Vay 3 tỷ USD: Vay hôm nay phải tính ngày mai
Cập nhật lúc 13:31
(Tài chính) - Vay nước ngoài để trả nợ
còn tốt hơn việc phải cắt giảm các khoản chi tiêu của Chính phủ, ảnh hưởng
đến chi tiêu công, đầu tư phát triển CSHT...
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn
Quản trị Tài chính Quốc tế, Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) bày
tỏ quan điểm xung quanh đề xuất vay 3 tỷ USD qua trái phiếu quốc tế của Chính
phủ.
Không phải phương án tốt nhất
Liên quan đến đề xuất phát hành 3 tỷ
USD trái phái quốc tế của Chính phủ, mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ
Hoàng Anh Tuấn khẳng định việc phát hành này không làm thay đổi tổng nợ mà
chỉ thay đổi chủ nợ và lãi suất.
Bình luận trước những phát biểu trên,
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định việc vay nợ là cần thiết để đáp ứng yêu
cầu tiêu dùng của Chính phủ và nhu cầu phát triển nền kinh tế quốc dân trong
thời gian tới. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang khó khăn, vay nợ được
cũng là điều tốt, kể cả vay để đảo nợ hay đáp ứng các nhu cầu trong đầu tư,
sản xuất.
"Nhiều
người vẫn lo lắng việc vay nợ nước ngoài sẽ làm tăng tổng nợ. Tuy nhiên, khi
Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ, về nguyên tắc tổng nợ không
thay đổi vì đây là vay để trả nợ, nó chỉ còn lại vấn đề từ khoản vay đã hết
hạn, Việt Nam cần trả nợ và bây giờ sẽ dùng nguồn nào để trả. Nếu khoản nợ đó
được trả bằng ngân sách Nhà nước thì phải thắt chặt chi tiêu, giảm các
khoản đầu tư của ngân sách, ảnh hưởng đến đầu tư công, đến khả năng tăng
trưởng của nền kinh tế trong tương lai.
Thực tế, nhiều năm nay ngân sách Việt
Nam tiếp tục thâm hụt, Việt Nam lại đang có nhu cầu đầu tư phát triển sản
xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng nên khả năng giành tiền từ ngân sách để trả nợ
là không nhiều, nếu phát hành được trái phiếu để trả nợ thì cũng là điều tốt.
Dĩ nhiên đi vay để trả nợ không phải phương án tốt nhất nhưng nó là phương án
tốt hơn so với việc phải cắt giảm các khoản đầu tư, chi tiêu từ ngân sách để
trả nợ. Còn phương án tốt nhất vẫn là nền kinh tế Việt Nam sử dụng các khoản
vay một cách hiệu quả, đầu tư cho sản xuất kinh doanh, lãi tăng trưởng để trả
món nợ đó", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng chia
sẻ điều nhiều người đang lo lắng, đó là việc Việt Nam trước đây vay nợ để đầu
tư vào sản xuất, vào kinh tế không thực sự hiệu quả, nay lại muốn tiếp tục
vay nữa.
"Nhưng cái gì đầu tư thì cũng đã
đầu tư rồi, vấn đề quan trọng là Việt Nam đã đến hạn trả nợ, nếu không trả
lập tức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam sẽ đi xuống và nó sẽ ảnh hưởng đến
hàng loạt vấn đề khác, lãi suất vay và ưu tiên về kinh tế.
Nếu Việt Nam không muốn đối diện nguy
cơ vỡ nợ thì buộc phải cắt xén các khoản chi tiêu từ ngân sách Nhà nước để
trả nợ nước ngoài. Như thế sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chi tiêu của chính phủ,
làm cho nền sản xuất đình trệ, tăng trưởng chậm lại hoặc có nguy cơ vỡ nợ.
Việt Nam đang kéo dài khoản nợ đã vay
mà đáng ra phải trả bây giờ, do đó tôi xin nhắc lại nếu vay được để trả nợ sẽ
tốt hơn là không thể trả được nợ hoặc cắt xén các khoản chi tiêu, đầu tư khác
để trả nợ", ông Thịnh nói.
Vị chuyên gia lưu ý rằng cần phải căn
cứ vào khả năng thu và trả nợ của ngân sách Nhà nước để đặt mức độ khống chế
vay nợ nước ngoài. Nếu có nhu cầu sử dụng hiện nay nhưng không tính toán việc
sử dụng có hiệu quả, khả năng bồi hoàn vốn cũng như khả năng mang lại lợi ích
kinh tế thì không nên vay.
Ngoài ra, nếu vay để chi cho chi tiêu
thường xuyên, đáp ứng các nhu cầu của ngân sách Nhà nước hoặc vay để phát
triển cơ sở hạ tầng thì phải tính toán trong thời gian tới lấy gì để trả nợ,
không thể nhắm mắt vay bừa. Khi vay về phải đưa vào sử dụng theo các kế hoạch
đề ra để đảm bảo phát huy hiệu quả.
Trên cơ sở giám sát như thế mới tính
được khả năng trả nợ và nguồn trả nợ, không thể tách rời khâu vay nợ với khâu
quản lý tiêu dùng nợ và khâu trả nợ vay nước ngoài. Đây vừa là kế hoạch dài
hạn tầm vĩ mô và người đứng ra lập quy hoạch là Chính phủ vừa là kế hoạch
vay- trả nợ của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp lớn.
Phải lấy thu để chi
Trước những kiến nghị của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính
Việt Nam để tạo nguồn thu ngân sách như bán cổ phần Nhà nước tại doanh
nghiệp, công ty đã cổ phần hóa và kinh doanh hiệu quả như Mobifone, Viettel,
Sabeco, Habeco, Vinamilk; bán những bất động sản có giá trị lớn ở vị
trí trung tâm TP.HCM, Hà Nội..., dù là thành viên tham gia sáng lập
VAFI, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, góc nhìn nói trên của các nhà đầu tư
trong VAFI chưa toàn diện, trong khi nếu đứng ở phía nhà quản lý nhà
nước và nhìn trên tổng thể nền kinh tế thì còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ,
cân nhắc.
Dẫn đề xuất đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN, ông Thịnh nhấn mạnh
đây là mục tiêu của Chính phủ Việt Nam và cũng là khuyến cáo của nhiều tổ
chức quốc tế nhằm giảm thiểu các DNNN, tạo sự năng động, cạnh tranh hơn cho
nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên không phải vì thế mà Việt Nam thực hiện cổ
phần hóa bằng mọi giá. Điều cần thiết hơn là phải làm thế nào để Nhà nước thu
được lợi ích lớn nhất từ các DNNN và không tạo ra một cú sốc lớn trong nền
kinh tế vì Nhà nước đang nắm tương đối nhiều DNNN, ở những ngành kinh tế then
chốt, nếu buông ra không khéo có thể gây xáo trộn và hỗn loạn.
Thứ hai, nhiều DNNN hiện nay kinh doanh không có hiệu quả, nếu cổ
phần hóa thì thông thường sẽ đặt các DNNN này dưới giá trị thật của nó và Nhà
nước sẽ mất đi những tài sản đáng quý mà ở thời điểm khác, với khả năng khác
nó có giá hơn nhiều.
Thứ ba, trong khoảng thời gian 2008 trở lại đây, tốc độ cổ phần
hóa DNNN tại Việt Nam không cao và không nhanh, một phần vì khủng hoảng kinh
tế thế giới và kinh tế Việt Nam cũng trì trệ đối phó với cuộc khủng hoảng này.
Bây giờ bán các DNNN và cổ phần hóa trong điều kiện này, ai mua, giá thế nào
là vấn đề phải suy nghĩ. Từ vấn đề này, việc cổ phần hóa có thể chậm lại.
Nhiều ý kiến nói các cơ quan chủ quản, đội ngũ lãnh đạo DNNN vẫn
có sức ỳ và không muốn cổ phần hóa nhưng cũng phải thấy có nhiều điều kiện cổ
phần hóa chưa thể đẩy mạnh lên. Phải đẩy mạnh cổ phần hóa nhưng không phải là
đẩy mạnh một cách ồ ạt và không tính toán. Nếu thế, chỉ các nhà đầu tư nước
ngoài được lợi, còn bản thân Nhà nước Việt Nam bị thiệt thòi. Đây từng là bài
học đớn đau của các nước XHCN khi Đông Âu tư nhân hóa nền kinh tế, họ bán các
DNNN với giá cực rẻ và bán bằng mọi giá, cuối cùng lợi ích chỉ tập trung vào một
nhóm người và họ trở lên cực kỳ giàu có, còn đại đa số người dân trở nên
trắng tay, tài sản Nhà nước bị thất thoát.
Hay đề xuất xây dựng ngành công nghiệp chứng khoán thành ngành
kinh tế mũi nhọn, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam cũng rất muốn làm
điều này nhưng vấn đề là các cổ phiếu chứng khoán Việt Nam như thế nào.
Cũng như các nền kinh tế chuyển đổi khác, hàng hóa của Việt Nam
hiện nay còn nhiều vấn đề, sự minh bạch trong thông tin của các công ty niêm
yết còn hạn chế, các đơn vị xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động
của thị trường chứng khoán chưa phát triển.
Việt Nam là một trong những thị trường chứng khoán phát triển
tương đối nhanh của thế giới nhưng đừng hy vọng rằng Việt Nam sẽ chứng khoán
hóa toàn bộ nền kinh tế như những nước có thị trường chứng khoán cả trăm năm nay.
Nó không có trong thói quen người dân, không có thói quen trong nền kinh tế
vì thế phải từ từ. Còn thể chế, cơ chế chính sách, điều kiện thì Nhà nước
Việt Nam đã cố gắng đến mức tối đa.
Về đề xuất bán khách sạn đất vàng, theo ông Thịnh, đó là những
địa điểm mà hiện tại có thể có giá trị cao nhưng vẫn chưa là cao nhất. Hơn
nữa bây giờ bán hết đi thì sau này lấy gì để bán? Lo ngại Nhà nước ôm những
khu đất vàng này thì hiệu quả không cao là đúng, vấn đề là làm thế nào để đạt
hiệu quả cao, có thể bán nhưng phải bán dần dần và phải cảm thấy giá đó là
hợp lý nhất và cần thiết phải bán.
Điều quan trọng nhất hiện nay để cân bằng ngân sách, đó là chi
tiêu công phải hiệu quả, giảm thiểu được các khoản chi thường xuyên xuống mức
tối đa vì chi thường xuyên của Việt Nam hiện nay là một trong những vấn đề rất
lớn với bộ máy quản lý cồng kềnh, chi phí phục vụ cho quản lý hành chính quá
lớn.
Đối với các đầu tư công, như đầu tư về đường sá, cầu cống hoặc
các đầu tư khác phải xác định những dự án, công trình nào cần thiết, tập
trung đầu tư để nó phát huy ngay hiệu quả và phải làm thế nào để có hiệu quả
đầu tư cao nhất, tránh để xảy ra tình trạng như nhiều người nói - chỉ 50-60%
vốn đi vào dự án, công trình, còn lại rơi rớt dọc đường.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh trăn trở: "Từ trước tới nay chúng ta
quá lãng phí trong chi tiêu công, từ tiền lương đến hệ thống quản lý, năng
suất lao động của bộ máy quản lý lại kém khiến ngân sách cứ bị đội lên và thâm
hụt, phải đi vay nước ngoài. Cứ đòi hỏi tăng nguồn thu nhưng tăng bao nhiêu
cho đủ nếu không quản lý hiệu quả chi tiêu?
Vì thế, điều quan trọng nhất là làm hế nào để chi tiêu công
có hiệu quả, để các cơ quan nhà nước giảm thiểu tối đa nhưng hợp lý các chi
tiêu, từ đó đem lại hiệu quả trong quản lý. Phải lấy thu để chi, đừng lấy chi
để buộc phải tăng thu, đây là điều lâu nay nhiều người ở Việt Nam vẫn nhầm lẫn".
(Theo Đất Việt)
Thành Luân
|
Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét