Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

 08:05

 Đánh thuế lãi tiền gửi:

Lợi kép


(Thời báo Kinh Doanh) - Những quy định mới về việc thu thuế từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn đang tạo ra nhiều phản ứng khác nhau trong dư luận. Về phía doanh nghiệp (DN), họ cho rằng việc đánh thuế trên lãi tiền gửi ngân hàng sẽ tạo khó khăn cho DN, bởi trong bối cảnh sản xuất kinh doanh, phần lãi tiền gửi ngân hàng được họ dùng để chi trả lương, thưởng cho người lao động.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lại ủng hộ quyết định này. Bởi theo họ, đây là quy định bổ sung phù hợp theo thông lệ quốc tế. Hơn nữa, việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ kích thích các DN chủ động tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh, thay vì gửi vốn vào ngân hàng để lấy lãi như hiện nay.

Triệt tiêu "ý đồ" gửi ngân hàng hưởng lãi

Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TNDN.

Theo dự thảo này, Bộ Tài chính bổ sung các danh mục phải chịu thuế thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ bao gồm: lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD), lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn…

Về vấn đề này, ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, cho biết Bộ không đề xuất đánh thuế đối với các cá nhân có thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm, mà chỉ đánh thuế đối với các DN. "Thực ra, quy định này đã được nêu cụ thể tại Nghị định 124/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TNDN. Dự thảo nêu trên chỉ áp dụng đối với các đối tượng là DN", ông Lợi khẳng định.

Tuy nhiên, dự thảo này vấp phải phản ứng khá gay gắt từ phía DN. Họ cho rằng quyết định đánh thuế từ lãi tiền gửi của DN dường như là cách tận thu của cơ quan chức năng hiện nay và Bộ Tài chính nên xem xét lại. Bởi trong bối cảnh hiện nay, DN gửi vốn vào ngân hàng là để bảo toàn vốn, lấy lãi chi lương, thưởng cho người lao động.

Ngược lại, các chuyên gia lại cho rằng việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm là hợp lý. "Hầu hết các nước trên thế giới đều đánh thuế các khoản thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn của DN. Vì vậy đây là quy định hợp lý. Phải hiểu đây là đánh thuế vào tiền lãi, tiền thu được từ mua bán, tiền lãi chứ không phải đánh thuế tiền gốc của DN", Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho biết.

Ts. Hiếu còn cho rằng việc đánh thuế lãi tiền gửi của DN tại các TCTD, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật cũng là một cách để kích thích DN rót vốn vào sản xuất, kinh doanh, thay vì gửi vốn vào ngân hàng để thu lãi. Ngoài ra, nếu chủ trương được thông qua, việc này cũng đóng góp một phần cho việc thu ngân sách đang bị thâm hụt hiện nay.

Đồng quan điểm trên, Ts. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng Bộ Tài chính đưa lãi tiền gửi của DN vào đối tượng thu nhập chịu thuế là có lý của họ. "Có thể Bộ Tài chính muốn DN chủ động tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh, thay vì gửi vốn vào ngân hàng để lấy lãi như hiện nay", Ts. Phong bình luận.

 

Theo Ts. Phong, đây cũng là cách để cơ quan chức năng đốc thúc các đơn vị, DN, tổ chức muốn trì hoãn nộp ngân sách, trì hoãn trả lương cho người lao động, trì hoãn nộp thuế để tranh thủ nguồn tiền gửi ngân hàng lấy lãi.

"Ngoài ra, đây cũng có thể là biện pháp để tác động đến các quỹ của các tổ chức, tập đoàn lớn không chịu đầu tư vào các công ty con mà tận dụng nguồn tiền để gửi ngân hàng kiếm lời", Ts. Phong bình luận.

Doanh nghiệp sẽ đổ tiền vào sản xuất?

Nhiều chuyên gia tin rằng việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ đẩy một khoản tiền lớn đổ vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Qua báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của DN, cho thấy những "ông vua" tiền mặt sẽ không chịu để yên khoản tiền khổng lồ đang nằm yên tại ngân hàng chỉ để hưởng lãi suất thấp mà còn phải đóng thuế.

Có thể điểm mặt qua một số "ông lớn" có lượng tiền mặt khổng lồ đang gửi ngân hàng. Điển hình nhất là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), với khoản tiền gửi các ngân hàng tính đến 31/12/2012 là 19.600 tỷ đồng, một số tiền rất lớn được mang đi gửi ngân hàng để kiếm lãi, trong khi hàng trăm ngàn DN đứng trước nguy cơ thiếu vốn và phá sản. Nếu như dự thảo Luật Thuế TNDN được thông qua, liệu SCIC có nằm trong diện chịu thuế lãi tiền gửi ở ngân hàng?

Một "ông vua" tiền mặt nữa là Tập đoàn Bảo Việt (BVH). Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013, tổng tiền gửi tại các TCTD và tổ chức tài chính từ ngắn đến dài hạn của BVH lên đến 14,549 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính đến 30/6/2013, PV Gas có đến 17.700 tỷ đồng tiền mặt. "Ông lớn" xăng dầu Petrolimex cũng có trên 8.200 tỷ đồng. Tập đoàn Masan Group gửi ngân hàng lên đến 6.400 tỷ đồng. Tập đoàn Vingroup cũng có 6.000 tỷ đồng gửi trong ngân hàng. Đạm Phú Mỹ cũng có hơn 6.000 tỷ đồng "nhờ" ngân hàng giữ hộ.

Các DN khá quen thuộc khác như Kinh Đô, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, FPT, Vinamilk cũng có từ 1.500 - 4.900 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng. Công ty CK Morgan Stanley Hướng Việt (MSG) cho biết đơn vị này đang gửi ngân hàng hơn 350 tỷ đồng, chiếm tới 98% tài sản của DN.

Điểm qua như vậy cũng có thể thấy hàng chục DN có số dư tiền mặt hàng ngàn tỷ đồng được gửi tại các ngân hàng sẽ có nguy cơ phải đóng thuế. Vấn đề đặt ra liệu những DN này có liều lĩnh hơn ngân hàng và đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh?
(Theo Thời báo Kinh doanh) Minh Huệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét