Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

20:35

Không chỉ là đấu thầu

Gần đây, quá nhiều thông tin về ngành y khiến thiên hạ phát sốt phát rét. Mới nhất, Công an TP Hà Nội đã quyết định khởi tố bị can đối với 10 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoài Đức về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vụ "nhân bản xét nghiệm” đã bộc lộ quá nhiều điều, trong đó nổi lên là sự liều lĩnh bất chấp pháp luật, gạt bỏ y đức, trục lợi mang tính tập thể. Người ta còn lo ngại những vụ mua sắm trang thiết bị y tế tiền tấn và giờ đây là chuyện đấu thầu thuốc. Nghe tin phải đấu thầu tập trung (vào đấu mối duy nhất là một tổ chức của Sở Y tế), nhiều BV đã nại ra các lý do để né tránh. Bởi họ mơ hồ cảm thấy quyền lợi của mình sẽ mất.
 
Bình luận về vấn đề đấu thầu thuốc trong bệnh viện, một người dân lên tiếng: Không biết các vị đấu thầu thế nào mà một viên thuốc kháng sinh có cùng hoạt chất, hàm lượng, chỉ khác nhà phân phối thôi;  mà thuốc thanh toán khi khám BHYT có giá gần 10.000 đ/viên, còn đi mua ở nhà thuốc tư nhân chỉ hơn 4.000 đ/viên. Thành ra, cùng bị viêm họng khi đi khám BHYT số tiền "cùng chi trả” 20% đã lớn hơn số tiền đến trực tiếp khám bác sĩ ở phòng mạch tư (cả tiền khám và tiền thuốc). 

Nhìn lại, kết quả trúng thầu thuốc, dịch truyền vào các BV công lập của TPHCM năm 2012 mới giật mình. Chẳng hạn, cùng dung dịch tiêm truyền Glucose 10% của Công ty Hóa dược phẩm Mekophar (TPHCM) trúng thầu vào BV Nhi đồng 2 là 9.270 đồng/chai, nhưng trúng thầu vào BV Nhi đồng 1 là 9.000 đồng/chai. Cũng tại 2 BV Nhi này còn có những loại thuốc "giống tất tần tật” nhưng lại có giá khác nhau rất lớn như bột đông khô pha tiêm Acyclovir 500mg (Acyclovir for Injection USP) do Benvenue (Mỹ) sản xuất được Công ty TNHH Dược phẩm Việt-Pháp trúng thầu vào BV Nhi đồng 2 có giá 1.000.000 đồng/lọ, nhưng cũng loại bột này trúng thầu vào BV Nhi đồng 1 là 1.100.000 đồng/lọ. Chênh lệch nhau 100.000 đồng/lọ, không phải chuyện đùa. 

Với thuốc nhập khẩu còn khiếp hơn. Cùng hoạt chất Glucosamin sulfat hàm lượng 500mg của Công ty Probiotec Pharma (Úc) sản xuất có tên thương mại Joint Aid do Công ty cổ phần Dược phẩm Phú Yên cung ứng trúng thầu vào BV Đa khoa khu vực Hóc Môn có giá 3.985 đồng/viên, nhưng Glucoflex 500 do Ampharco USA (liên doanh Việt Nam - Mỹ) sản xuất được Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn cung ứng trúng thầu vào BV Đa khoa khu vực Củ Chi là 880 đồng/viên. Một sự chênh lệch khủng khiếp!

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó GĐ Bảo hiểm xã hội TPHCM từng thốt lên: Cùng một loại hoạt chất, hàm lượng, dạng bào chế, chỉ khác tên thương mại do trong nước sản xuất nhưng khi trúng thầu vào BV lại chênh vênh giá đến mức khó tin. Tại sao như vậy, hay là để được đưa thuốc vào mỗi BV, các nhà cung cấp đã chi hoa hồng, "đi đêm” riêng rẽ?

Thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng con người. Vì vậy, việc lợi dụng khe hở pháp lý để trục lợi (cho cá nhân hoặc dưới danh nghĩa phúc lợi tập thể) thì cũng đều không chấp nhận được. Nào có mấy ai dám mặc cả với cái chết, giá thuốc thế nào mà chẳng phải mua, do đó khi BV tính toán trục lợi cũng có nghĩa là đang tiến hành một hành vi thiếu đạo đức. Chỉ vì hoa hồng cao mà thuốc ngoại ùa vào hầu hết các BV, trong khi thuốc nội cùng chủng loại đành phải đứng ngoài cuộc chung chi. Ngành Dược Việt Nam bó tay thúc thủ ngay trên sân nhà, cho dù chính các nhà bào chế châu Âu từng nhận xét một cách hình ảnh là người Việt Nam sống yếu đuối trên một kho dược liệu quý giá. Các doanh nghiệp (DN) Dược trong nước từng chỉ ra rằng, trong hơn một năm qua, thuốc nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan… trúng thầu rất nhiều, nhưng chất lượng thì không biết đường nào lần, lại kéo dài thời gian điều trị cho bệnh nhân và ảnh hưởng đến uy tín của bác sĩ, bảo hiểm y tế. Trong khi DN Dược trong nước muốn sản xuất phải hội tụ đủ rất nhiều tiêu chuẩn, chịu sự kiểm tra gắt gao. Điều đó cũng có nghĩa là DN Dược trong nước bị kìm hãm. Hiện thị trường có 28.000 mặt hàng thuốc mà đã có hơn 15.000 hoạt chất ngoại nhập, một con số rất đáng suy nghĩ.

Chính vì thế, ông Lê Văn Tăng- Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nếu DN trong nước sản xuất được thì không cho nhập thuốc cùng chủng loại, kể cả thuốc đủ tiêu chuẩn, thuốc tốt. "Chính sách là do chúng ta làm ra, mỗi người phải giảm lợi ích một chút nào đó để mang lại lợi ích cho người dân”, ông Tăng nói. Không thể để mãi chuyện hai BV cách nhau có vài chục mét nhưng giá thuốc chênh nhau đến 20%. Vẫn theo ông Tăng, thuốc sẽ là lĩnh vực tiên phong trong đấu thầu tập trung, bởi nhiều chuyên gia ngành Dược khẳng định: Không có cách nào mua thuốc tốt bằng đấu thầu tập trung! Tất nhiên, đây là vấn đề khó khăn, vì nó động chạm trực tiếp đến lợi ích cá nhân (của người có quyền) và cả lợi ích nhóm- khi cả một tập thể quyết chí làm sai. 

Tuy nhiên, khi đấu thầu thuốc tập trung về Sở Y tế thì hội đồng thẩm định, phê duyệt ở Sở phải thật sự công tâm, thật sự trách nhiệm. Nếu không, chỉ cần một loại thuốc trúng thầu kém chất lượng hay bị "hớ” giá thì tất cả các BV đều lãnh đủ. Và phần thiệt sẽ vẫn lại thuộc về người dân lành khi lâm bệnh. 

Cho nên mới nói, không chỉ là đấu thầu, mà còn là trục lợi, là suy thoái đạo  đức, nhất là khi nó lại xảy ra trong ngành Y.

Việc đấu thầu thuốc tập trung thực hiện theo Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19-1-2012. Các Sở Y tế thành lập một tổ chức để thực hiện mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế cho hệ thống BV công. Đơn vị này sẽ tiếp nhận nhu cầu từ các BV công của địa phương, đứng ra tổ chức đấu thầu mua sắm theo nhu cầu này. Sẽ có một hội đồng gồm y tế, tài chính, bảo hiểm… đứng ra đàm phán với nhà cung cấp để có giá hợp lý và thống nhất khi đi vào BV.

(Theo ĐĐK.vn) NAM VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét