Sao “thiên hạ” nỡ nghi oan cho các bác ấy?
Cập nhật lúc 07:07
Ở đời, có lẽ
khó có gì bức xúc, bực mình hơn việc bị xịa công, vô ơn và khó có điều gì độc
ác, đểu giả hơn việc suy diễn, xuyên tạc, chụp mũ hành động tốt đẹp của người
khác.
(Minh họa: Ngọc
Diệp)
Thế mà gần đây, dư luận xã hội, không, không chỉ dư luận
xã hội mà còn có cả một vị đại biểu Quốc hội công khai trả lời trên báo chí
rằng hiện nay, đang xuất hiện tư duy “chuyến tầu vét”. Một “thành ngữ” chỉ những
vị có chức, có quyền đứng trước “ngưỡng cửa tàn canh” cố tình bày vẽ để “cá
kiếm” vớt vát. Dân gian gọi hành động này là “ăn quả vét”, một việc cố “chén”
đến miếng cuối cùng trước khi “tàn bữa tiệc” của dân cờ bạc.
Vị đại biểu Quốc hội đó là ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm
Ủy ban Văn hóa – Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Trả
lời báo chí, ông Tiến nói thẳng tâm lý “nghĩ rằng chuẩn bị nghỉ thì không còn
gì để mất và cố làm ‘chuyến tàu vét cuối cùng’ trước khi hạ cánh” là “tâm lý
chung”.
Thưa bác Tiến, thưa với dư luận, tôi đồ rằng cả bác Tiến
và dư luận đã nghĩ sai, nghi oan cho các bác ấy. Lòng các bác ấy như “sao
mai, sao khuê” vằng vặc sáng giữa trời, làm gì có chuyện mờ ám đó.
Tôi xin dư luận, tôi xin bác Tiến đấy. Cứ theo ý tôi thì
các bác đó hoàn toàn không có tư tưởng vụ lợi, tham lam đến mức “ăn quả vét”
thấp hèn như mọi người nghĩ mà ngược lại, các bác ấy đã hành động với một tinh
thần “trách nhiệm cao cả”.
Này nhé, ví như bác Truyền (ông Trần Văn Truyền – nguyên
Tổng Thanh tra Chính phủ) mà ĐB Tiến có nhắc đến trong một bài trả lời phỏng
vấn chẳng hạn. Sao mọi người lại có thể nghĩ bác ấy trước khi nghỉ hưu hai tháng,
ký quyết định bổ nhiệm 60 cán bộ cấp vụ và tương đương là tiêu cực (ví dụ
thế) nhỉ?
Xin mọi người hãy nghĩ lại tấm lòng trong sáng, tinh thần
vô tư và đầy trách nhiệm của bác ấy. Việc bác ấy ký bổ nhiệm “cấp tốc” là vì trước
khi nghỉ hưu, bác ấy mới chợt nhớ ra (lại ví dụ thế) rằng việc cần làm nhất
là công tác cán bộ thì bác ấy lại… xao nhãng.
Thế là bác ấy áy náy, bác ấy ân hận, bác ấy thấy mình chưa
làm tròn bổn phận và trách nhiệm với người kế nhiệm.
Thế là chỉ với một khoảng thời gian rất ngắn, bác ấy đã
hăm hở, đã trăn trở, đã lăn lộn, đã vân vân và vân vân để “ký ngày, ký đêm”
nhằm hoàn thành xuất sắc chức danh cho 60 trường hợp. Một con số đáng khâm phục
và một tinh thần làm việc còn đáng khâm phục hơn!
Nó đáng khâm phục bởi hãy tưởng tượng để đề bạt, cất nhắc
và nhất là bổ nhiệm một cán bộ cần phải khó khăn, vất vả, lao tâm, khổ tứ như
thế nào?
Vậy mà bình quân mỗi ngày, bác ấy phải ký quyết định bổ
nhiệm cho một cán bộ trong đó chủ yếu là hàm vụ trưởng, vụ phó và cấp tương
đương thì còn hơn cả sự “khâm phục” mà cần phải hô vang “khâm phục vạn tuế,
vạn vạn tuế!”!?
Chao ôi! Chỉ nghĩ đến cái khối công việc đó đã thấy
“thương thương” bác ấy làm sao!
Vậy mà nếu như dư luận lại nghi ngờ, thậm chí vu oan, chụp
mũ, cho rằng bác ấy có động cơ không trong sáng thì quả là tội nghiệp cho bác
ấy, đau đời cho bác ấy quá.
Mà không chỉ bác Truyền ở Hà Nội, bác Nguyễn Thành Rum,
nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng mang
“nỗi oan” tương tự.
Chả là trước khi “mãn khóa”, với tinh thần làm việc hết
lòng, hết sức vì thế hệ sau, bác Rum cũng chỉ trong vòng một thời gian ngắn,
đã bổ nhiệm 30 chức danh cấp phòng và tương đương.
Nhưng “đau” hơn bác Truyền bởi trong khi các chức danh bác
Truyền bổ nhiệm, nhìn chung đến nay vẫn bình yên và có thể đang… thẳng tiến
thì ngược lại, người kế nhiệm bác Rum là Giám đốc Phan Nguyễn Như Khuê đã làm
một việc có lẽ chưa từng có tiền lệ: Quyết định thu hồi và hủy bỏ 21 quyết
định bổ nhiệm cán bộ trước đó của người tiền nhiệm.
Chao ôi! Nghĩ mà thương bác ấy. Tưởng rằng chỉ thiên hạ vô
ơn với tinh thần “hết lòng vì thế hệ trẻ”, quyết tâm xây dựng và hoàn thiện
bộ máy tổ chức để người kế nhiệm đỡ phải “lao tâm khổ tứ” thì lại bị chính người
kế nhiệm “hủy” thì khác gì…“vỗ mặt” nhau?!
Nói thật, họ làm thế có thể vì nghi ngờ bác có “lợi ích”
nữa có “đau sờ cau” cuộc đời bác Rum không cơ chứ?
Mà không chỉ có bác Truyền, bác Rum bị nghi oan đâu nhé,
còn nhiều, nhiều bác nữa cũng bị “oan khuất” kiểu này và cũng không chỉ bị
nghi oan “ăn quả vét” về tổ chức nhân sự, nhiều bác còn mang nỗi oan tày đình
về chuyện triển khai dự án, mua sắm trang thiết bị hay sửa chữa nâng cấp máy
móc, công trình…
Họ ác mồm, ác miệng nghi ngờ các bác bày đặt ra triển khai
cái này, xây sửa cái nọ, mua sắm cái kia để kiếm hoa hồng, hoa huệ, hoa lan
gì đó…
Oan, oan cho các bác ấy quá. Xưa bị oan, Thị Kính còn đến
cửa Phật mà nương nhờ, nay thì chẳng biết các bác ấy nương nhờ, trông cậy vào
đâu? Mà phải ngậm nỗi oan đến suốt cuộc đời thì đau đớn quá!
Ôi! Thương quá đi mất thôi!
(Theo
Dân trí) Bùi Hoàng Tám
|
Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét