Công chức phải 'nhịn' tăng lương: Ba nghịch lý
Cập
nhật lúc 10:49
(Tin tức thời sự)
- Ở Việt Nam, tiền lương mang tính danh nghĩa nhiều hơn và còn quá nhiều chi
phí lãng phí được bao cấp, nên cần nghiên cứu, điều tra tỷ mỷ.
Nghịch lý
Sau 3 năm liên tục lương cơ sở được duy trì ở mức 1.150.000
đồng/tháng, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết không có nguồn để tăng
lương cơ sở cho cán bộ công chức trong khu vực Nhà nước năm tới do ngân sách
eo hẹp. Nếu như vậy, năm 2016 sẽ là năm thứ 4 lương cơ sở trong khu vực này
không tăng.
Trao đổi với báo chí, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ
Lợi, một thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia chia sẻ lý do chưa
thể tăng lương, trước hết là do ngân sách chưa đáp ứng được mà tiền lương khu
vực này là hoàn toàn do ngân sách chi trả, không như với khu vực sản xuất
kinh doanh thực hiện lương thỏa thuận.
"Vấn đề là ngân sách, ngân sách không có, trong khi ta liên tục
nói thực hiện tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, giảm nhẹ bộ
máy, nhưng cho đến nay bộ máy của ta vẫn chưa cải cách, tinh giản được gọn
nhẹ và năng suất lao động của khu vực công rõ ràng đang có vấn đề. Người ta
vẫn đang nói một bộ phận cán bộ viên chức năng suất làm việc thấp, chất lượng
công việc không tốt… thì làm sao chúng ta cải cách được tiền lương?",
ông Lợi nhấn mạnh.
Chia sẻ với lo ngại này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng
Viện Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, về nguyên
tắc phải tăng lương công chức đảm bảo mức sống trung bình khá trong xã hội,
thế nhưng lộ trình tăng lương là điểm đang bị vướng.
"Hiện nay, trừ lao động thủ công, đã là công chức Nhà nước thì
đều là cán bộ quản lý, cũng tương đương với trưởng phòng, phó giám đốc... bên
doanh nghiệp. Thế nhưng lương của cán bộ quản lý bên doanh nghiệp cao hơn so
với lương công chức.
Do đó, phải tìm cách để tăng lương, còn nếu cứ để thế này thì bộ máy
Nhà nước sẽ bị hạ thấp, công chức thiếu động lực để yên tâm phấn đấu. Bây giờ
đi đâu người ta cũng nói làm thế nào để công chức sống bằng đồng lương và
khiến họ toàn tâm toàn ý làm việc. Thực tế cho thấy nhu cầu sinh hoạt của gia
đình, từ các chi phí, dịch vụ đến học phí... đều tăng, tác động ngược trở lại
đời sống của công chức khiến họ không yên tâm, phải đi làm thêm bù cho cuộc
sống", ông Tri nói.
Dù vậy, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính cũng phải thừa
nhận thực tế rằng dù kêu lương không đủ sống nhưng bộ máy công chức vẫn cứ
phình ra.
"Cơ chế của Việt Nam chưa thực sự công khai nên những con số công
bố ra chưa chắc đã là con số không thực. Ở nước ngoài, mức lương của tổng
thống bao nhiêu, chi tiêu thế nào... đều rất rõ ràng, còn ở Việt Nam vẫn còn
nửa bao cấp, tiền lương mang tính danh nghĩa nhiều hơn, không phải là toàn bộ
chi phí trong quá trình hoạt động. Có những chi phí rất lãng phí như chế độ
về tài liệu, thông tin..., do đó cần phải tính toán lại, nghiên cứu, điều tra
tỷ mỷ để thấy được con số thực" - ông Tri phân tích.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện
Hành chính (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) chỉ ra một
số nghịch lý của xã hội mà Nhà nước cần tính tới.
"Một là, tại sao công chức kêu lương thấp nhưng các kỳ thi công
chức lại có hiện tượng quá đông thí sinh so với yêu cầu. Tại sao những người
thấy lương thấp không ra khỏi công vụ, lại ở lại để kêu lương thấp.
Hai là, những nơi công chức kêu lương thấp, đã ai yêu cầu lãnh đạo bộ
phận (như cấp phòng, cấp sở...) rằng họ cần số lượng công chức ít hơn so với
số lượng hiện có? Rất tiếc khi tuyển dụng hay cất nhắc họ cũng không có quy
định nào về yêu cầu đó.
Thứ ba, và để giải thoát câu hỏi thứ nhất, lại có tình huống đặt ra:
nếu ai đó không ở cơ quan nhà nước (công sở, trường học công, bệnh viện, viện
nghiên cứu công...) thì họ đi đâu? Nên nhớ rất nhiều thanh niên muốn việc làm
để sống chứ không phải họ là lớp người chây lười.
Mỗi một vấn đề của xã hội cứ cắt khúc ra để đặt vấn đề thì không giải
quyết được. Công chức vào bằng được công sở, nhưng vào rồi họ lười hay chăm
cũng khó phân biệt. Thế nên các khẩu hiệu đều khó chuyển biến", GS.TS
Nguyễn Hữu Khiển thẳng thắn.
Tăng năng suất lao động trước hay tăng tiền lương trước?
Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng viện Khoa học hành
chính, Học viện hành chính Quốc gia, để tăng được lương cho công chức cần
phải cắt bỏ tất cả các chi phí tốn kém không cần thiết. Việt Nam có khẩu hiệu
"tiết kiệm là quốc sách", trong đó cần tiết kiệm cả kinh phí, thời
gian và công sức, đồng thời trên cái nền đó, cần bố trí lại công việc cho
công chức bởi có những cơ quan, bộ phận không phải hộ không muốn làm mà không
có việc.
"Đây là hệ thống giải pháp tương đối đồng bộ và phải làm với lộ trình
thật kiên quyết thì mới giải quyết được", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nhấn
mạnh.
Đặt ngược lại vấn đề bộ máy công chức cồng kềnh, hiệu quả công việc
vẫn bị dư luận nghi ngờ khi cho rằng có tới 30% công chức cắp ô trong khi vẫn
yêu cầu tăng lương liệu có hợp lý, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nói rằng, ở đây là
mối quan hệ giữa năng suất lao động và tăng tiền lương.
Một báo cáo cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn
Singapore 15 lần, Nhật 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5
lần. Như vậy, năng suất lao động trong khu vực công chức phải đẩy lên, muốn
thế phải trên cơ sở phân tích được công việc từ đó bố trí sắp xếp lại, còn cứ
thế này thì rất khó. Công chức thực chất là người quản lý, công việc không rõ
ràng như trong doanh nghiệp, khối sản xuất kinh doanh mà họ phải nương tựa,
dựa dẫm vào nhau, bởi thế rất khó để đánh giá được công chức.
Cũng theo ông Tri, khi tinh giản biên chế, nhiều khi các cơ quan gặp
phải vấn đề không xử lý được, đó là nó đẩy lao động thất nghiệp ra xã hội,
tạo áp lực cho xã hội, trong đó có cả hệ quả của tình trạng "một người
làm quan, cả họ được nhờ". Trong mối quan hệ giữa năng suất lao động và
tăng tiền lương luôn tồn tại câu hỏi: năng suất lao động đi trước hay tăng
tiền lương trước?
"Người lao động muốn tăng lương thì mới làm việc đầy đủ còn người
quản lý cho rằng năng suất lao động thấp thì tiền lương không thể cao. Theo
kinh nghiệm một số nước, người ta phải tính toán một giai đoạn lịch sử và tìm
cách đẩy tiền lương đi trước, sau đó ép năng suất lao động tăng lên",
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho biết.
(Theo
Đất Việt) Thành Luân
|
Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét