Thổi phồng trên mạng xã hội
Cập nhật lúc 14:46
Dân mạng ngao ngán khi những tin đồn thất thiệt ngày càng nhiều, xuất hiện trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội.
Câu like và bôi nhọ
Trên Facebook, Duy Khương ngao ngán
thốt lên: “Trên mạng giờ nhan nhản thông tin câu like, bịa đặt, những tin đồn
nhảm nhí… Chẳng biết đâu mà lần”.
Thành viên này kể, mới đây anh đã “tin
sái cổ” bài viết hướng dẫn cách cấp cứu khi đột quỵ là chỉ cần châm kim đầu
ngón tay, nặn máu. “Không tin sao được khi tác giả đã lồng ghép vào nhiều dẫn
chứng, cơ sở khoa học. Có hàng trăm fan page chia sẻ bài viết này, thu hút
hàng chục ngàn lượt like”, Duy Khương cho biết. Tuy nhiên, sau đó nhiều
chuyên gia y tế đã phản bác, cho rằng thông tin ấy không đúng, châm kim đầu
ngón tay và nặn máu không có tác dụng trong cấp cứu và điều trị đột quỵ. Lúc này
nhiều người mới tá hỏa.
Đã từng xảy ra vô số sự việc tương tự
làm dân mạng hoang mang. Như câu chuyện Hương “mắt lồi” chuyên dàn cảnh cướp
táo tợn tái xuất, thông tin xảy ra tình trạng bắt cóc lấy nội tạng ở TP.HCM,
dịch Ebola có tại VN, hay xuất hiện chiêu cướp bằng cần câu cá, dùng bùa mê,
thuật thôi miên để lừa đảo… khiến nhiều người nơm nớp lo sợ, đề phòng. Nhưng
sau đó, các cơ quan chức năng đã khẳng định những thông tin này là bịa đặt.
Theo thành viên Hữu Đức, ngoài mục đích
câu like, nhiều người tạo ra những thông tin bịa đặt còn nhằm bôi nhọ người
khác. Trên diễn đàn linkhay.com, thành viên hung_vo1975 ta thán việc bị người
khác cố tình dựng chuyện để bêu rếu trên Facebook. Việc này đã khiến cuộc
sống cá nhân bị xáo trộn, bị bạn bè và đồng nghiệp xa lánh, tủi hổ với gia
đình…
Nữ thành viên Q.A than thở trên trang
giadinhnhohanhphucto. com: “Tôi bị người khác vu khống, bôi nhọ danh dự trên
Facebook. Tôi chẳng biết phải làm sao, cảm thấy áp lực vô cùng khi mọi người
tẩy chay, xa lánh”. Cũng theo Q.A, kẻ xấu tung tin đã thêu dệt câu chuyện vô
cùng logic, dựng kịch bản hoàn hảo, đồng thời sử dụng những tài khoản ảo để bấm
like, chia sẻ để phát tán rộng rãi… khiến mọi người tin đó là sự thật.
Không ít dân mạng cũng than thở: “Những
thông tin bịa đặt là nỗi ám ảnh của các nhà hàng, doanh nghiệp, công ty, vì
gây ra vô số tai hại, kinh doanh đình trệ, có khi dẫn đến phá sản”.
Đừng tiếp tay cho kẻ xấu
Nhiều ý kiến thắc mắc vì sao dân mạng
vẫn tin vào những điều bịa đặt. Thành viên Thái Sơn cho rằng một bộ phận dân
mạng có tâm lý tò mò, “nhiều chuyện” và cả tin. Hễ thấy chuyện gì lạ, cái gì
sốc là bấm like và chia sẻ, dù chẳng biết thực hư. Thậm chí, có nhiều người
còn thổi phồng sự việc, chỉnh sửa, thêm thắt để câu chuyện trở nên sốc hơn,
câu được nhiều like hơn…
Để những tin đồn, thông tin không đúng
bản chất sự việc không còn “đất sống”, thành viên Anh Thy khuyên: “Mỗi dân
mạng cần tỉnh táo, hãy là người dùng thông minh. Chọn lọc và xem những thông
tin có lợi cho bản thân. Phải cẩn trọng kiểm chứng thông tin ấy đúng hay sai
trước khi chia sẻ. Có như vậy mới không rơi vào bẫy câu like và bôi nhọ người
khác của kẻ xấu”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu,
Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, mạng xã hội như một chợ thông tin
có cả hàng thật lẫn hàng giả, có sự thật lẫn tin đồn. Trong khi đó, do đặc
điểm của thế giới mạng, các tin đồn này hầu như rất khó kiểm chứng trực tiếp,
nhiều câu chuyện hầu như không thể đi xác minh.
“Do đó, nếu là nội dung tốt cho tất cả
mọi người, chúng ta có thể mạnh dạn chia sẻ. Tuy nhiên, nếu đó là thông tin
tiêu cực ảnh hưởng đến uy tín của người nào đó, gây hại đến cuộc sống của
người khác thì hãy tự phản biện rằng thông tin đó có căn cứ không. Nếu không,
chính chúng ta sẽ tiếp tay cho kẻ xấu, đôi khi vô tình dòng “status” chia sẻ
của mình lại là con dao góp phần giết chết cuộc đời ai đó”, tiến sĩ Nguyễn
Hoàng Khắc Hiếu nêu ý kiến.
(Theo
Thanh niên) Thanh Nam
|
Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét