Giá tiêu dùng tăng do
xăng, do… cưới
Cập nhật lúc 19:24
Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng cao đã đẩy giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm tăng lên.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ phó Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê), chỉ số giá
tiêu dùng (CPI) tháng 10 đã tăng 0,11% so với tháng 9. Nguyên nhân chủ yếu là
do nhóm thực phẩm tăng 0,34%.
“Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng cao đã đẩy
giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm tăng lên, bên cạnh đó giá các mặt hàng rau củ
tăng mạnh do ảnh hưởng của đợt mưa đầu tháng 10 cũng làm năng suất thu hoạch
và lượng rau xanh trên thị trường giảm và giá tăng” - bà Ngọc cho biết.
Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng cao
đẩy chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,34%. (Ảnh minh họa)
Lãnh đạo Vụ Thống kê Giá còn cho hay, biến động giá xăng
tăng 800 đồng/lít, dầu diezel tăng 410 đồng/lít (trong hai đợt 18.9 và 3.10)
cũng làm cho chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 0,19% so với tháng trước, kéo
theo giá tiêu dùng tăng lên tháng này.
Tuy nhiên, CPI tháng 10 so với tháng 12 của năm ngoái chỉ
tăng 0,51%, đồng thời CPI bình quân 10 tháng của năm 2015 so với cùng kỳ năm
trước tăng 0,67%.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm
tăng với mức tăng không đáng kể, cao nhất là nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép
tăng 0,2%, tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.
Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa có chỉ số giảm trong tháng này
là bưu chính viễn thông giảm 0,03%, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,01%,
giao thông giảm 0,05% và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%.
Một điểm đáng chú ý của diễn biến giá cả tháng 10 là chỉ
số giá vàng, USD đều đi xuống. Trong tháng 10, giá vàng trong nước cũng có
diễn biến theo sát giá vàng thế giới và giảm so với tháng trước đó, do sau
khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đẩy lùi thời gian tăng lãi suất làm cho kim
loại quý này mất sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Bình quân giá vàng trong
nước ngày 15.10.2015 dao động quanh mức 3,4 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Ngoài ra, chỉ số giá USD trong tháng giảm cũng do nhu cầu
về ngoại tệ trên thị trường giảm so với tháng 9 và việc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam siết chặt hoạt động giao dịch ngoại tệ, đồng thời giảm lãi suất USD cũng
tác động đến tâm lý tích trữ USD của dân chúng. Tháng 10, tỷ giá dao động
quanh mức 22.457 đồng/USD.
Diễn biến giá vàng và USD cho đến chiều nay (24.10) vẫn
trái chiều. Giá vàng miếng SJC được Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI giao dịch ở
ngưỡng 33,87 - 33,93 triệu đồng/lượng, giảm hơn 30.000 đồng so với giá đóng cửa
cuối ngày hôm qua. Biên độ mua bán duy trì 60.000 đồng một lượng.
Còn với giá USD, sau khi có nhiều phiên sụt giảm trước đó,
chiều nay tỷ giá VNĐ/USD đã quay đầu đi lên. Vietcombank niêm yết tỷ giá ở
mức 22.260-22.340 đồng/USD, tăng 20 đồng so với hôm qua. Eximbank có giá mua bán
cao hơn Vietcombank 20-30 đồng/USD, dao động quanh 22.290-22.360 đồng/USD.
Các ngân hàng khác có giá tương tự.
(Theo Dân Viêt) Mai Hương
|
Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét