Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Chế độ xe công đưa đón, Việt Nam chơi sang hơn cả nước giàu

Cập nhật lúc 14:32                

Theo TS Lê Đăng Doanh, "ngay cả các quốc gia giàu có như Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ cũng không có chế độ xe công đưa đón như Việt Nam. Trong khi đó, tại Việt Nam, ngay chủ tịch liên minh hợp tác xã của tỉnh hay ông giám đốc sở cũng có xe công đưa đón riêng".
 
(Ảnh minh hoạ). 
(Ảnh minh hoạ).
Khoán kinh phí xe công theo đơn giá taxi hãng
Bộ Tài chính trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 32 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Quy định này có hiệu lực từ 21/9/2015 vừa qua.
Bên cạnh việc siết quy định về thay thế xe ô tô công, Quyết định 32 thống nhất nguyên tắc không tăng số lượng xe công, mỗi đơn vị sẽ chỉ có 1 - 2 chiếc phục vụ công tác chung. Chỉ có các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 và chức danh Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được phép sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.
Đồng thời, quy định rõ hơn cách xác định mức khoán kinh phí trong trường hợp các chức danh có đủ tiêu chuẩn được sử dụng xe tự nguyện đăng ký nhận khoán kinh phí sử dụng xe công. Cụ thể, mức khoán kinh phí được xác định theo từng tháng, trên cơ sở: Khoảng cách thực tế từ nhà ở đến nơi làm việc hoặc khoảng cách thực tế đi công tác; Đơn giá bình quân của phương tiện vận tải công cộng (đơn giá của các hãng xe taxi phổ biến trên thị trường); Số ngày làm việc theo quy định; Số lượt đưa đón (2 lượt/1ngày).
Ngoài ra, quy định xử lý vi phạm trong việc mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng xe ô tô công; theo đó, người ra quyết định mua sắm xe ô tô không đúng thẩm quyền, không đúng tiêu chuẩn, định mức, chủng loại phải bồi thường thiệt hại và tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Đối với việc quản lý, sử dụng xe ô tô không đúng quy định, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và mức thiệt hại mà phải bồi thường thiệt hại, đồng thời bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Xe ô tô mua không đúng tiêu chuẩn, vượt giá quy định, vượt định mức bị thu hồi để điều chuyển hoặc bán đấu giá nộp ngân sách nhà nước.
Ngân sách khó khăn là cơ hội để "siết" xe công
Trao đổi với PV Dân trí, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận: "Số lượng xe công hiện tại của Việt Nam quá lớn và bị lạm dụng nhiều. Đã đến lúc xem xét lại toàn bộ chế độ, không chỉ xe công mà còn các chính sách khác. Do đó, tôi cho rằng những chấn chỉnh chủ Chính phủ như trên là rất cần thiết". 
"Ở các nước, ngay cả các quốc gia giàu có như Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ cũng không có chế độ xe công đưa đón như Việt Nam. Thủ tướng Thuỵ Điển còn tự lái ô tô hoặc đi các phương tiện công cộng đi làm, chứ không có người đưa đón hay bảo vệ, đầu bếp riêng. Trong khi đó, tại Việt Nam, việc sử dụng xe công mở rộng ra quá nhiều, ngay chủ tịch liên minh hợp tác xã của tỉnh hay ông giám đốc sở cũng có xe riêng đưa đón", ông nói.
Theo TS Doanh, trước đây, đã có một số quy định về siết việc sử dụng xe công. Ví dụ có thể kể tới như từng có đề án trong đó quy định thay vì sử dụng xe công thì sẽ khoán chi phí đi lại cho mỗi người; hoặc cũng có thời kỳ có quy định, thứ trưởng phải 2 người đi cùng một xe và chỉ có bộ trưởng mới được đưa đón. Năm 2007, Thủ tướng cũng từng ký ban hành quyết định cho phép chức danh từ thứ trưởng trở xuống được khoán xe công.
"Kết quả thực hiện đến nay không cải thiện nhiều. Rõ ràng là do thiếu quyết tâm và có lợi ích nhóm, những người được hưởng chế độ như vậy, họ không muốn từ bỏ và cũng không có sức ép đủ mạnh để bắt họ từ bỏ. Tuy nhiên, hiện ngân sách khó khăn là cơ hội để thực hiện việc hạn chế sử dụng ngân sách, sử dụng xe công và hạn chế xe công vào mục đích không đúng", ông nhấn mạnh.
Đánh giá tác động của chính sách mới, Bộ Tài chính cũng cho rằng, với việc chuyển đổi phương thức trang bị xe ô tô theo định mức từ 1 - 2 xe/đơn vị sẽ làm giảm một số lượng lớn xe ô tô phục vụ công tác chung. Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung hiện có là 24.460 chiếc, nếu tính toán theo định mức mới ước tính sẽ giảm khoảng 7.000 xe so với hiện tại. Như vậy, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế, chưa tính chi phí vận hành trong quá trình sử dụng.
Với quy định thống nhất định mức từ 1 - 2 xe/đơn vị, thuê dịch vụ xe ô tô và khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo giá thị trường sẽ là một bước thay đổi lớn trong việc trang bị, bố trí, sử dụng xe ô tô công tại các cơ quan, đơn vị; khuyến khích các cơ quan, đơn vị dần chuyển sang hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, thúc đẩy dịch vụ phương tiện vận chuyển công cộng, giảm biên chế hành chính và chi phí sử dụng phương tiện đi lại.
"Quy định này phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong quản lý tài sản công (trong đó có xe ô tô công) là tiến tới giảm dần việc trang bị hiện vật và chuyển sang cơ chế thuê/khoán. Đây là xu hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hiệu quả, tiết kiệm đã được nhiều nước đang áp dụng”, Bộ Tài chính khẳng định.
(Theo Dân trí) Phương Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét