10:45
Cặp đôi Lưu Quang Vũ - Phạm Thị Thành đã "nói xấu 18 cơ quan"
Liên tiếp hai buổi tối, Nhà hát Tuổi trẻ đưa hai vở kịch của Lưu Quang Vũ đến với người xem hôm nay: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và “Lời thề thứ 9”. Tối nào cũng đông chật khán giả. Và đều thấy ở những hàng ghế đầu tiên là đạo diễn - NSND Phạm Thị Thành - người mà một thời là “cặp bài trùng” với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ trong nghề nghiệp.
Giờ hiếm thấy có một cặp đạo diễn - tác giả kịch bản nào ăn ý như thế. Trong rất nhiều những tài liệu, tờ rơi, tờ giới thiệu về NHTT từ ngày đầu thành lập mà bà Thành cất giữ, còn cả tờ chương trình vở kịch đầu tiên của Lưu Quang Vũ - vở “Sống mãi tuổi 17”, mà họ cùng nhau dựng từ hơn 30 năm trước.
Mang tiếng “nói xấu 18 cơ quan”
Được biết bà là người “phát hiện” ra Lưu Quang Vũ, phải không thưa bà?
- Năm 1979, sau khi tôi học ở Liên Xô về và tham gia thành lập Nhát hát Tuổi trẻ (NHTT), để chuẩn bị cho việc ra mắt nhà hát, chúng tôi muốn có một vở diễn có hình tượng Lý Tự Trọng, người anh hùng của tuổi trẻ. Tôi được giới thiệu kịch bản “Ông Nhỏ” của tác giả Đào Duy Kỳ, nhưng kịch bản này không có tính sân khấu. Tôi đi tìm hiểu ở những người bạn của Lý Tự Trọng lúc đó vẫn còn sống, rồi về bố cục lại vở diễn. Nhưng đến lúc viết thì tôi lại gặp khó khăn.
Họa sĩ Phùng Huy Bính đã đề nghị tôi mời Lưu Quang Vũ, lúc đó đang viết cho tạp chí Sân khấu, cộng tác. Tôi sang gặp, Lưu Quang Vũ nhận lời viết trong 20 ngày. Nhưng mới 2 tuần Vũ đã nhắn bảo viết xong rồi. Tôi nghe anh đọc thấy hay quá, tình tiết câu chuyện, tính cách các nhân vật đều rõ ràng, mạnh mẽ và đầy kịch tính.
Chúng tôi đồng ý, phần tác giả đề tên cả 3 người: Đào Duy Kỳ - Lưu Quang Vũ - Phạm Thị Thành. Vở đã được huy chương vàng hội diễn sân khấu năm 1980, đem lại một không khí mới mẻ cho hội diễn. Với vở này, Lưu Quang Vũ bắt đầu viết kịch chuyên nghiệp cho sân khấu. Trước đó, anh có một vở cho Nhà hát chèo nhưng không mang tính chuyên nghiệp. Sau đó là “Mùa hạ cuối cùng”, “Cô gái đội mũ nồi xám”… anh nổi tiếng dần.
Từ đó đến lúc mất là 10 năm, anh viết hơn 50 vở, vở cuối cùng hoàn chỉnh là “Điều không thể mất”. Các tác phẩm của Lưu Quang Vũ giúp tôi trưởng thành trong nghiệp đạo diễn. Tôi đã đạo diễn 18 vở của Lưu Quang Vũ lúc anh còn sống, 6 vở khi anh đã mất - là tính theo tên kịch bản, còn nếu dựng cho các đoàn thì rất nhiều, bởi một vở của anh có khi nhiều đoàn, nhiều địa phương cùng dựng, ở đủ mọi thể loại kịch nói, chèo, hát mới… và đều rất ăn khách lúc đó.
Vậy có thể nói rằng Phạm Thị Thành - Lưu Quang Vũ là một cặp bài trùng trên sân khấu?
- Ngay từ vở đầu tiên mời Vũ viết, tôi đã thấy anh là một tài năng nổi trội. Sau này cùng nhau làm các vở khác, quả thật chúng tôi rất thân nhau và hợp nhau trong công việc. Chúng tôi dám mạnh dạn đưa những cái chưa tốt của xã hội lên sân khấu để phê phán. Vở “Mùa hạ cuối cùng”, khi đưa ra duyệt, có ý kiến nói rằng Lưu Quang Vũ, Phạm Thị Thành đã nói xấu 18 cơ quan.
Nào là mất đề thi, học sinh bỏ nhà ra đi là nói xấu ngành giáo dục, hội phụ nữ, rồi có đoạn 2 em đi xem phim bỏ về bảo phim chán là nói xấu ngành điện ảnh nước nhà… Họ bắt sửa thì chúng tôi cũng sửa, nhưng vẫn giữ được cái cốt lõi của vở diễn khi thể hiện những điều muốn nói bằng sự ước lệ. Lưu Quang Vũ rất đặc biệt. Anh đạt đỉnh cao trong nghệ thuật là bằng bản lĩnh, tài năng và lao động miệt mài.
Có lúc Vũ phải buộc chân vào chân bàn để ngồi viết, anh bảo mở trang giấy trắng ra thì mênh mông lắm, muốn bỏ đi lắm… Thân nhau thế, nhưng vở nào hợp với đạo diễn nào thì anh sẽ mời đạo diễn đó làm. Hoặc đang làm vở với anh, tôi làm thêm các vở khác thì anh cũng ủng hộ. Chúng tôi rất ăn ý với nhau, cần sửa chỗ nào thì đều bàn bạc và lắng nghe nhau. Hai vở của anh “Sống mãi tuổi 17” và “Lời nói dối cuối cùng” đều do tôi góp ý đặt tên đấy.
“Bài hát vẫn còn là dang dở…” (*)
Bà nói rằng cả bà và Lưu Quang Vũ đều dám nói lên mặt trái của xã hội. Vậy có bao giờ bà và Lưu Quang Vũ gặp rắc rối vì điều đó?
- Nhiều chứ. Vở “Nếu anh không đốt lửa” chẳng hạn, khi tôi dựng cho Nhà hát Kịch Hà Nội cũng có nhiều ý kiến rằng vở đó phê phán xã hội nhiều quá. Lúc đó là giữa những năm 1980, trung ương vừa ban hành nghị quyết về cởi trói cho văn nghệ sĩ. Chúng tôi mời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến xem vở đó, diễn ở cung Việt - Xô. Vở diễn là câu chuyện của một đồng chí cán bộ ở tỉnh được đưa về trung ương, sau đó lại bị điều lại về tỉnh, phê phán rất mạnh cơ chế bao cấp.
Tôi và Lưu Quang Vũ ngồi trong phòng chiếu đèn của cung, vừa theo dõi vở diễn, vừa theo dõi thái độ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Tôi nói với Vũ, nếu là minh quân thì chúng mình sống, không thì chúng mình chết. Đến giờ nghỉ, Tổng Bí thư nhắn tập hợp tất cả dàn diễn viên sau giờ diễn để ông tặng hoa. Tặng xong ông tiếp Lưu Quang Vũ và tôi, ông nói, câu chuyện cũng rất đúng với tôi, tôi cũng là người được điều về trung ương rồi lại về địa phương… Như vậy, sự ủng hộ của những người sáng suốt đã nhiều lần cứu các tác phẩm mà chúng tôi làm.
Hay vở “Người tốt nhà số 5”, khi diễn nhiều người bảo, anh Vũ, chị Thành nói xấu xã hội nhiều quá, 5 căn hộ thì có đến 4 người ích kỷ, vụ lợi, có mỗi một người tốt. Nhưng rất may vở đó cũng được Trung ương ủng hộ và tham dự hội diễn sân khấu ở Nghệ An.
Mới đây, xem lại “Lời thề thứ 9” của Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, cứ từng đoạn từng đoạn khán giả vỗ tay quá trời. Những tràng vỗ tay đó có làm bà thấy sống lại không khí của sân khấu một thời hoàng kim mà bà đã góp phần vào đó?
- Tôi muốn nói điều này với Lưu Quang Vũ, tôi tin yếu tố tâm linh trong đời sống và nghệ thuật là có thật. Trước khi anh Vũ mất, tôi và anh làm 3 vở cho đoàn kịch Hải Phòng. Tôi đến nhà anh Vũ - chị Quỳnh ở phố Huế, thấy trên bàn anh là kịch bản viết dở có tên “Chim sâm cầm đã chết”. Tôi bảo Vũ đừng đặt tên thế, đổi đi, và anh đổi thành “Chim sâm cầm KHÔNG chết”. Không lâu sau đó thì anh mất, vở chưa hoàn thành… Nhưng những người có tài năng thì luôn sống mãi với thời gian.
Tại sao Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đến hàng trăm năm rồi mà vẫn được nhân dân yêu mến! Họ luôn vượt qua thời gian để đồng hành cũng xã hội, cùng mọi người. Sắp tới Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, tôi cũng mong lấy lại được sự nhiệt tình và ủng hộ của khán giả với sân khấu. Các vở diễn của Lưu Quang Vũ, dù có phê phán xã hội chát chúa thế nào, thì cái kết cũng rất nhân hậu, đem lại niềm tin có lý có tình cho khán giả vào cuộc sống.
Xin cảm ơn bà.
(*) Tên một bài thơ của Lưu Quang Vũ.
(Theo Lao động) Mỹ Hằng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét