Giữ cờ Tổ quốc giữa Hoàng Sa
Cập nhật lúc 19:41
Khi SAR 412 hạ ca nô cứu sinh chạy vào
bãi ngầm để đón các ngư dân đang chèo thúng ra, thấy cảnh tượng con tàu ngư
dân nước ta nằm nghiêng bãi cạn, phất phới cờ Tổ quốc.
Giữa muôn trùng sóng
Chiều 25.10, chúng tôi trở lại Trung
tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC). Cả thuyền
trưởng và thuyền viên SAR 412, SAR 274 đều trực tại tàu. SAR 274 đang được
chùi rửa sau chuyến cứu kéo tàu cá ĐNa 37096 vừa kết thúc rạng sáng nay.
Còn SAR 412 đang kiểm tra lại máy móc, sẵn sàng cho những chuyến cứu nạn khắc
nghiệt trên biển trong mùa mưa bão.
Dẫn chúng tôi lên buồng lái, đại phó
SAR 412 Trần Quang Thanh lật nhật ký hải trình: “Từ đầu năm đến nay, cả 4
chuyến SAR 412 đi cứu tàu cá và ngư dân nước ta ở Hoàng Sa đều bị tàu Trung
Quốc, ngăn cản nhưng lần nào SAR 412 cũng cứu được tàu cá giữa sự bao vây của
tàu Trung Quốc”, ông Thanh nói.
Trong vụ SAR 412 cứu ngư dân Trần Văn
Dân (43 tuổi, ngụ Hội An) bị dập nát cánh tay phải trên tàu cá ĐNa 90426 cách
Tri Tôn, Hoàng Sa 105 hải lý rạng sáng 15.8, tàu hải quân Trung Quốc đã ngang
ngược xua đuổi. Trong vụ việc ngày 1.6 trước đó cũng ở Tri Tôn, tàu hải quân
Trung Quốc 841 còn đe dọa bằng cách đột ngột tăng tốc lao thẳng vào SAR 412
khi gần sát mới đổi hướng trong khi lực lượng y bác sĩ trên tàu SAR 412 đang giành
giật từng hy vọng sống cho ngư dân Phạm Thanh Ngọc (47 tuổi) của tàu câu mực
QNa 90927 bị suy tim nặng. Tàu SAR 412 vẫn kiên quyết với nhiệm vụ, đưa ông
Ngọc về Đà Nẵng vào bệnh viện cấp cứu an toàn.
Đại phó SAR 412 Trần Quang Thanh kể, vụ
Trung Quốc huy động 2 tàu hải cảnh áp sát, chặn đầu, ngăn cản SAR 412 cứu ngư
dân hôm 22.10 vừa qua cũng không nhằm nhò gì so với vụ sáng 11.2 ở đá Chim
Én, Hoàng Sa. Lúc đó, SAR 412 vào tận trung tâm Hoàng Sa để cứu 6 ngư dân tàu
cá BĐ 95569 bị “tàu lạ” truy đuổi vào đêm trước đó và bị đâm vào đá ngầm. Phía Trung
Quốc còn huy động 1 tàu chiến hải quân đã tháo bạt che súng, 1 tàu hải giám
và 1 máy bay theo sát mọi di biến động của SAR 412.
Ngư dân Trương Quốc Xuân của tàu cá BĐ
95569 nhớ lại, sóng đánh vỡ mạn tàu, nước tràn vào, tàu mắc cạn nên chỉ nửa
chìm nửa nổi. Các ngư dân bàn nhau cắm cờ Tổ quốc trên nóc trước khi rời tàu,
vì con tàu còn nằm ở đó thì vẫn còn lá cờ Việt Nam ở giữa Hoàng Sa, giữ vững
sự hiện diện chủ quyền nước ta ở Hoàng Sa.
Đại phó Trần Quang Thanh kể, khi SAR
412 hạ ca nô cứu sinh chạy vào bãi ngầm để đón các ngư dân đang chèo thúng
ra, thấy cảnh tượng con tàu ngư dân nước ta nằm nghiêng bãi cạn, phất phới cờ
Tổ quốc, anh em thuyền viên SAR 412 đều rất xúc động, khâm phục ý chí bám
biển giữ chủ quyền và dặn lòng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cứu nạn ở Hoàng
Sa để xứng đáng với sự kỳ vọng của ngư dân.
Trung Quốc ngày càng hung hãn
Ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc Đà Nẵng
MRCC cho hay, nếu như năm 2005 SAR 412 chỉ cứu 1 vụ ở Hoàng Sa, năm 2013 có 4
vụ thì năm 2014 tai nạn tàu cá và ngư dân ở Hoàng Sa lại tăng đột biến với 9
vụ (SAR 412 cứu 8 vụ, SAR 274 cứu 1 vụ).
Thuyền trưởng SAR 412 Phan Xuân Sơn cho
biết thêm, năm 2015 tuy số vụ cứu nạn ở Hoàng Sa ít hơn 2014, nhưng số lần
Trung Quốc cản trở, đe dọa tàu SAR 412 lại nhiều nhất từ trước đến nay với 4
vụ, trong khi năm 2013, 2014 mỗi năm chỉ 1 - 2 vụ.
Giọng điệu ngang ngược quen thuộc của
Trung Quốc là yêu cầu chuyển hướng, đi vòng khi SAR 412 vào Hoàng Sa, tuy
nhiên SAR 412 vẫn luôn giữ từng thước sóng vì chỉ như vậy mới đảm bảo tuyến
hải trình ngắn nhất về bờ bởi ngư dân đang chờ cấp cứu.
“Trong 10 năm làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa,
chưa bao giờ tôi thấy tàu Trung Quốc hung hãn ngay cả với tàu cứu nạn như 3
năm trở lại đây, tuy nhiên ngư dân nước ta vẫn không e ngại. Một trong những
nguyên nhân cổ vũ ngư dân giữ ngư trường truyền thống là sự có mặt kịp thời
của tàu cứu nạn Việt Nam mỗi khi gặp nạn”, thuyền trưởng Sơn nói.
Từng cứu nhiều thuyền viên Trung
Quốc
Lật giở những ghi chép của Trung tâm
Cấp cứu 115 TP.Đà Nẵng và Đà Nẵng MRCC, có không ít lần Đà Nẵng MRCC ứng cứu
tàu và thuyền viên Trung Quốc. Cụ thể, ngày 12.11.2007, SAR 412 cứu 1 thuyền
viên Trung Quốc tàu XINJUN 01; ngày 3.11.2009 cứu 8 thuyền viên Trung Quốc, 4
thuyền viên Myanmar tàu Lucky Dragon; ngày 29.11.2014 cứu thuyền viên tàu
Trung Quốc Cosco Prince Rupert…
Theo bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó giám
đốc 115 Đà Nẵng, người được Đà Nẵng MRCC đặt biệt danh “nữ bác sĩ thép”, thì
chuyến cứu thuyền viên tàu Trung Quốc Cosco Prince Rupert là một kỷ niệm
“kinh hoàng” bởi khu vực đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bão số 4, gió cấp 6-7,
vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11, không thể điều động trực thăng.
Nạn nhân bị toác mặt, vết thương thái
dương trái phức tạp, trọng thương 1 mắt, lại nặng hơn 100 kg mà còn nằm ở
tầng 7. Trong khi đó, thang máy nhỏ nên không thể dùng cáng cứu thương mà 6
người phải dìu nạn nhân bằng thang bộ trong khi sóng phủ cao 4-5 mét, ai cũng
có thể bị gió cuốn rơi xuống biển.
Bác sĩ Hồng kể, không chỉ bản thân nôn
thốc nôn tháo, mà điều dưỡng trẻ Lê Thị Kim Cúc còn tội nghiệp hơn bởi nôn
nhiều đến nỗi qua hôm sau vẫn chỉ ăn được cháo. Thế nhưng cả hai khi tiếp cận
nạn nhân thì vẫn rất nhanh nhẹn đo huyết áp, tiêm thuốc, dù làm xong lại nôn.
Còn vụ ngày 3.11.2009 cứu nạn 8 thuyền
viên Trung Quốc, 4 thuyền viên Myanmar tàu Lucky Dragon bị đắm ở biển Đà
Nẵng, theo ông Trần Văn Long, nguyên Giám đốc Đà Nẵng MRCC, chuyến cứu nạn
này là “chưa từng có” trong sự nghiệp cứu nạn của ông.
“Khi đó tàu Lucky Dragon chở dầu, mắc
cạn cách bờ vài cây số nhưng tàu SAR của Đà Nẵng MRCC cũng như lực lượng hải
quân phải bó tay vì gặp vùng nước cạn không thể tiếp cận. Chúng tôi dùng súng
bắn dây từ bờ ra tàu nhưng thuyền viên Lucky Dragon không dám nhảy xuống nắm
dây để vào bờ vì sóng quá dữ dội, trong đó lại có 4 người không biết bơi”,
ông Long kể.
Cuối cùng, lực lượng cứu nạn mạo hiểm
chọn cách chưa từng có là ông Long cùng Hải đội trưởng Hải đội 2 Biên phòng
khi đó là Trung tá Hoàng Ngọc Quỳnh cho 21 người của 2 đơn vị, bơi ra tàu đưa
người vào.
“Do bơi ngược sóng nên anh em xuống sức
rất nhanh, càng lại gần tàu thì sóng càng dội ngược ra, khổ nhất là 4 thuyền
viên Lucky Dragon không biết bơi nên nhiều người phải kèm một, cuối cùng cũng
cứu được an toàn.
Ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc Đà Nẵng
MRCC cho biết, không chỉ đội tàu của Đà Nẵng MRCC, mà 7 tàu cứu nạn của các
trung tâm trên cả nước trong 19 năm qua cũng đã cứu rất nhiều tàu thuyền,
thuyền viên, ngư dân các nước trong khu vực, trong đó có không ít tàu và
người Trung Quốc.
(Theo
Thanh niên) Nguyễn Tú
|
Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét