Người Việt tự “đầu độc” văn
hoá:
Sách nhảm,
sách rác, không ai kiểm tra nhà sách?
Cập nhật lúc 07:07
Đối mặt với các nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo bởi thực phẩm nhiễm độc, người Việt trẻ mỗi ngày còn đang đối mặt với các loại văn hoá phẩm độc hại, gây ô nhiễm môi trường giáo dục, văn hóa, giải trí... làm nghèo nàn tâm hồn, xói mờ lòng cao thượng, đẩy con người rời xa các giá trị chân, thiện, mỹ.
Sách “rác” tung hoành
Một thời gian dài, độc giả từ thanh thiếu niên đến trẻ mầm
non bị đầu độc bởi mê hồn trận sách “rác”: Sách ngôn tình (sách nhũn), sách
sex, sách nhảm (sách phản cảm về giáo dục kỹ năng sống cho thiếu nhi)… Dù mới
đây, Cục Xuất bản tạm dừng cấp phép xuất bản sách ngôn tình, song nguy hại từ
sách “rác” nhập khẩu vẫn còn đó. Là bởi, hàng loạt NXB sai phạm từ năm ngoái,
song chưa thấy NXB nào bị phạt thật nặng, hay bị rút giấy phép. Phạt, với họ,
chỉ là “gãi ngứa” - khoảng chừng trên chục triệu đồng, rồi thôi.
Chỉ cấm thôi chưa đủ
Nhiều độc giả phản hồi, nhiều sách ngôn tình cổ xúy lối
sống vô đạo đức, từ loạn luân, hiếp dâm… đến kể lể sex rông dài. Tuy nhiên,
không phải độc giả nào cũng đủ tỉnh táo để chọn sách giữa la liệt các loại sách
bày trên kệ. Có độc giả thừa nhận, họ đọc 100 tựa sách ngôn tình trong một
năm mà vẫn chưa thể… đọc hết sách trên thị trường (!).
Nội dung các cuốn “ngôn tình” thường viết về chuyện tình
yêu của các đôi nam nữ, thậm chí là tình yêu đồng tính nam, đồng tính nữ.
Nhiều phụ huynh khi lướt qua nhiều đoạn sốc thực sự, không thể hiểu con mình
suốt ngày đọc những cuốn đó đầu óc sẽ mụ mị mức nào. Nhưng nhà làm sách thì tỉnh
bơ, vì sách nhảm mang lại cho họ nguồn lợi lớn: Sách không phải mua bản
quyền, chỉ cần tải từ trên mạng, hoặc nếu có bản quyền thì chỉ là tượng
trưng. Dịch ẩu, dịch vội, ngôn từ rẻ tiền, bìa trang trí ướt át, mướt mắt, là
độc giả thanh - thiếu niên tìm đến ào ào.
Thậm chí, có nhà làm sách còn mời cả Diệp Lạc Vô Tâm - tác
giả tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc về giao lưu với độc giả. Kết quả, cả…
rừng bạn trẻ chen nhau chỉ để nhận được chữ ký của nhà văn tiểu thuyết rác ngôn
tình, với chuyện loạn luân, lạm dụng, quấy rối tình dục trẻ em, bạo hành
ngược đãi trẻ em, chém giết…
Trước tình hình đó, một nhóm đông bạn trẻ thành lập “Nhóm
anti sách dụ tình”. Họ giải thích: Sách bị coi là “rác” gồm các tác giả tiêu
biểu như Diệp Lạc Vô Tâm, Ân Tầm, Sói Xám Mọc Cánh, Thánh Yêu, Ngạn Thiến...
Lý do giới làm sách đưa ra cho việc sách “rác” hoành hành
nhiều năm qua, là do Luật Xuất bản chưa chặt chẽ, khâu quản lý lỏng lẻo, biên
tập viên thiếu hụt về số lượng và chất lượng... Trong năm 2014, có 399 xuất bản
phẩm vi phạm bị xử lý. Trong đó, Cục Xuất Bản xử lý 1 xuất bản phẩm do một Sở
TTTT cấp phép, còn lại là do 43 NXB cấp phép. Hầu hết các ấn phẩm này sai sót
về nội dung, được xuất bản sai so với nội dung đăng ký trước đó, hoặc là xuất
bản phẩm in lậu, mạo danh nhà xuất bản, nhập lậu và lưu hành bất hợp pháp.
Cần rút giấy phép hoặc phạt nặng
Rất nhiều vụ việc sai phạm bị xử lý cuối năm qua liên quan
đến sách dành cho bạn đọc là thanh thiếu niên, như cuốn “Danh nhân và thời đại”
(NXB Đồng Nai), “Hỏi đáp nhanh trí” (NXB Văn hóa - Thông tin), “Những vị tướng
lừng danh trong lịch sử dân tộc” (NXB Văn hóa - Thông tin)... Trong đó, có
đến 7 cuốn từ điển bị đình chỉ phát hành, sửa chữa. Ngoài ra, có 12 cuốn từ
điển bị thu hồi, nổi cộm nhất là vụ việc liên quan đến cuốn “Từ điển tiếng
Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất trôi nổi trên thị trường với
nhiều phiên bản.
Điều lạ lùng, nhiều cuốn sách nhảm đến nay vẫn chưa bị sờ
gáy, như những cuốn sách dạy làm người nhưng khuyến khích trẻ làm điều ác,
truyện cổ tích nhưng vẽ hình kinh dị, trắc nghiệm IQ cho trẻ nhưng câu hỏi và
đáp án đều nhảm nhí. Hàng loạt truyện tranh thiếu nhi dạy trẻ con phải ma
lanh, chơi xấu, hay hoan hỉ trước nỗi khổ của người khác. Thậm chí, còn có cả
sách dạy trẻ con gian lận…
Đặc biệt, dư luận vừa qua khá sốc trước phát hiện hàng
loạt cuốn sách dạy về giới tính là sách dịch của Trung Quốc, không trả tiền
bản quyền, hay sách dạy kỹ năng sống của Phan Quốc Việt và Nguyễn Thị Thùy Dương
với màn đi trên thảm thủy tinh, cùng nhiều bài tập được cho là “ngớ ngẩn”
khác. Thế nhưng, chỉ mới thấy thu hồi sách dạy đi trên thủy tinh, còn nhiều
loại sách “kinh hoàng” khác vẫn lọt lưới.
Theo nhiều nhà chuyên môn, sách “rác” tung hoành là do lợi
nhuận thu về quá lớn, mà lỡ có phạt vài triệu đến mười mấy triệu thì không bị
ảnh hưởng gì nhiều. Phía quản lý không nắm nổi nội dung sách đã đành, đến khi
phát hiện, cũng chỉ mới thu hồi một ít, còn thì không biết ai sẽ kiểm tra các
hiệu sách còn bán “rác” hay không.
Chính vì thế, việc tăng mức xử phạt đối với sách “rác”
cũng như tăng chế tài với các NXB là cần thiết, nếu không, nhiều nhà cứ chấp
nhận bị phạt mà vẫn… bình yên vô sự chẳng phải chịu trách nhiệm gì. Trong khi
hậu quả mà sách “rác” để lại trong xã hội, cho thanh thiếu niên và trẻ mầm
non, là quá kinh khiếp.
(Theo Lao động) Nhóm PV điều tra
|
Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét