Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Khai thác khoáng sản đang đẩy người dân vào bước đường cùng

Cập nhật lúc 10:01                 

 
Khai thác mỏ tại mỏ sắt Trại Cau, Đồng Hỉ, Thái Nguyên.

Hàng loạt những vấn đề xã hội nảy sinh là hệ luỵ của việc khai thác ồ ạt tài nguyên khoáng sản nhưng không quan tâm đến khắc phục hậu quả về môi trường và đền bù thiệt hại cho người dân bị mất đất đã được “vạch mặt chỉ tên” tại hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) phối hợp với Liên minh Khoáng sản VN tổ chức hôm qua (23.10). Người dân vẫn đang hằng ngày đối mặt với hiểm hoạ môi trường treo lơ lửng.

200 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm
Tại hội thảo, bà Trần Thị Thanh Thuỷ - điều phối viên của Liên minh Khoáng sản - cho biết những con số giật mình về hiện trạng môi trường tại các khu vực khai thác khoáng sản. Theo đó, vào năm 2005, diện tích chiếm đất của hoạt động khai khoáng trên cả nước là 41.000ha. Riêng ở Thái Nguyên, diện tích này là 3.191ha, chiếm 1% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, trong khi ở Quảng Ninh, riêng các mỏ than lộ thiên đang hoạt động, diện tích này cũng lên tới 5.700ha. 
Điều đáng nói là đất bị khai thác càng lớn càng tỉ lệ thuận với ô nhiễm môi trường, phát sinh chất thải và tỉ lệ nghịch với hiện trạng đói nghèo và việc làm. Hằng năm, khai thác than thải ra môi trường 4,6 tỉ mét khối đất đá thải, khai thác apatít tại Lào Cai phát sinh 3 triệu mét khối đất đá; khai thác bauxite tại Tân Rai (Bảo Lộc) phát sinh 11 triệu mét khối bùn đỏ... Đây là những hiểm hoạ môi trường đáng báo động. Tuy nhiên, theo thống kê, năm 2014, ngành khai thác mỏ chỉ tạo việc làm cho khoảng 253.200 người, chiếm 0,48% tổng số lao động cả nước, một tỉ lệ rất khiêm tốn.
Một ví dụ cụ thể tại mỏ sắt Trại Cau (Thái Nguyên) với 21 điểm mỏ được cấp phép khai thác, chủ yếu là mỏ lộ thiên với công nghệ tuyển quặng do Trung Quốc thiết kế, đều theo quy trình khoan, nổ mìn, bốc xúc, vận tải bằng ôtô về nhà máy tuyển rửa... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 
Ông Đăng Quốc Tuấn (người dân sống ở tổ 14, thị trấn Trại Cau, Đồng Hỉ, Thái Nguyên) bức xúc: “Dân chúng tôi từ người già đến trẻ nhỏ từ 10 năm nay phải hằng ngày sống chung với ô nhiễm, bụi và tiếng ồn. Nhiều lần Cty nổ mìn phá đá khiến mảnh vỡ rơi trúng đầu người dân. Đã có nhiều hộ dân phản ứng, thì nhận được giải thích của DN là làm đúng quy định, khu vực nổ mìn cách xa khu dân cư. Nhưng tôi ngờ rằng báo cáo tác động môi trường không chính xác. Điều đáng nói hơn là nguy cơ sụt lún nền đất do tác động của khai thác mỏ, nhất là mùa mưa, ai cũng nơm nớp lo sợ”. 
Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau - ông Vũ Đăng Khoa - thừa nhận hoạt động khoáng sản tuy có tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhưng hệ luỵ với môi trường là vô cùng lớn như sụt giảm mực nước ngầm, bụi, sụt lún, sạt lở đất, hệ thống đường bộ bị hư hỏng do xe tải trọng lớn phá nát... Ông cảnh báo ở thị trấn Trại Cau có khoảng 200 hộ dân nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm, có thể sụt lún bất cứ lúc nào nhưng chưa thấy cơ quan có trách nhiệm nào đứng ra xử lý.
Phí môi trường không đến được người dân
Bà Trần Thị Thanh Thuỷ cho biết, mặc dù Luật Khoáng sản và Nghị định 74 về phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản đều có điều khoản ưu tiên chính quyền và người dân địa phương khu vực bị chiếm đất được hỗ trợ đầu tư hạ tầng, công trình phúc lợi, được bồi thường hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi đất, nhưng trên thực tế người dân và chính quyền lại không hề được thụ hưởng.
Một khảo sát của Liên minh Khoáng sản tại 30 xã có hoạt động khai thác mỏ cho thấy, chỉ có 6 xã cho biết có nhận được các khoản phân bổ tài chính từ khai thác khoáng sản, 12 xã không nhận được nguồn phân bổ tài chính và 12 xã còn lại không biết có nhận được hay không. 
Trong số này có 21 xã cho biết chưa từng được đầu tư các công trình, dự án bảo vệ môi trường, 9 xã được đầu tư duy nhất công trình nước sạch, nhưng nguồn vốn lại thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia như 135, 925. Thậm chí, có xã được hỏi cho biết được phân bổ nguồn thu từ phí môi trường, song nguồn thu này lại được sử dụng sai mục đích, chi cho việc trả lương cho cán bộ và các hoạt động khác.
Ông Vũ Đăng Khoa nêu một thực tế là dù nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường đầu tư trở lại cho địa phương để xây dựng tuyến đường đô thị Trại Cau lên tới 40 tỉ đồng, nhưng thị trấn lại chưa được hưởng một đồng nào từ tiền thuế tài nguyên. “Quy định của Nhà nước đã có nhưng còn chung chung, cần phải cụ thể hơn nữa, công khai các mức điều tiết khoản thu từ hoạt động khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương. Tránh tình trạng có điều tiết cho tỉnh, huyện, nhưng đến xã lại không nhận được” - ông Khoa chỉ rõ.
PGS-TS Phạm Bích San - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và các vấn đề phát triển - cho rằng, từ thực tế trên cho thấy việc xảy ra các xung đột giữa doanh nghiệp - người dân và đôi khi cả chính quyền là do quy trình thực thi chính sách thiếu minh bạch, thiếu thông tin và thiếu sự giám sát của cộng đồng. Trên thực tế, việc thu phí bảo vệ môi trường đang được sử dụng chưa đúng mục đích, gây ra sự bất công trong khai thác và sử dụng tài nguyên, dẫn đến những khiếu kiện kéo dài của người dân.
Phải tham vấn cộng đồng và người dân vùng dự án
Theo Liên minh Khoáng sản, hiện 2 nguồn thu đặc thù với hoạt động khoáng sản là thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường (BVMT) được quy định do ngân sách địa phương thụ hưởng. Tuy nhiên, việc thu phí BVMT lại thu qua hệ thống thuế, do đó, toàn bộ nguồn thu từ phí BVMT sẽ được đưa vào ngân sách chung của địa phương, sau đó được phân bổ cho các đối tượng và mục đích khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân đã đến tình trạng nhiều xã có mỏ, nhưng không nhận được khoản phân bổ tài chính. Ở nhiều nước trên thế giới, nguồn thu từ phí BVMT thường được đưa vào quỹ cộng đồng và do các cơ quan chuyên trách về môi trường quản lý, sử dụng. Các chi phí cho dự án môi trường phải được niêm yết công khai và tiến hành tham vấn cộng đồng dân cư. Q.T
(Theo Lao động) Hồng Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét