Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải:
Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nếu cần, phải moi lên bằng
hết!
Cập nhật lúc 07:20
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên xung quanh lý do đã ký văn bản, yêu cầu thay đổi tư vấn dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” cuối tuần trước.
Làm sai thì phải xử lý
* Thưa Phó thủ tướng, vì sao phải thay tư vấn của dự án vào thời
điểm này?
- Vừa qua, Hội đồng thẩm định, đánh giá lại dự án (do Thủ tướng
chỉ đạo thành lập) đã đưa ra xem xét lại báo cáo đánh giá tác động môi trường
(ĐTM) của dự án này nhưng hội đồng nói rằng về mặt khoa học chưa đủ điều kiện
nên chưa đưa ra kết luận được (việc thực hiện dự án - PV).
Dự án trên phân làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu dùng ngân sách nhà
nước kè bờ, làm cảnh quan công cộng. Nhưng đến giai đoạn 2 thì hết tiền ngân
sách, mới làm xã hội hóa, cũng là kè nhưng tính toán sai. Nhất là phần đánh
giá tác động môi trường, tính toán dòng chảy, phân lũ chưa được, trong khi
sông Đồng Nai rất quan trọng. Địa phương làm mà không lấy ý kiến các bộ, báo
cáo ĐTM lại không đạt. Kè bờ thì đúng là phải làm nhưng vấn đề là mức độ thế
nào và phần diện tích kè thêm ấy để làm cái gì? Nhưng bây giờ đã sai thế rồi
thì lấy cơ sở nào đánh giá? Thế nên tôi mới yêu cầu Hội đồng thẩm định không
kết luận được thì anh phải chọn một tư vấn khác để đánh giá lại.
* Nhưng nếu đã biết chủ đầu tư (Công ty Toàn Thịnh Phát) làm sai
rồi thì phải khắc phục, ít nhất là vét hết số đất, đá đã đổ sai xuống dòng
sông chứ, thưa Phó thủ tướng?
- Đúng, nhưng có vét hết lên hay không cũng phải tính. Đúng là đã
làm sai rồi thì phải xử lý, nhưng xử lý thế nào cho đúng khoa học thì phải có
tư vấn. Phần diện tích lấy được (do lấn sông) thì làm gì, nếu làm cảnh quan
ven sông, công viên hay công trình công cộng thì chẳng ai nói gì. Anh làm xã
hội hóa thì đỡ tiền ngân sách nhưng nếu để làm cảnh quan ven sông, công viên
hay công trình công cộng thì không nói làm gì, đây lại lấn sông để làm đô thị
thì lại khác. Nên phải thuê tư vấn để mà kết luận, việc này tỉnh không làm
được.
Vét hết đất đá để đảm bảo sông thoát lũ
* Phải chăng là về mặt kỹ thuật, vét, hút hết phần đã đổ xuống
sông là rất khó và phát sinh chi phí lớn?
- Chính thế nên phải tính, tại sao lại vét và nếu vét thì vét bao
nhiêu để không ảnh hưởng đến dòng chảy. Có lẽ phải vét đấy vì nếu không thì
nguy hiểm, cần phải đảm bảo thoát lũ của sông Đồng Nai và đặc biệt như đã nói
vị trí sông đó rất quan trọng.
* Trước đây tỉnh Đồng Nai cho làm dự án này đã không hỏi các bộ.
Nhưng bây giờ, thấy sai, để kết thúc, dừng dự án thì lại phải có ý kiến các
bộ, các nhà khoa học hay sao ạ?
- Chính xác, với những công trình có tầm quan trọng thế này, với một
dòng sông chảy qua nhiều địa phương thì phải hỏi ý kiến các bộ để xử lý hài
hòa. Thứ nữa, tính toán thủy văn, dòng chảy rất khó, phức tạp.
Vừa qua, tôi đã ngồi nghe nhiều cuộc, ngay các nhà khoa học cũng còn
có ý kiến rất khác nhau, tranh luận rất nhiều về vấn đề này. Cho nên phải
tính toán bằng số liệu, mô hình, dữ liệu... cho thật thuyết phục chứ không
phải ngồi nói suông là được; càng không thể nói theo cảm giác sẽ nguy hiểm,
cho dù việc này cũng mất thêm thời gian.
* Thưa Phó thủ tướng, đến nay đã tìm được nhà tư vấn nào chưa?
- Chưa có báo cáo chính thức, nhưng tôi nghe nói đã tìm được chỗ Viện
Quy hoạch thủy lợi VN thì phải. Tư vấn đánh giá ĐTM trước đây cũng là đơn vị
làm quy hoạch thủy lợi của TP.HCM.
* Hiện nay mới chỉ gọi là tạm dừng dự án để kiểm tra, xử lý hay
dừng là dừng hẳn không làm nữa, thưa Phó thủ tướng?
- Thực ra cứ để như hiện nay đã có nghĩa là dừng không làm nữa.
Thế nhưng toàn bộ cái đã đổ xuống thì phải xử lý. Trên thực tế, nhu cầu phải
kè sông là có thật, vì nếu không nó sẽ tiếp tục gây xói lở. Cần phải kè vừa
cho cảnh quan đẹp mà vẫn bảo vệ được bờ sông. Nhưng phần đã đổ xuống lấp sông
100 m đó thì phải tính, nếu cần thì phải moi lên bằng hết. Nói là đổ 100 m là
không có cơ sở thế thì có cơ sở là bao nhiêu? Trên cơ sở đó mới tính phần
diện tích kè thêm đó sử dụng vào mục đích gì?
* Từ dự án này mới thấy rằng với những dự án có tác động môi trường
lớn nếu phải huy động vốn đầu tư tư nhân cũng phải rất cẩn thận, thưa Phó thủ
tướng?
- Đúng thế. Hiện nay, ở đâu địa phương nào cũng có kêu khó khăn
về hạ tầng, nhưng vốn ngân sách không đủ khả năng nên phải huy động, xã hội hóa.
Nhưng khi quyết định phải hết sức thận trọng, vội vàng dễ gây sai hỏng.
(Theo
Thanh niên) Mạnh Quân thực hiện
|
Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét