Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

CHUYỆN “HẬU DUỆ” Ở MỘT TRƯỜNG MẦM NON

Cập nhật lúc 14:31   

Dư luận chưa kịp quên vụ “cả họ làm quan” ở UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) mà theo đó, trong 10 trên 13 phòng ban có trưởng, phó phòng là anh em, họ hàng với bí thư huyện này thì giờ lại có một chuyện “quan hệ, hậu duệ” tương tự.
Đó là tại Trường Mầm non Ngũ Đoan (Kiến Thụy, Hải Phòng) có 27/40 cán bộ, giáo viên quan hệ thân thích với hiệu trưởng trường này. Theo xác nhận của chủ tịch UBND xã Ngũ Đoan, có 16 người là họ hàng ruột thịt (anh chị em con cô dì chú bác) với cô hiệu trưởng họ Mạc, 11 người còn lại là bà con xa trong họ Mạc. Trước đây mẹ của cô hiệu trưởng cũng là hiệu trưởng trường và sau khi bà về hưu thì người con lên làm hiệu trưởng thay mẹ. Tính ra chỉ còn lại chín giáo viên và một kế toán là người bên ngoài và “như vậy còn cơ hội nào cho những người khác” - như lời ta thán của một giáo viên của trường.
Nếu vụ “cả họ làm quan” ở Mỹ Đức được những người có thẩm quyền về công tác nhân sự khẳng định là ngẫu nhiên, đúng quy định thì vụ “cả họ làm ở trường” tại Trường Mầm non Ngũ Đoan vẫn chưa được ai kết luận đúng sai vì còn phải chờ huyện thanh tra. Tuy nhiên, nếu soi xét về nguyên tắc tuyển dụng thì xem chừng không dễ bắt lỗi cô hiệu trưởng.
Bởi lẽ Luật Viên chức chỉ yêu cầu việc tuyển dụng phải “bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật; bảo đảm tính cạnh tranh; tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm...” chứ không hề cấm kỵ tuyển dụng các đối tượng là người thân của thủ trưởng đơn vị. Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) chỉ quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó” (khoản 3 Điều 37). Nếu những người họ hàng, bà con của cô hiệu trưởng nêu trên không nằm trong danh sách loại trừ này thì nhiều khả năng câu trả lời vẫn là điệp khúc “đúng quy trình”.
Một câu hỏi không thể không đặt ra: Quy trình là cẩm nang để thực hiện nhưng sao làm đúng vẫn gây phản ứng, vẫn làm dư luận bất bình? Phải chăng quy trình “hẹp” quá nên đã lỗi thời và bị lợi dụng hoặc ai đó đang tựa vào quy trình để làm những việc chủ quan theo ý mình mà cụ thể là tuyển dụng, ký hợp đồng lao động những người thân thích của mình vào làm cho mình?
Dù bất cứ lý do gì thì việc để xảy ra câu chuyện Mỹ Đức hay Ngũ Đoan đều là không hay và không nên. Nó làm nhiều người dễ liên hệ đến cái nếp “một người làm quan, cả họ được nhờ” vốn có từ lâu.
Phải chấm dứt ngay tình trạng này là một đòi hỏi cấp thiết và chính đáng nhưng bằng cách nào? Tiếp tục kêu gọi cán bộ, đảng viên phải cố gắng làm gương, không tiếp tục kiểu tuyển dụng đặc quyền, đặc lợi để giữ gìn, bảo vệ hình ảnh của mình và kết quả có thể được chăng hay chớ, làm mất lòng tin của người dân? Hay quy trình bổ nhiệm, tuyển dụng hiện hữu phải sớm được xem xét, điều chỉnh để ai ai cũng phải có nghĩa vụ chấp hành, không còn cái gọi là thứ nhất hậu duệ, thứ hai quan hệ…?
(Theo Pháp luật TP HCM) THU TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét