Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

'Biết' thì dễ nhưng 'thấy' thì khó?

Cập nhật lúc 09:35                 

Gần đây dư luận đặc biệt quan tâm về khâu chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới và ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII, ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đọc tờ trình về ý kiến của 4.500 cử tri gửi Quốc hội.


Trong đó, vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm đó là khâu chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng.
Nguyện vọng của nhân dân là  phải chọn những người có đức, có tài, có tâm, có tầm, sống trong sạch, không tham nhũng… vào các vị trí lãnh đạo; rồi phải loại ra khỏi bộ máy chính quyền những kẻ cơ hội, thoái hóa, biến chất và tham nhũng.
 biet thi de nhung thay thi kho
Những điều này không có gì là mới cả, bởi lẽ từ xưa đến nay, người dân nào mà chả muốn chọn cho mình những vị lãnh đạo có các phẩm chất như trên. Và, Đảng ta, các cấp chính quyền đều muốn chọn và tập trung chọn những người như vậy.
Ở Việt Nam ta, cứ trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, hay bầu cử Quốc hội, là có “phong trào”, “toàn dân làm tổ chức”; “toàn dân bàn nhân sự”. Ở bất cứ đâu, dù là nông thôn hay thành thị, trong công sở, hay ngoài quán cà phê, thậm chí quán trà cóc vỉa hè… nơi nào người ta cũng bàn “sắp xếp” bộ máy.
Và dĩ nhiên, những người đang là cán bộ, hoặc từng là cán bộ, thì tiếng nói của họ cũng có “trọng lượng” hơn, bởi không hiếm người có tài “chém gió”, khoe khoang rằng, quen biết ông nọ bà kia, rằng được “tiếp cận” với những “thông tin tin cậy”… Có ai đánh thuế thằng nói phét đâu. Nếu chẳng may mà trúng, thì họ sẽ được “thăng hoa”, còn nếu không trúng, thì… cười trừ là xong.
Ai cũng muốn chọn lãnh đạo phải là người hoàn mỹ. Đó là ước mong rất chân chính và lương thiện.
Nhưng, ở đời, nói thì dễ, làm mới khó.
Vấn đề là chúng ta đang phải đối mặt, đang phải chứng kiến quá nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội, mà nguyên nhân là do chính cán bộ gây ra.
Và lãnh đạo Đảng, Chính phủ cũng đã nói nhiều về nạn tham nhũng, và một “bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất”.
Nhưng biết là có cán bộ thoái hóa biến chất, biết là có cán bộ cơ hội, biết là có nạn chạy chức, chạy quyền, chạy cả danh hiệu thi đua… Biết là có lợi ích nhóm; biết là có nạn hối lộ…v và v...
Nhưng biết mà không thể thấy. Cảm nhận được, nhưng không nói được bằng lời rằng “ai”; “ở đâu”; “lúc nào”; “bao nhiêu”.
Lờ mờ thấy như bóng ma, nhưng không túm được…
Như trăng soi đáy nước; như ảo ảnh.
Còn các cơ quan chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thì giống như con hổ thò tay xuống nước vớt trăng. Ngồi im, nhìn mặt nước lặng thì thấy… Nhưng thò tay vào, lại tan hết.
Đó mới là bi kịch cho chúng ta.
Mà thực tế, qua Đại hội Đảng các cấp vừa rồi thì không có tỉnh nào công bố rằng tỉnh chúng tôi đã tìm ra đảng viên thoái hóa biến chất; đã đuổi ra khỏi Đảng bao nhiêu kẻ tham nhũng; rồi đã kỷ luật bao nhiêu đảng viên có tư tưởng diễn biến hòa bình.
Rồi lại nữa, mới đây nhất, trong chương trình Bản tin tài chính của VTV1 có nói về chuyện “cò” chạy cấp sổ đỏ. Họ đưa ra nhiều bằng chứng rất hay, khá chuẩn xác, nhưng những người có trách nhiệm trong việc cấp sổ đỏ thì cũng sẽ lại nói rằng: “Nếu có chứng cứ, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”… Cứ nói như vậy thì ở Việt Nam không bao giờ tìm ra được những vụ tiêu cực, tham nhũng vặt.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị từng phải cay đắng thốt lên rằng: “Ở đâu, người ta có bôi trơn… Nhưng ở Hà Nội, có bôi mà vẫn không trơn”. Thật không có hình tượng nào ví von hay hơn thế, khi nói về bộ máy chính quyền Hà Nội.
Mấy ngày hôm nay, dư luận xôn xao về việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nói về chuyện muốn có một cái “lốt” xe (chỗ trong bến xe) phải mất 600 triệu.
Thế là một vài vị lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải nổi máu tự ái và yêu cầu Bộ trưởng cung cấp danh tính, và sự việc đó ở đâu, xảy ra lúc nào…
Ối giời ơi là giời! Cứ theo cái kiểu nói này thì khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước rằng: “Đang có một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng”, thì phải đòi đưa ra ai tham nhũng, ai thoái hóa, ai biến chất à?
Chúng ta đều hiểu rằng, trong bộ máy chính quyền chúng ta đang có rất nhiều con sâu, trong làm ăn kinh tế có rất nhiều kiểu quan hệ theo lợi ích nhóm; đang có rất nhiều những bất cập về chính sách của xã hội; nhưng, “chỉ tận tay, day tận trán” kẻ tiêu cực thoái hoái, biến chất, cơ hội chính trị thì thật khó như “mò kim đáy bể”.
Điều này cũng giống như ta nói “một bộ phận không nhỏ làm giàu bất chính”. Thấy ông nọ bà kia xây nhà to vật, có trang trại, giàu nứt đố đổ vách và biết thừa mười mươi với thu nhập chính đáng của người đó thì có thế nào cũng chỉ là hàng trung lưu thôi, nhưng không ít quan chức giàu hơn cả đại gia.
Không ít người mà nhìn khối tài sản của họ thì thấy rằng không tham nhũng thì lấy đâu ra mà có.
Việc kê khai tài sản thì gọi là có cho… vui mà thôi. Chứ một khi kê khai mà không dám truy nguyên nguồn gốc thì kê khai chỉ thêm tốn giấy, mất thì giờ, và dạy nhau cách nói dối.
Cách đây 20 năm, người ta thường có câu nói vui: “Kính thưa các đồng chí đã bị lộ. Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ và kính thưa các đồng chí sắp bị lộ…”. Thì bây giờ cũng vậy mà thôi.
Chúng ta sẽ không thể chống được tham nhũng, không thể tìm ra được những kẻ thoái hóa biến chất, những kẻ tự diễn biến hòa bình… nếu như vẫn với cách làm như hiện nay, nghĩa là mọi thứ rất chung chung, không có biện pháp điều tra đặc biệt;  và không có những cơ quan đặc biệt, có quyền lực một cách tối cao để có thể điều tra xử lý một cách nhanh nhất, cứng rắn nhất.
Ví như đấu tranh chống tham nhũng, bấy lâu nay chúng ta cứ nói là phải kiên quyết rồi phải tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị, rồi huy động cả nhân dân; nhưng than ôi, một khi mà vẫn còn tình trạng “lắm thầy thối ma, lắm cha con khó lấy chồng” thì chống thế nào được.
Gần đây, một số báo cáo về tình hình đấu tranh chống tham nhũng có đưa ra con số lạc quan là số vụ có giảm đến 28% trong 9 tháng năm 2015; và đã đưa ra xét xử được một số vụ án lớn. Điều không thể không chú ý là đã có khi chúng ta lẫn lộn giữa án kinh tế và án tham nhũng, thậm chí, như vụ bầu Kiên, người ta cũng coi đây là án tham nhũng.
Việc chống tham nhũng giao cho nào là công an, kiểm sát, tòa án, thanh tra… và rồi cả nhân dân. Một ngọn cờ mà có đến 4-5 người túm lấy để múa, thế thì múa thế nào. Và quy trách nhiệm cho ai đây?!
Không thể chống tham nhũng có hiệu quả được ở Việt Nam, nếu như không sớm có một cơ quan đặc biệt cũng nên quên cái câu  Chống tham nhũng là nhiệm vụ của… tất cả chúng ta.
Phải có một cơ quan chịu trách nhiệm, và phải có một người chịu trách nhiệm.
Còn một vấn đề nữa là ở Việt Nam chúng ta, nếu như không nhìn nhận một cách thẳng thắn về đặc tính duy tình của người Việt và những tác hại của nó trong việc bóp méo luật pháp, đảo lộn kỷ cương thì xã hội không bao giờ  xây dựng được một xã hội pháp quyền.
Chúng ta cứ nói mãi rằng phải xây dựng được một Nhà nước pháp quyền nhưng thử hỏi luật pháp của chúng ta đang bị chính cái thói duy tình của người Việt phá đi như thế nào.
Chính vì vậy mà những hiện tượng tiêu cực trong xã hội chúng ta từ chuyện “tham lớn nhũng vặt”, chuyện cán bộ thoái hóa biến chất, việc những người kém tài, kém đức rất khó có thể tìm ra được chứng cứ theo kiểu 1+1=2. Mà người ta chỉ mơ hồ cảm nhận được là thế, còn khi mà chỉ cảm nhận được mà không có chứng cứ thì rõ rằng chẳng bao giờ có thể đấu tranh được.
Thế mới gọi là “biết” thì dễ, nhưng “thấy” thì khó.
(Theo Năng lượng Mới) Như Thổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét