‘Bạn bốn chân” cắn trẻ nát mặt, lòi cả hàm răng
Cập nhật lúc 19:50
Bé trai 3
tuổi bị chó cắn rách mặt đang dần lành vết thương thì lại thêm bé gái 8 tuổi
bị chó cắn rách bong má, lòi cả hàm răng, vết cơ, vết mỡ, kéo dài đến mang
tai.
Nhiều trẻ bị “bạn thân” cắn
Sau nửa tháng phẫu thuật, bé trai 3
tuổi phải khâu 200 mũi trên mặt vì bị chó cắn đang dần lành vết thương. Các
bác sĩ vừa mới vui mừng cho bé thì lại bàng hoàng và phải thực hiện thêm ca
phẫu thuật cũng khâu hơn 200 mũi cho một bé gái 8 tuổi cũng bị chó cắn rách
mặt.
“Má phải của bé rách bong ra hết, thấy
cả hàm răng, vết cơ, vết mỡ, kéo dài đến mang tai. Chúng tôi phải rất vất vả
may đến 3 lớp trong suốt 3 giờ mới nối liền các vết rách trên mặt bé. Các bác
sĩ đã phải dùng đến 10 sợi chỉ, mỗi sợi dài 75 cm (tổng cộng 7,5 m chỉ). Chưa
có ca nào phải may nhiều chỉ như vậy”, bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng
Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thảng thốt nói về trường hợp bé L.L.K.
(8 tuổi), bị chó nhà cắn phải phẫu thuật ngày 27.8.
Hai ca trẻ nhỏ bị chó cắn kinh hoàng đó
nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chỉ cách nhau có 20 ngày.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng
Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, thời gian qua, các trường hợp trẻ em
bị chó cắn vào cấp cứu tại bệnh viện tăng cao và liên tục. Hầu hết đều là
trường hợp vết thương nặng. Đa số các bé bị chó cắn đều ở lứa tuổi nhà trẻ,
cấp 1.
Đáng lo hơn, những trường hợp chó cắn
trẻ ở trên đều là chó nhà và các bé vẫn hằng ngày chơi đùa với chúng. Như
theo lời kể của người nhà bé L.L.K., bé rất thương con chó, hằng ngày vẫn ôm,
nựng và chơi với “bạn bốn chân” này. Tuy nhiên, hôm đó, chó chạy ra đường cắn
nhau với chó khác, bị một vết thương ở chân. Bé thương và ôm con chó thì vô
tình đụng vào vết thương, làm chó đau, quay sang cắn vào mặt bé.
Sơ cứu tại nhà khi bị chó cắn
Trong trường hợp bị chó cắn, bác sĩ Đẩu
lưu ý người dân phải cố gắng làm sạch vết thương bằng nước sạch, nước xà
phòng hay nước muối sinh lý. Tuy nhiên phải tránh chà xát làm rách, lan rộng
vết thương; chậm khô vết thương bằng bông gòn và thoa thuốc sát trùng; dùng
gạt sạch đắp che vết thương. Sau đó, đưa nạn nhân đến trạm y tế gần nhất để
sơ cứu vết thương và chích ngừa.
Đặc biệt, bác sĩ lưu ý người dân không
được đắp các loại lá thuốc lên vết thương chó cắn.
Bệnh nhân bị chó cắn sẽ được chích ngừa
bệnh dại và huyết thanh ngừa uốn ván. Khi chích ngừa bệnh dại phải tuân thủ
đúng liều, thời gian và các chỉ định của bác sĩ trong thời gian.
Ngoài ra, cũng cần theo dõi con chó xem
có biểu hiện bệnh hay không để báo với cơ quan y tế có hướng xử lý kịp thời.
(Theo
Thanh niên) Nguyên Mi
|
Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét