của đại biểu Trần Du Lịch, đại biểu Phạm Văn Gòn nhấn mạnh rằng khoan hãy nghĩ đến việc tăng lương mà hãy nghĩ đến tăng hiệu suất lao động.
Ông Gòn nói nếu không chú trọng vấn đề này thì không có cơ sở nào để tăng lương vì khối lượng công việc sẽ không tăng lên mà chỉ có người làm việc tăng. Ông Gòn thông tin: ngành kiểm sát TP.HCM, nơi ông làm viện trưởng Viện KSND, những năm qua cứ nghỉ hai người thì chỉ nhận mới một người và cố gắng tăng hiệu suất lao động để bù vào.
 Do ngân sách khó khăn nên năm 2016 dự kiến vay 95.000 tỉ đồng để trả nợ
Do ngân sách khó khăn nên năm 2016 dự kiến vay 95.000 tỉ đồng để trả nợ
Sao dư nhiều tiền vậy?
Lý giải một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ công tăng cao, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) nêu vấn đề tổng mức đầu tư cho dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh hơn 66.000 tỉ, trong đó dự án quốc lộ 1 dư hơn 9.000 tỉ, đường Hồ Chí Minh dư hơn 4.000 tỉ.
Đây là hiện tượng mà trong thiết kế, dự toán đều dư so với thực tế công trình, nhiều công trình khác cũng thế. Làm dự toán dư lớn để rồi cuối cùng dư, điều này tạo ra áp lực nợ công cho quốc gia. “Phải kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của những người lập dự toán, để đánh động tình hình chung. Vì sao dự toán lại tăng như vậy?” - ông Tiếp đặt 
vấn đề.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc - chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - đã dành nhiều thời gian để bày tỏ băn khoăn về việc dư hàng ngàn tỉ đồng từ hai dự án trên.
“Một công trình xây dựng đúng tiến độ, hòa vốn đã là quá giỏi, còn ở đây lại dư đến 23% vốn. Dự án đúng tiến độ, dư tiền thì quá tốt nhưng vấn đề là làm chất lượng không, việc dư vốn phải có cơ sở, nguyên nhân” - ông Phúc nói.
Tự phân tích, ông Phúc cho rằng việc dư vốn nhiều như vậy có hai khả năng liên quan là tính toán sai khối lượng hoặc là giá cả vật tư.
Ông cũng đề nghị phải rà soát lại xem đã đầu tư hết tất cả danh mục của hai dự án này chưa, nếu còn thì phải làm tiếp, đúng theo quy mô mà Quốc hội đã phê duyệt.
(Theo Tuổi trẻ) LÊ KIÊN - VIỄN SỰ - VÕ VĂN THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét