Trò phù
phép từ những cuốn sổ tiết kiệm
Cập nhật lúc 09:45
Mánh lừa đảo bằng những cuốn sổ tiết kiệm đã
được tội phạm tiến hành khá tinh vi và lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội.
Người bị hại bị rơi vào bẫy lừa, một số là do lòng tham, do thiếu hiểu biết,
do bất cẩn hoặc do những nguyên nhân khách quan khác, nhưng tất cả đều phải
gánh chịu những thiệt thòi lớn, thậm chí rất lớn về mặt tài chính.
Hàng trăm tỉ đồng có nguy cơ mất trắng
vì sổ tiết kiệm lởm
Tại Cơ quan Điều tra (CQĐT) Công an TP Hà Nội, bà Nguyễn
Thị Chính năm nay đã ngoài 70 tuổi, cầm trên tay cuốn sổ tiết kiệm
của doanh nghiệp vàng bạc Thanh Tuấn mà run cầm cập, nấc nghẹn đau đớn kể:
“Năm 2009, người dân tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ ùn ùn rủ nhau
mang tiền đến tiệm vàng Thanh Tuấn (số 71, tổ 4 Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai,
huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để gửi tiết kiệm vì lãi suất ở đây cao gấp đôi so
với lãi suất tiền gửi tại ngân hàng. Bà Chính cũng gom góp số tiền chắt bóp
cả đời gồm tiền mặt và 8 cây vàng trị giá khoảng gần 700 triệu đồng tới gửi.
Bà Chính cho biết, khi gửi tiền tại đây, bà nhận được một
sổ tiết kiệm có đóng dấu đỏ của doanh nghiệp, giống như sổ tiết kiệm của ngân
hàng nên bà rất yên tâm. Thời gian đầu, doanh nghiệp trả lãi rất đầy đủ. Đến
năm 2011, thấy hiện tượng tiệm vàng Ngọc Toàn ở gần đó bị “vỡ nợ”, bà Chính
lo lắng đến đòi lại tiền thì được chủ tiệm vàng Nguyễn Thị Thanh trấn an
rằng: “Cô cứ yên tâm, đây là tiền dưỡng già của các cô, chúng cháu không nỡ
lòng nào…”.
Thấy tiệm vàng vẫn bày bán rất nhiều vàng, bà Chính đề
nghị xin rút số vàng đã gửi nhưng cũng không được với lý do vàng của bà đã
được mang đi cho vay, còn vàng ở tiệm là để doanh nghiệp còn kinh doanh. Đến
khi bà Chính đòi ráo riết, chủ tiệm vàng nói sẽ quy ra đất để trả. Nhưng theo
lời bà Chính thì đất đai họ đưa ra toàn ở chỗ xa xôi mà giá thì cao ngất, cả
tỉ đồng. Họ bảo muốn lấy đất thì phải đưa thêm tiền cho họ theo kiểu bắt bí
vì họ biết chúng tôi đều đã kiệt quệ rồi!
Cùng cảnh như bà Chính, nhưng ông Nguyễn Xuân Tiến, 66
tuổi ở tổ 3 khu Tân Xuân, thị trấn Xuân Mai còn đau đớn hơn. Bấy lâu nay, từ
khi mọi chuyện vỡ lở, ông luôn day dứt ân hận rằng có lỗi với con, vì đã ném
toàn bộ công sức lao động nhọc nhằn của con ông suốt 6 năm trời ở xứ người
vào túi của bọn lừa đảo. Thở dài thườn thượt khi nhắc đến số tiền hơn 1 tỉ
đồng đã gửi cho doanh nghiệp Thanh Tuấn và Ngọc Toàn, ông nói như mếu: “Vợ
chồng tôi làm gì có được số tiền lớn như thế mà gửi! Đây là số tiền tích cóp
của cậu con trai xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc suốt 6 năm trời gửi về nhờ
bố mẹ giữ hộ để khi về Việt Nam cưới vợ. Tiền mồ hôi nước mắt của cháu. Chúng
tôi muốn khi về, cháu có số vốn kha khá để còn mua nhà, xây dựng gia đình”.
Khi thấy dấu hiệu tiệm vàng Ngọc Toàn bị đổ bể, ông Tiến
lo lắng đến doanh nghiệp Thanh Tuấn để lấy lại số tiền 630 triệu đồng gửi ở
đây. Nhưng theo lời ông Tiến thì “cô Thanh chủ tiệm vàng khóc lóc van xin tôi
để cho cô ấy thư thả chứ cùng lúc mọi người dồn đến đòi tiền thì cô ấy không
trả nổi. Tiền của chúng tôi, cô ấy nói cũng đã cho người khác vay. Cô ấy hứa
khi nào tình hình êm dịu sẽ trả rồi đưa cho tôi một quyển sổ đỏ cầm để làm
tin. Nhưng chờ đợi mãi mà tiền họ chẳng trả”.
“Hụi biến tướng”
Những nạn nhân của trò lừa này, không chỉ dừng
lại ở ông Tiến, bà Chính mà còn nhiều nhiều nữa. Cùng với hình thức gửi tiền,
có người còn gửi cả vàng. Nạn nhân bị dụ bỏ tiền ra mua vàng ở chính cửa hiệu
này rồi lại tự tay gửi lại, chỉ mang về một cuốn sổ với hình thức y chang sổ
tiết kiệm của các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nếu lãi suất
tiền gửi cao gấp đôi lãi suất ngân hàng thì lãi suất gửi vàng cũng cao ngất
ngưởng như vậy. Gửi vàng ở cửa hàng này, cứ có 100 chỉ vàng là mỗi tháng
người gửi sẽ được lãi ròng 1 chỉ vàng.
Người gửi vàng hay tiền đều được cầm một cuốn sổ tiết kiệm
có hình thức giống sổ tiết kiệm của hệ thống ngân hàng đến… giật mình. Trong
sổ cũng có bảng kê xác nhận số tiền gửi, số tiền rút lãi và tiền gốc, có chữ
ký và con dấu của doanh nghiệp. Đặc biệt phần bìa cuốn sổ có ghi rõ những quy
định đối với người gửi tiền, giống như quy định của ngân hàng, như: Khi lĩnh
tiền, người gửi phải xuất trình sổ tiết kiệm, CMND hoặc sổ hộ khẩu, ký đủ và
ký đúng chữ ký đã đăng ký tại doanh nghiệp; khi mất sổ phải thông báo kịp
thời cho doanh nghiệp, tránh bị lợi dụng và phải chịu hậu quả của việc mất
sổ. Trước khi có nhu cầu rút tiền, lúc đáo hạn, đề nghị thông báo cho doanh nghiệp
trước 2-3 ngày. Tiền gửi của khách được giữ bí mật và tuyệt đối an toàn.
Theo Thượng tá Mai Trọng Thắng, Phó thủ trưởng Cơ quan
CSĐT (PC46) Công an Hà Nội, vụ phát hành sổ tiết kiệm dẫn đến không có khả
năng thanh toán của 2 doanh nghiệp nêu trên thực chất là một dạng vỡ họ, hụi
biến tướng. Nếu như trước đây, các đối tượng vay tiền chỉ cam kết bằng giấy
vay hoặc hợp đồng góp vốn thì với sổ tiết kiệm có hình thức giống như sổ của
ngân hàng, 2 doanh nghiệp này đã gây được niềm tin cho người dân. Tuy nhiên,
mục đích của việc phát hành sổ tiết kiệm vẫn là chiếm dụng vốn của người dân
để kinh doanh.
Thượng tá Mai Trọng Thắng cho rằng, việc 2 doanh nghiệp
vàng bạc Ngọc Toàn và Thanh Tuấn không được phép kinh doanh tiền tệ, tín dụng
nhưng đã tự ý phát hành sổ tiết kiệm để huy động vốn sử dụng vào mục đích cá
nhân là hành vi vi phạm pháp luật, lần đầu tiên xảy ra ở Hà Nội. Kinh doanh
tài chính là ngành nghề kinh doanh đặc biệt, phải có giấy phép của cơ quan
chức năng về hoạt động kinh doanh có điều kiện. Hiện tại cơ quan CSĐT đã khởi
tố vụ án và khởi tố các bị can về tội “Kinh doanh trái phép” để điều tra, xử
lý theo pháp luật.
Vì sao người dân mắc bẫy?
Tất cả những người bị hại trong vụ vỡ hụi biến tướng này
khi tiếp xúc với chúng tôi đều cho biết, họ mắc bẫy vì mấy lý do sau đây:
Bà Nguyễn Thị Chính vừa mếu máo vừa kể: “Đúng là chả ai
ngu dại như chúng tôi. Họ trả lãi suất cao quá nên ham cô ạ. Thứ nữa, chả ai
nghĩ họ vỡ nợ vì tiệm vàng Thanh Tuấn là tiệm vàng lớn nhất trong khu vực. Từ
trước đến nay, người dân ở thị trấn và các vùng lân cận thường tới đây mua
bán vàng. Trong khoảng thời gian 2008-2010, việc kinh doanh của tiệm vàng này
“nổi” rất nhanh, chủ tiệm vàng mua sắm một loạt tài sản có giá trị cao như nhà
đất, ôtô... nên tạo uy tín cho người dân.
Doanh nghiệp Thanh Tuấn được vinh danh là một trong những
doanh nghiệp làm ăn tiêu biểu tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ doanh
nghiệp còn được đề cử ra ứng cử vào Hội đồng nhân dân của địa phương. “Đến khi
sự việc đổ bể, chị Thanh tuyên bố rằng chúng tôi đến… tòa án mà đòi tiền”.
Thái độ thách thức của chủ doanh nghiệp khác hẳn với sự đon đả, ngọt ngào khi
tiếp nhận việc gửi tiền.
Còn cô Phạm Thị Tuyến, cán bộ một trường đại học trên địa
bàn thị trấn Xuân Mai xót xa kể, năm 2011, vợ chồng tích cóp được một khoản
tiền đủ mua 10 cây vàng để chuẩn bị xây nhà. Khi đến tiệm vàng Thanh Tuấn mua
cô được chủ tiệm vàng Nguyễn Thị Thanh và nhân viên “gợi ý” gửi lại số vàng
này với lãi suất 1 chỉ vàng/100 chỉ/1 tháng. Chủ tiệm vàng còn cho biết,
trường hợp muốn lấy lại, chỉ cần báo trước 3-5 ngày. Chị đồng ý gửi vì nghĩ
mang số vàng này về nhà cất giữ cũng không an toàn mà gửi ở đây lại có lãi,
vàng lại sinh ra vàng. Thế nhưng, 1 tháng sau, khi cô Tuyến đến lấy vàng thì
tiệm vàng nói chưa có vàng trả, chỉ cho rút gốc 1 chỉ. Từ bấy đến nay là hành
trình trần ai đòi nợ mà không được.
Một số người bị hại khác thì tin vào cái cuốn sổ làm nhái
kiểu sổ tiết kiệm của ngân hàng kia. Họ nói họ tin vào cái dấu đỏ choét của
doanh nghiệp kinh doanh vàng như một thứ đảm bảo. Họ nghĩ, doanh nghiệp này
cũng như ngân hàng mà lãi suất lại cao hơn nhiều nên gửi mà không hay biết
rằng việc phát hành sổ tiết kiệm của tiệm vàng là vi phạm pháp luật và thực
chất chỉ là một biến tướng tinh vi của việc chơi hụi!
(Theo Năng lượng Mới) Công Duy - Song Thi
|
Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét