Viện phí tăng: Nỗi lo chồng chất
Cập nhật lúc 07:10
Từ ngày
15-11, giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng với mức trung bình từ 2-7 lần so với
hiện nay. Sự thay đổi này đòi hỏi các cơ sở y tế cũng phải đổi mới cho phù
hợp
“Tăng giá phải đi kèm với tăng chất lượng dịch vụ. Bộ Y tế
và các bệnh viện (BV) có làm được điều này không? Có cơ chế nào để kiểm soát việc
tăng giá đi đôi với tăng chất lượng phục vụ hay không?”... Những câu hỏi trên
được nêu ra tại buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Điều chỉnh giá viện phí:
Người bệnh được lợi gì?” do Bộ Y tế và Báo Người Lao Động phối hợp tổ chức
ngày 29-10 với sự tham gia của các cơ quan chuyên trách của Bộ Y tế, BHXH
Việt Nam, Sở Y tế TP HCM và BV Chợ Rẫy.
Lo chất lượng tuyến dưới
Trong hàng trăm câu hỏi gửi đến buổi giao lưu, nhiều nhất
vẫn là những thắc mắc xoay quanh quyền lợi của người bệnh khi tăng giá viện phí,
tăng giá các dịch vụ kỹ thuật, chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến dưới,
quyền lợi khi đi khám trái tuyến…
Chị Trịnh Nguyệt Ánh (TP Hải Phòng) cho rằng viện phí cứ
tăng dần theo các năm nhưng đi khám bệnh vẫn phải chờ đợi, vẫn bị nhân viên y
tế cáu gắt. “Tôi có cảm giác thực chất của việc tăng viện phí chỉ phục vụ lợi
ích của nhân viên y tế” - chị nêu ý kiến. Còn ông Trần Quân (ngụ Quảng Ninh)
thắc mắc: “Giá giường nằm điều trị sau khi điều chỉnh viện phí tương đương
với giá ở khách sạn. Vậy chất lượng phục vụ có tốt hơn không?”.
Bệnh nhân đang được
điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Trong khi đó, chị Bùi Thị Tân (ngụ Hưng Yên) đồng tình với
việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhưng lo ngại chữa bệnh đúng tuyến ở xã và
huyện thì chất lượng không cao, lại phải vượt tuyến, mà vượt tuyến thì không được
hưởng BHYT. Dẫn ra trường hợp bản thân, chị Tân cho biết có lần bị viêm mắt
đỏ, đến một phòng khám ở huyện Kim Động nhưng sau 3 ngày uống thuốc và tiêm
thuốc, bệnh vẫn không thuyên giảm. Sợ quá, chị phải lên BV Mắt trung ương
khám dịch vụ với phí khám 300.000 đồng/lượt. Sau lần khám thứ hai, gần như
bệnh khỏi hoàn toàn. “Thử hỏi chất lượng điều trị như vậy làm sao người dân
yên tâm được?” - chị Tân băn khoăn.
Trong câu chuyện này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế
hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho rằng lo lắng của chị Tân cũng là suy nghĩ
của nhiều người. Điều này đúng do nhiều nguyên nhân như cơ sở vật chất tuyến trên
được đầu tư nhiều hơn, nhân lực được đào tạo bài bản hơn. Theo ông Liên,
trong những năm gần đây, Bộ Y tế đã đề ra những biện pháp thu hẹp khoảng cách
này như ban hành hàng loạt chính sách nhằm nâng cao chất lượng đào tạo,
chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Nhiều BV tuyến dưới cũng đã đầu tư, thu
hút nguồn nhân lực, cử cán bộ đi đào tạo. Bộ Y tế đang xây dựng và trình Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới”
nhằm huy động các nguồn vốn để đầu tư cho các BV tuyến huyện, trạm y tế xã;
xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút bác sĩ về tuyến huyện, tuyến xã.
Người bệnh có BHYT bớt chi tiền túi
Trả lời câu hỏi “Có sự công bằng về quyền lợi không khi mà
dịch vụ kỹ thuật ở các hạng BV đều thu cùng một mức giá”, ông Phạm Lương Sơn,
Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho rằng khi điều chỉnh
giá dịch vụ y tế lần này, người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ y tế công bằng
ở tất cả cơ sở khám chữa bệnh, không phân biệt vùng miền.
Giá dịch vụ y tế được quy định thống nhất cho mỗi dịch vụ
kỹ thuật ở tất cả các tuyến BV, không phân biệt BV đó ở đồng bằng hay miền
núi, nông thôn hay thành thị. Giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các BV triển
khai, phát triển các dịch vụ kỹ thuật y tế chất lượng cao và người có thẻ
BHYT được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn. Hơn nữa tới đây, người
bệnh cũng sẽ không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa tính
vào giá như các loại vật tư y tế, các loại thuốc... Như vậy, đối với người
tham gia BHYT, việc điều chỉnh giá sẽ có tác động tích cực hơn.
Bà Đinh Thị Hoài Thanh, Phó Phòng Tài chính Kế toán Sở Y
tế TP HCM, cho rằng khi thực hiện một kỹ thuật cụ thể như chụp X-quang hay siêu
âm... thì dù ở các BV khác nhau nhưng về kỹ thuật thực hiện và chi phí đầu tư
là như nhau. Việc áp một mức giá chung cho các BV đồng hạng sẽ giúp các cơ sở
khám chữa bệnh có động lực tự nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng thêm
quyền lợi của người bệnh.
Riêng đối với giá khám bệnh và giường bệnh có sự phân biệt
theo hạng BV do các BV tuyến trên có chuyên môn nghiệp vụ cao hơn tuyến dưới,
chi phí đào tạo và đầu tư trang thiết bị y tế cao hơn, các ca bệnh nặng cũng nhiều
hơn.
Đối với
người chưa tham gia BHYT thì chưa phải áp dụng viện phí mới lần này. Tuy
nhiên, đến năm 2016, liên bộ Y tế - Tài chính sẽ điều chỉnh mức giá dịch vụ y
tế cho đối tượng chưa tham gia BHYT theo hướng tính đủ để đưa giá dịch vụ y
tế theo đúng giá thị trường.
TP HCM:
71,8% dân tham gia BHYT
Theo bà Đinh Thị Hoài Thanh,
đợt này, TP HCM sẽ có 1.800 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá. Các BV công lập
do Sở Y tế TP HCM quản lý gồm có 23 BV hạng 1, 17 BV hạng 2 và 15 BV hạng 3.
Hiện nay, tỉ lệ người dân
tham gia BHYT của TP HCM là 71,8%. Lộ trình cho đợt tăng giá này cũng được
ngành y tế chuẩn bị từ lâu. Theo đó, giám đốc các BV đã ký cam kết đổi mới
phong cách phục vụ, làm hài lòng người bệnh.
(Theo Người LĐ) NGUYỄN THẠNH
|
Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét