07:28
Giá thị trường
– Giá của người bán
Tháng 6.2004, lần đầu tiên giá các loại xăng
dầu trong nước đồng
loạt được nâng lên, dưới sức ép liên tục của thị trường thế giới mà khả năng
cầm cự của nhà nước trong việc “bình ổn giá” không thể tiếp tục kéo dài hơn.
Đây được coi là giai đoạn mở đầu của một quan điểm điều hành mới.
Chúng ta hội nhập và vì vậy chúng ta không thể đứng ngoài sân
chơi chung, dù rằng có khắc nghiệt của kinh tế thị trường.
Khi đó đã có rất nhiều phân tích về được mất của quyết định tăng
giá khó khăn ấy nhưng hầu hết đều cho rằng được nhiều hơn mất. Được vì, sự
che chắn thị trường trong nước khỏi biến động của thị trường thế giới dưới
hình thức nhà nước “bù lỗ” không làm cho các doanh nghiệp, cũng như người
tiêu dùng vững vàng hơn trong cuộc chơi chung; chính sách bù lỗ gây ra sự mất
công bằng trong thụ hưởng, lại khuyến khích buôn lậu…
Sau gần 10 năm, quan điểm điều hành giá xăng dầu, điện, nước và
một số mặt hàng thiết yếu khác theo thị trường đã trở thành chủ trương nhất
quán. Nó được dịch ra thành các chính sách cụ thể, dành nhiều quyền chủ động
trong việc quyết định giá bán các mặt hàng này cho các doanh nghiệp. Vẫn biết,
hàng hóa khi đã theo thị trường thì giá có thể tăng lúc thiếu và giảm khi
thừa.
Thế nhưng, nhiều năm qua, việc doanh nghiệp tăng hay giảm giá
xăng (theo thị trường thế giới) vẫn gây nhiều phàn nàn; giá điện, giá than
“tăng theo lộ trình” tạo ra nhiều mối lo ngại cho người tiêu dùng, là bởi vì,
việc cải cách các doanh nghiệp độc quyền không tương xứng với cơ chế “thị
trường” mà họ được hưởng. Trong khi thị trường thiếu sự cạnh tranh lành mạnh
mà những doanh nghiệp “con cưng” đã được trao quyền tự định giá thì lẽ đương
nhiên thị trường “vẫn là của người bán”. Nó đi ngược với lý lẽ của kinh tế
thị trường rằng “thị trường là của người mua”.
Vì thế, cũng cần cảnh giác khi các doanh nghiệp luôn đòi hướng
tới giá thị trường khi mà ở ta, chưa hề có thị trường cạnh tranh nào cả trong
ở các mặt hàng xăng dầu, điện, than. Không có cạnh tranh nên giá xăng dầu
không nhất thiết phải điều chỉnh tăng, giảm đúng với diễn biến của giá
thế giới. Tăng thì ngay lập tức nhưng giảm thì phải đợi “30 ngày”. Ai cũng
nhìn thấy sự “khôn lỏi” ấy của doanh nghiệp nhưng nhà nước không cách gì can
thiệp được (?). Tương tự như vậy, giá điện chỉ tăng mà không giảm trong sự mù
mờ đến khó hiểu.
Trước khi vận hành một cơ chế giá thị trường (đối với các mặt
hàng thiết yếu), nhà nước cần tập trung mọi nỗ lực để xóa bỏ độc quyền, chống
sự lũng đoạn thị trường của các doanh nghiệp “con cưng”. Chỉ có cách tạo ra
một thị trường thực sự để doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau tồn tại thì người
dân mới được hưởng lợi từ sự vận hành theo thị trường của giá cả.
(Theo Thanh niên) An Nguyên
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét